Đông Nam Á gặt hái thành quả lớn trước làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng

14:25, 07/09/2024

Theo một báo cáo được công bố ở hội nghị kinh tế khu vực có tựa đề “Gateway to Asean” – Cửa ngõ vào Asean diễn ra tại Tp Hồ Chí Minh, các quốc gia ASEAN đã thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn Trung Quốc lần đầu tiên sau một thập kỷ vào năm ngoái.

Làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp toàn cầu khỏi Trung Quốc đang mang lại cơ hội lớn cho các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về mặt đầu tư mới và đa dạng hóa thương mại

Các chuyên gia cho biết sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, đang mang đến làn sóng cơ hội lớn cho các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về mặt đầu tư mới và đa dạng hóa thương mại.

Ông William Fung, Phó chủ tịch của Li & Fung, một công ty tiên phong trong chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết căng thẳng địa chính trị đã thúc đẩy nhiều nhà sản xuất đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang khu vực này với tốc độ nhanh hơn. Điều này giúp các quốc gia Đông Nam Á nâng cấp cơ sở hạ tầng, thu hút nhân tài và áp dụng các công nghệ mới.

Chia sẻ bên lề sự kiện Gateway to Asean, ông Fung cho rằng “cơ hội thực sự đang nằm ở khu vực này (ASEAN)”. Cũng theo ông Fung, “đối với người dân, các nhà công nghiệp di dời khỏi Trung Quốc, ASEAN là điểm dừng chân rõ ràng” để tránh rủi ro thuế quan tiềm ẩn.

Thực tế, Đông Nam Á đã thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn Trung Quốc lần đầu tiên trong một thập kỷ vào năm ngoái, khi các nhà sản xuất toàn cầu áp dụng chiến lược chuỗi cung ứng “Trung Quốc +1” để giảm thiểu hậu quả từ căng thẳng giữa Washington-Bắc Kinh. Một cuộc chiến thuế quan kể từ khi Trump lên nắm quyền đã làm tăng chi phí sản xuất, làm xói mòn sức hấp dẫn của Trung Quốc như một cơ sở sản xuất giá rẻ.

Một báo cáo chung do Angsana Council, Bain & Co và DBS Bank công bố, cho thây các nền kinh tế hàng đầu ASEAN, gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã thu hút tổng cộng 206 tỷ đô la Mỹ vốn FDI vào năm 2023, trong khi Trung Quốc chỉ nhận được 43 tỷ đô la Mỹ.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục thống kê, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 8 tháng đạt 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ, trong đó hơn 70% vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Singapore tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam.

Theo ông Fung, các doanh nghiệp FDI “sẽ mang lại việc làm, chuyển giao công nghệ, ngoại hối về mặt thu nhập và theo thời gian, toàn bộ chuỗi cung ứng sẽ chuyển vào”. Áp lực địa chính trị gia tăng đang thực sự “giúp đẩy nhanh quá trình này”, ông Fung chia sẻ.

Báo cáo cũng cho biết nền kinh tế của Đông Nam Á dự kiến ​​sẽ tăng trưởng trung bình 5,1% trong thập kỷ tới, trong đó Việt Nam có khả năng là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng tốt nhất.

Ông Li Fan, Giám đốc điều hành tại công ty cổ phần tư nhân Warburg Pincus của Hoa Kỳ, cho biết Việt Nam được coi là điểm đến ưa thích của các công ty Trung Quốc để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất của họ, và Việt Nam đã tận hưởng nhu cầu tăng vọt về không gian công nghiệp. Ông nói thêm rằng điều đó có khả năng sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi chiến lược "Trung Quốc +1" và sự tăng trưởng nội địa trong các lĩnh vực như thương mại điện tử.

Các cơ hội sẽ đến nhiều hơn trong tương lai khi bất động sản cấp độ tổ chức ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở Việt Nam, vẫn đang trong quá trình phát triển. Và theo ông Fan, “khi những tài sản này trở nên hoàn thiện hơn, sẽ có một số cột mốc thực sự lớn và từ đó các nhà đầu tư toàn cầu vào bất động sản tổ chức sẽ tham gia với quy mô lớn hơn”.

Trong khi đó, với United Overseas Bank (UOB), tập đoàn ngân hàng lớn thứ hai của Singapore, đang chuẩn bị khai thác sự bùng nổ này bằng cách tập trung tài trợ thương mại và tài trợ cho toàn bộ hệ thống giá trị chuỗi cung ứng cho người mua và người bán.

Số liệu từ UOB, cho thấy trong thập kỷ qua, ngân hàng này đã hỗ trợ hơn 4.500 công ty trong kế hoạch mở rộng ra nước ngoài, đặc biệt là vào ASEAN và đầu tư vào hệ thống quản lý chuỗi cung ứng tài chính tích hợp để kết nối các doanh nghiệp theo hệ thống giá trị.

Xu hướng này vẫn đang tiếp tục phát triển và mở ra nhiều cơ hội lớn hơn cho các thành viên của khối ASEAN, đặc biệt là các doanh nghiệp trong việc kết nối với thị trường lớn thứ 2 thế giới cũng như phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu.

Theo các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu khu vực, với vị trí địa lý thuận lợi, chính trị ổn định, cộng với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, Việt Nam có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, trở thành cửa ngõ, trung tâm kết nối khu vực ASEAN với các nhà đầu tư quốc tế.

Tại sự kiện “Gateway to Asean”, lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu cho rằng để có thể tiếp tục phát huy tốt nguồn lực nội khối ASEAN, cũng như thu hút dòng vốn FDI, đưa ASEAN tiếp tục trở thành khu vực quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững sẽ là hai động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng khu vực ASEAN nói chung cũng như Việt Nam nói riêng.