Dự án xăng pha cồn: Bao giờ thành hiện thực?

08:38, 17/12/2004

Trong đợt giá xăng, dầu được điều chỉnh, ông Lê Trọng Hùng hết đi ra lại đi vào, đứng ngồi không yên. Trải qua gần 10 năm theo đuổi dự án xăng pha cồn với những luận chứng hết sức thuyết phục. Đã từng nghe ông thuyết trình dự án rất khả thi cách đây đã 3 năm, lần này gặp lại ông tôi hết sức bất ngờ khi biết 3 năm qua dự án vẫn chưa tiến thêm được bước nào,...

Ông Hùng nghiên cứu dự án xăng pha cồn từ năm 1996, lúc đó ông đang là Phó giám đốc Trung tâm năng lượng (thuộc TTKHTN & CNQG). Đến nay đã gần chục năm trời, và ông cũng đã về hưu, dự án ông theo đuổi cũng đã trải qua bao thăng trầm, có lúc tưởng chừng như đã được sự cam kết để trở thành hiện thực, rồi lại rơi vào ngõ cụt...

Sức thuyết phục của dự án

Dự án xăng pha cồn có sức thuyết phục lớn. Một, về mặt kinh tế-xã hội, tạo công ăn việc làm, thu nhập của nhiều hộ dân ở nông thôn, các tỉnh miền núi, nơi đất cằn sỏi đá thích hợp với việc trồng ngô, khoai, sắn, mía…Và các phụ phẩm nông nghiệp khác được tận dụng để sản xuất cồn. Hai, tạo ra một nguồn năng lượng mới (ở Việt Nam) phục vụ cho việc đun nấu, chạy động cơ và sử dụng trong sản xuất công nghiệp. Ba, góp phần giữ gìn và bảo vệ môi trường.

Một nguồn năng lượng mới, xin nhắc lại là mới ở Việt Nam thôi, ông Hùng nói “Về mặt khoa học, các nước họ đã làm từ lâu, với dự án này điều tâm huyết của tôi là gợi mở ra một bài toán kinh tế - xã hội”. Được biết, ở Mỹ ngay từ những năm 1908 họ đã pha được tỷ lệ 20% cồn vào xăng và đến nay ở nhiều nước bằng các chất xúc tác hoá học đặc biệt (phụ gia), họ có thể pha được 50% xăng-50% cồn. Ông Hùng qua thực nghiệm đã pha được 18%, 19% cồn, lên đên 20% thì xảy ra hiện tượng tương phân tầng giữa cồn và xăng. Vấn đề này TS.Nguyễn Xuân Nguyên (Viện hoá) đã tìm ra được chất xúc tác để có thể pha trộn được lên 20% cồn và có thể nâng lên nữa >20%, những theo ông Hùng, đây không phải là vấn đề, cũng không phải bỏ công sức vào việc nghiên cứu phụ gia để nâng tỷ lệ pha trộn, mà có thể nhập khẩu hoặc mua bản quyền sản xuất dây chuyền pha trộn xăng-cồn theo tỉ lệ 1:1 của nước ngoài với giá khoảng 100.000 USD/1 dây chuyền, một dây chuyền như thế có thể phục vụ được cho nhu cầu của một huyện đông dân hoặc một tỉnh, ông Hùng đã tính toán và đư ra nhận định.

Chạy bằng xăng pha cồn xe vẫn cứ bon bon

Ông Trần ứng Thanh-Giám đốc Công ty Vật liệu Xây dựng & Xuất nhập khẩu Hồng Hà (CTVLXD & XNKHH), một người rất ủng hộ dự án của ông Hùng đã làm một “vòng dự án” rất thuyết phục về việc pha cồn và xăng đến 18%, 19% rồi đổ vào xe ô tô chạy một mạch từ Hà Nội lên Lạng Sơn, qua Bắc Giang và trở về Thủ đô, xe vẫn cứ bon bon không vấn đề gì. Tuy nhiên, để chạy được xăng pha cồn thì bình xăng phải được thay bằng đồng hoặc các chất liệu khác, còn bình bằng sắt thì sẽ xảy ra hiện tượng ăn mòn.

Cách đây 3 năm, khi thuyết trình về dự án của mình, ông đã thực nghiệm bằng cách để cho tôi đổ môt chai xăng đã pha cồn vào xe máy để “thừ” nhưng tôi vẫn muốn hơn thao tác ông sử dụng bếp đun cồn. ở nông thôn chất đốt cũng là một vấn đề nan giải, ông Hùng nói “người dân chưa có đủ điều kiện để dùng bếp ga, còn dùng bếp dầu thì ô nhiễm môi trường và nấu cơm thức ăn không ngon. Giải pháp dùng bếp đun cồn có vẻ ưu việt hơn cả. Vừa rẻ nồi xoong lại không bị đen, lượng khí CO2 thải ra thấp hơn nhiều so với đun dầu, tất nhiên tiện lợi bằng bếp ga thì không được vì cồn không “bốc” bằng ga.

Chiếc bếp đun cồn được ông Hùng chế tạo có bề ngoài giống chiếc bếp đun bằng dầu hoả, điểm khác biệt cơ bản, các ống dẫn cồn được chế tạo bằng inox hoặc đồng chứ không phải là sắt, nhôm (bị cồn ăn mòn). Mỗi chiếc bếp có giá trị từ 35.000-45.000 đồng, khi hết cồn bếp cũng có thể sử dụng để đun dầu hỏa bình thường. Mỗi gia đình có 3-5 người, sử dụng bếp cồn, mỗi tháng dùng 20 lít, mỗi lít từ 2200đ - 2500đ. Vị chi mỗi tháng khoảng 50.000đ.

Để thuyết phục hơn, ông Hùng đã làm bài toán, mỗi năm nước ta nhập khẩu hơn 10 triệu tấn xăng dầu, nếu dự án “xăng pha cồn” thành hiện thực thì mỗi năm có thể tiết kiệm được nguồn ngoại tệ tương đương với nhập 4-5 triệu tấn xăng, dầu. Trên hết dự án đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người ở vùng nông thôn, miền núi, giảm bớt lượng khí độc hại thải ra môi trường. Nước ta có khoảng 80 triệu dân, với 15 triệu hộ, chỉ cần 10 triệu hộ dùng cồn đun nấu, mỗi hộ tiêu thụ 20 lít/1 tháng thì mỗi năm đã tiêu thụ hết 1,9 triệu tấn cồn/1 năm. Các lò gốm, sứ, nấu bia... ước tính tiêu thụ lên đến 1 triệu tấn cồn/1năm. Đó là chưa kể việc pha cồn vào xăng để phục vụ vận tải. Ông Hùng còn cho biết, nếu dự án thành công, một cán bộ chức năng của Petrolimex đã hứa là sẵn sàng xây thêm một cây bơm bán xăng pha cồn cho khách hàng.

Khi sử dụng cồn, hoặc xăng pha cồn sẽ hạn chế được tác hại của môi trường, 1 lít xăng khi tiêu thụ thải ra môi trường 3,2 kg CO2 trong khi 1 lít cồn là 1,7 kg CO2. Theo vòng tròn tuần hoàn, khi trồng sắn, ngô đủ để sản xuất 1lít cồn thì nó cũng đã hấp thụ được gần bằng 1luợng CO2 tương ứng.

Hiện nay, nước ta có hàng chục nhà máy sản xuất đường, các phụ phẩm thải ra rất lớn. 1 tấn mía cây ngoài việc sản xuất ra 100 kg đường, phụ phẩm còn có thể tận dụng để sản xuất ra 7-13 lít cồn. Nếu không lấy đường, thì 1 tấn mía sản xuất ra 55 – 77 lit Ethanol. Ngoài ra, nước ta có nhiều vùng có chất đất và khí hậu phù hợp với việc trồng sắn, ngô chất lượng cao như ở Lào Cai, Sơn La, các tỉnh duyên hải miền Trung, năng xuất sắn có thể đạt 100tấn/1ha. Khi xây dựng các nhà máy sản xuất cồn ngoài việc tiêu thụ nông sản sắn, ngô, mía cho bà con nông dân thì còn tận dụng được nhiều phụ phẩm nông nghiệp khác như gạo, ngô, mốc hỏng để sản xuất cồn, giúp người dân ở miền núi tiêu thụ được sản phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, xoá đói giảm nghèo.

Dự án bao giờ thành hiện thực?

Để thúc đẩy nhanh dự án, đưa dự án thành quy mô công nghiệp cần có dự ủng hộ của các cấp liên quan và 2 vấn đề trực tiếp đang đặt ra phải hoạch định được vùng trồng nguyên liệu để sản xuất cồn, cùng nguồn vốn và sự tham gia của các nhà khoa học có liên quan. Ông Trần ứng Thanh - Giám đốc CTVLXD & XNKHH, một người đã sát cánh cùng ông Hùng cho biết, nếu được cấp vốn thực hiện dự án, Công ty ông luôn sẵn sàng ứng dụng xăng pha cồn vào sản xuất, chạy động cơ. Trước đây, vì nhận thấy tác động tốt của dự án tới môi trường tổ chức JICA (Nhật Bản) cũng để mắt tới dự án với điều kiện dựa án phải có quy mô từ 80 triệu USD trở lên, theo công ước Kyoto những dự án giảm thiểu vật chất phát thải ra môi trường sẽ được ưu tiên vay vốn mà không cần thông qua chính phủ Nhật Bản…

Còn về việc xây dựng nhà máy sản xuất cồn, ông Hùng đã làm việc với Viện Công nghiệp thực phẩm và được biết việc xây dựng nhà máy sản xuất cồn bằng công nghệ Việt Nam. Với quy mô nhà máy sản xuất 0,5 triệu lít/1năm cần tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ đồng (bao gồm mọi khâu từ chuyển giao công nghệ đến xây dựng, đào tạo cán bộ).

Vấn đề cần lưu ý là đi cùng với dự án cần tìm ra cách loại bỏ độc tố có trong sắn, cồn. Do chưa làm được điều này nên bột sắn của ta không xuất khẩu được, có người khi ăn còn bị say (say sắn). Hơn nữa cũng cần chế tạo ra cái bếp nấu bằng cồn tiện lợi hơn, có thể tìm cách chuyển cồn từ dạng lỏng sang dạng khí như gas chẳng hạn.

Từ ý tưởng đến các luận chứng của dự án đã rõ ràng, số vốn cần phải đầu tư cũng không phải là lớn. Ông Hùng đã có luận chứng để có thể xây dựng 2 nhà máy sản xuất cồn, một ở Gia Lâm - Hà Nội, một ở Quảng Nam - Đà Nẵng và ông cũng mong nhận được sự quan tâm đầy đủ hơn nữa của Nhà nước, của các cơ quan quản lý, và đặc biệt cần nguồn vốn đầu tư để dự án trở thành hiện thực.



Được biết theo thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Công Gô, ông Hùng đã nhận được lời mời đi Công Gô giảng dạy trong 2 năm. Ông chỉ còn 2 tháng để quyết định có đi hay không, cách đây 3 năm như ông nói, về hưu rồi còn nhiều thời gian hơn để dành cho dự án xăng pha cồn. Giờ đây thay vì trả lời cụ thể, tôi biết ông cũng đang rất trăn trở cho dự án xăng pha cồn của mình, bao giờ trở thành hiện thực? Đối với ông Hùng đó còn là một dự án vì người nghèo, vì có thể tạo ra vùng trồng nguyên liệu rộng lớn, giải quyết đầu ra cho cây sắn, cây mía... ở những nơi mà người dân đang rất khó khăn. Nhưng một mình tôi không thể làm nổi. Có lẽ điều đó còn khó hơn việc nghiên cứu và lập dự án. ông Hùng nói như vậy!.