Đổi mới sáng tạo: Động lực bứt phá thương hiệu quốc gia Việt Nam
Đổi mới sáng tạo cùng với khoa học, công nghệ và chuyển đổi số được xem là bộ ba yếu tố quyết định để Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.
Doanh nghiệp cần trả lời câu hỏi “tại sao” phải xây dựng thương hiệu toàn cầu
Phát biểu tại Chương trình lễ khai mạc tuần lễ thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam và Diễn đàn quốc tế thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2025 ngày 16/4, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định thương hiệu quốc gia là tài sản vô hình có giá trị chiến lược, phản ánh năng lực cạnh tranh tổng thể và vị thế của một quốc gia trong tiến trình hội nhập.
Trong những năm gần đây, với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ và sự đồng hành của DN, Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có bước tiến ấn tượng. Theo Brand Finance, năm 2024, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 507 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới - tăng 1 bậc so với năm 2023.
Lễ khai mạc Tuần lễ và Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2025 diễn ra sáng 16/4, tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST), vai trò của thương hiệu quốc gia càng trở nên cấp thiết. “Diễn đàn năm nay với chủ đề “Thương hiệu quốc gia Việt Nam - Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo” tiếp tục khẳng định tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn trong xây dựng thương hiệu quốc gia thời kỳ mới”, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nói và nhấn mạnh ĐMST là chìa khóa nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời tạo ra sự khác biệt bền vững trong môi trường toàn cầu cạnh tranh gay gắt.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, kinh tế số lan tỏa, xu hướng tiêu dùng xanh - sạch - thông minh lên ngôi, DN Việt Nam cần chủ động thích ứng và tiên phong sáng tạo.
Theo ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Phó Trưởng ban Ban Thư ký Chương trình THQG Việt Nam, chương trình đã được Chính phủ chính thức triển khai từ năm 2003, đến nay đã trải qua 22 năm phát triển. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ xây dựng và phát triển các sản phẩm và thương hiệu mạnh, từ đó quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới như một quốc gia có sản phẩm chất lượng cao, tinh thần đổi mới và cộng đồng xã hội gắn kết, thân thiện. Thông qua việc phát triển các sản phẩm và DN uy tín, Việt Nam hướng tới nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia, tạo dấu ấn tích cực trong mắt bạn bè quốc tế.
Chương trình THQG Việt Nam được xây dựng dựa trên 3 trụ cột chính: chất lượng, ĐMST và năng lực tiên phong. Đây cũng là những tiêu chí cốt lõi trong quá trình xét chọn các sản phẩm đạt THQG.
Ông Nguyễn Việt An, GIám đốc Trung tâm ĐMST, Cục ĐMST, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), cho biết Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi Luật KH&CN năm 2013, với tên gọi dự kiến là Luật KH,CN và ĐMST. “Đây là lần đầu tiên khái niệm ĐMST được đặt ngang hàng với khoa học và công nghệ, khẳng định vai trò then chốt của yếu tố này trong sự phát triển quốc gia”, ông Nguyễn Việt An nói.
Theo ông An, ĐMST, cùng với KH,CN và chuyển đổi số (CĐS), được xem là bộ ba yếu tố quyết định để Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng. KH,CN là nền tảng tạo ra tri thức và công cụ mới. ĐMST đóng vai trò động lực, chuyển hóa tri thức và công nghệ thành các giải pháp, sản phẩm hoặc dịch vụ mới. CĐS, với phong trào CĐS quốc gia đang được triển khai mạnh mẽ, tạo ra môi trường thuận lợi để thúc đẩy tốc độ phát triển, phổ biến nhanh chóng các sản phẩm công nghệ, mô hình kinh doanh và kỹ năng quản trị mới.
Tọa đàm: “Đổi mới sáng tạo - Động lực bứt phá thương hiệu quốc gia Việt Nam”
Trình bày về chiến lược quốc gia về ĐMST, xây dựng hệ sinh thái ĐMST trong việc nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam, ông Nguyễn Việt An cho rằng có một số định hướng quan trọng về giải pháp thúc đẩy ĐMST để nâng tầm thương hiệu DN Việt Nam. Đầu tiên, DN cần trả lời câu hỏi “tại sao” phải xây dựng thương hiệu toàn cầu, thay vì chỉ tập trung vào “làm thế nào”. Việc hiểu rõ mục tiêu này sẽ huy động sức mạnh nội tại của đội ngũ nhân sự và lãnh đạo để đạt được tầm nhìn lớn.
Bên cạnh đó, DN cần tận dụng sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, bao gồm các tổ chức, đại sứ quán và đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, để đưa thương hiệu ra thế giới. DN cũng cần nắm bắt thời cơ từ các hiệp định thương mại và cơ hội hội nhập để kiểm chứng năng lực cạnh tranh toàn cầu. Đặc biệt, DN phải xác định giá trị cốt lõi để chủ động thích nghi, thay vì chạy theo những thay đổi công nghệ liên tục.
“Trong bối cảnh mọi thứ thay đổi nhanh chóng, giá trị cốt lõi sẽ giúp DN duy trì bản sắc và định hướng phát triển bền vững”, ông Nguyễn Việt An nói.
Kinh nghiệm xây dựng THQG của Hàn Quốc
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng THQG từ ĐMST, ông Bok Dug Gyou, Trưởng Ban Korea Desk tại Vietrade kiêm Phó Giám đốc KOTRA tại Hà Nội, cho biết THQG Hàn Quốc cũng không hình thành ngay lập tức mà là kết quả của hơn 70 năm nỗ lực không ngừng nghỉ của cả cộng đồng.
“Sau Chiến tranh Triều Tiên năm 1950, Hàn Quốc gần như mất hết tất cả và không có nền tảng công nghiệp. Vào thời điểm đó, Hàn Quốc chỉ là một phần nhỏ trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ yếu bắt chước các quốc gia khác. Tuy nhiên, chúng tôi không dừng lại ở đó”, ông Bok Dug Gyou nói.
Các DN Hàn Quốc đã nỗ lực thay đổi thị trường toàn cầu, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ. THQG Hàn Quốc được xây dựng dựa trên các trụ cột chính như đổi mới công nghệ, giáo dục và nguồn nhân lực, nền tảng công nghiệp vững mạnh, kinh tế định hướng xuất khẩu, cơ sở hạ tầng hiện đại và phát triển đô thị, cùng với ngoại giao toàn cầu và sức mạnh mềm.
Hàn Quốc đã tổ chức các sự kiện lớn như Thế vận hội Olympic, Cúp Bóng đã thế giới (World Cup), và hiện nay văn hóa Hàn Quốc, với các hiện tượng như ban nhạc BTS, đang trở thành biểu tượng toàn cầu.
“Trước đây, khi nghĩ về THQG Hàn Quốc, nhiều người liên tưởng đến “Dynamic Korea” hay “Creative Korea”. Tuy nhiên, những khái niệm này dần trở nên mơ hồ và có phần trùng lặp với thương hiệu của các quốc gia khác. Vì vậy, Hàn Quốc đã chuyển hướng sang một chiến lược mới mang tên “K-Brand”. Chiến lược này tập trung hỗ trợ các DN Hàn Quốc, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, để họ cạnh tranh và giành thị phần trên thị trường toàn cầu”, ông Bok Dug Gyou chia sẻ.
Dựa trên kinh nghiệm xây dựng THQG của Hàn Quốc, ông Bok Dug Gyou đã đưa ra những khuyến nghị dành cho Việt Nam.
Thứ nhất, cần khuyến khích cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Không có động lực hoặc sự kích thích, DN sẽ khó tập trung vào đổi mới. Chính phủ cần hỗ trợ các DN nhỏ và vừa vượt qua rào cản về ngôn ngữ, tiếp thị và công nghệ để tự tin tham gia thị trường quốc tế.
Thứ hai, cần đầu tư vào chính sách tài chính toàn cầu hóa. Hàn Quốc đã chi hàng trăm triệu USD để hỗ trợ DN, và các quốc gia khác cũng cần đánh giá ngân sách toàn cầu hóa của mình để đảm bảo đủ sức cạnh tranh.
Thứ ba, cần tăng cường hợp tác giữa chính phủ, DN và trường đại học. Việc mời các chuyên gia từ ngành công nghiệp giảng dạy tại trường đại học sẽ giúp giáo dục gắn liền hơn với nhu cầu thực tế.
Cuối cùng, ông Bok Dug Gyou cho rằng văn hóa, thể thao và ngoại giao cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá THQG./.