Du xuân trong những cánh rừng Di sản

15:59, 11/02/2021

Dãy núi Hoàng Liên Sơn rộng 30 km, chạy dài 180 km, là phần cuối của dãy núi Ai Lao Sơn, đoạn tận cùng phía Đông Nam của dãy núi Himalaya nằm ở khu vực Tây Bắc của Việt Nam, được tạp chí National Geographic của Mỹ xếp thứ bảy trong Top 28 Điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2019, đồng thời được bình chọn là điểm đến thú vị nhất khu vực Đông Nam Á.

Trên dãy núi Hoàng Liên Sơn sở hữu 9/10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, trong đó có ngọn Fansipan cao 3.143m cao nhất Đông Dương. Phần lớn dãy núi hiện nay vẫn được bao phủ bởi những cánh rừng xanh tốt. Rừng ở Hoàng Liên Sơn gồm hai kiểu chính rừng thường xanh núi thấp và rừng thường xanh núi cao. Trong khu vực dãy núi này có nhiều cánh rừng được công nhận là rừng di sản ẩn chứa những bí mật “độc nhất vô nhị trên thế giới” đang dần được khám phá.

Rừng Vân Sam Fansipan Quốc bảo  

Mọc ở độ cao trung bình 2.600 mét so với mực nước biển, giữa lưng chừng núi Fansipan có quần thể cây Vân Sam Fansipan có độ tuổi trung bình trên 300 năm, cây trung tâm đạt hơn 650 năm tuổi. Năm 2014 được công nhận là cây di sản Việt Nam, chúng được ví như “Quốc bảo”, bởi cho đến nay loài Vân Sam này chỉ được phát hiện duy nhất ở đỉnh Fansipan (Sa Pa, Lào Cai) mà chưa ghi nhận ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Trời đã sang xuân, muôn hoa đua nở khắp núi rừng, vậy mà Sa Pa vẫn lạnh thấu xương. Nhưng để tận mắt chiêm ngưỡng những cây di sản độc đáo nhất Việt Nam thì cái lạnh đó không ngăn được bước chân của những người ưa khám phá. Trong hành trình khám phá rừng Vân Sam Fansipan chúng tôi may mắn được Ban lãnh đạo Vườn Quốc gia Hoàng Liên cử những cán bộ rất thông thạo địa bàn, sâu rộng về kiến thức văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương làm người dẫn đường. Anh Trịnh Đình Hưng, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm San Sả Hồ, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) là người có gần 10 năm tham gia bảo vệ khu rừng quý trực tiếp dẫn chúng tôi khám phá.

Anh Hưng phân tích để chúng tôi lựa chọn: Tuy có một đường duy nhất để chinh phục khu rừng Vân Sam nhưng có thể đi bằng 2 cách. Thứ nhất là leo bộ hoàn toàn, điểm xuất phát từ thôn Cát Cát, đây là tuyến quen thuộc để chinh phục đỉnh Fansipan bằng đi bộ. Nếu đi nhanh sẽ mất khoảng 8 giờ thì đến nơi và sẽ nghỉ đêm tại rừng, hôm sau hạ sơn. Thứ hai là kết hợp đi cáp treo và đi bộ. Khi đi cáp treo đến đỉnh Fansipan sẽ tiếp tục đi bộ theo đường xuống núi. Bằng cách này sẽ mất khoảng 4 giờ, tiết kiệm được một nửa thời gian mà đỡ mất sức hơn rất nhiều. Chúng tôi chọn cách thứ 2 cho hành trình khám phá khu rừng đặc hữu này.

Xuất phát tại ga cáp treo Fansipan từ 7 giờ sáng, khi mặt trời đứng bóng cũng là lúc chúng tôi đến được cây Vân Sam ở vị trí trung tâm, đây là cây lớn nhất trong khu rừng này cao khoảng 15m, đường kính hơn 1 m, với khoảng hơn 650 năm tuổi. Lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến một cây Vân Sam to và đẹp đến như vậy. Tôi đưa tay chạm nhẹ vào lớp vỏ cây sần sùi, rêu phong để cảm nhận những dấu mốc thời gian để lại. Cây mọc đứng với tán tỏa rộng, lớp vỏ màu xám, tương đối nhẵn. Lá hình dải, xếp vòng xoắn ốc xung quanh cành, mép lá nhẵn, uốn ngược. Các cành mọc đan xen, tầng tầng như những mâm xôi tỏa ra các hướng nhìn rất đẹp mắt. Mở rộng tầm mắt ra xung quanh, tôi chiêm ngưỡng đầy đủ cả quần thể cây di sản. Mỗi cây một vẻ riêng về tuổi đời, kích thước, chỗ đứng nhưng hợp nhất tạo thành một quần thể tầng tầng, lớp lớp như những tòa lâu đài xanh giữa đại ngàn hùng vĩ.  

Từ những năm đầu của thập kỷ 90, người dân tộc Mông ở xã San Sả Hồ thường xuyên vào rừng để hái quả, lấy thuốc, khi đó Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hoàng Liên, Sa Pa còn chưa được thành lập. Ban đầu họ chỉ đi vào khu rừng ở dưới thấp từ độ cao 2.000m trở xuống, sau đó, thấy ở khu rừng này có nhiều loại thuốc quý dùng để chữa bệnh, họ đi lên cao dần. Càng khám phá những cánh rừng trên cao họ lại càng thấy đẹp. Tới độ cao 2.600 trở lên thì họ bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp thần tiên của khu rừng Vân Sam Fansipan và đặt tên là rừng cảnh tiên. Trải qua bao nhiêu năm, quần thể những cây Vân Sam vẫn luôn đứng hiên ngang, sừng sững, oai phong chống trọi với phong ba, bão tuyết mà vẫn đẹp, vẫn xanh. Người dân địa phương luôn coi rừng đó như người bạn thân, rừng cấm đời nọ truyền đời kia gìn giữ.

 Già Làng Vàng A Cháng, thôn Sín Chải kể: Đường đi rừng ngày xưa rất vất vả, thông thường phải 2 – 3 ngày mới có thể xuống núi. Người dân trong thôn mỗi lần vào rừng hái thuốc, lại đến khu rừng Vân Sam để nghỉ chân, ngủ qua đêm ở đó. Giữa đại ngàn lạnh giá, nhưng dưới rừng Vân Sam cổ thụ che chở người ta thấy ấm áp, yên bình như ở trong chính ngôi nhà của mình. Đặc biệt, trong khu rừng này có mạch nước ngầm rất trong, vị ngọt, uống vào thấy ấm bụng và người khỏe khoắn hẳn lên. Mọi người còn truyền tai nhau về một loại nấm quý mọc trên những thân cây Vân Sam già, ăn vào có thể chữa được “bách bệnh” như bệnh đau đầu, nhức xương, cảm lạnh và đặc biệt là kéo dài tuổi thọ.

Vân Sam Fansipan được đưa vào sách đỏ Việt Nam từ năm 1996, loài Vân Sam này là thực vật đặc hữu của Lào Cai và của Việt Nam. Chúng phân bố duy nhất ở đỉnh Fansipan, thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Cây Vân Sam được xếp vào nhóm I A, nhóm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại. Những cá thể Vân Sam phân bố tự nhiên không nhiều, trên diện tích hẹp và trên bờ vực tuyệt chủng. Có rất nhiều mối đe dọa với chúng vì khả năng tái sinh rất kém. Đây là loài cây có hình thái đẹp và độc đáo, thân cây mọc thẳng, dáng cây cân đối. Cành có mốc rêu cổ thụ, lá dạng kim, dày, xanh lâu, dù có gãy khỏi thân cây vài tháng lá vẫn cứ tươi xanh. Quần thể Vân Sam Fansipan vô cùng quý hiếm phân bố ở độ cao từ 2.600m, trên cung đường từ thôn Cát Cát đến đỉnh Fansipan, có diện tích khoảng 1.000m2, với 26 cá thể. Đây được coi là những Bảo vật quốc gia đang được gìn giữ nghiêm ngặt.

Những rừng chè cổ thụ trăm năm tuổi

Dãy Hoàng Liên Sơn chạy qua 5/8 huyện, thành phố của tỉnh Lai Châu. Trong đó Lai Châu đang sở hữu nhiều đỉnh núi nằm trong tốp 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Cho đến vài năm gần đây những bàn chân thám hiểm của du khách mới dần vén được một phần nhỏ nhoi những bức màn bí mật được ẩn dấu bên sườn dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ thuộc địa phận Lai Châu. Quần thể rừng Chè San tuyết cổ thụ phân bố tự nhiên trên núi cao với tuổi đời trung bình ước trên 300 năm đến 1.000 năm là một trong những khám phá gây ngỡ ngàng với cả những nhà khoa học.

Chè cổ thụ Lai Châu mọc rải rác khắp các cánh rừng nguyên sinh trên dãy núi Hoàng Liên Sơn, Pusilung, cao nguyên Sìn Hồ ở độ cao phổ biến từ 1.700m đến 2.900m so với mực nước biển, thuộc các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên, Sìn Hồ.

Để mục sở thị những cây chè cổ thụ xếp vào hàng kỷ lục Việt Nam, chúng tôi sắp xếp một chuyến đi khám phá vào những ngày đầu tiên của năm 2021. Địa điểm được lựa chọn là rừng chè cổ thụ tại núi Tả Liên Sơn, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn nằm trên địa phận của xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Đây có lẽ là rừng chè dễ khám phá nhất bởi xã Tả Lèng chỉ cách trung tâm tỉnh lỵ Lai Châu 6km.

Được sự hỗ trợ của Hạt Kiểm lâm huyện Tam Đường, cùng với chiến sĩ kiểm lâm viên địa bàn và lãnh đạo xã Tả Lèng, hành trình khám phá của chúng tôi tương đối thuận lợi. Từ trung tâm xã chúng tôi được chở bằng xe máy khoảng hơn 3km đi qua con đường uốn lượn trên những thửa ruộng bậc thang qua mùa thu hoạch còn trơ gốc dạ để đến cửa rừng. Đây là điểm xuất phát của con đường mòn leo núi chinh phục đỉnh Tả Liên Sơn, đỉnh núi cao thứ 6 Việt Nam, nhưng nằm trong tốp 3 muốn được chinh phục nhất về độ hùng vĩ, sự hoang dã của hệ động thực vật nguyên sinh độc đáo và cảnh quan.

Chỉ đặt mục tiêu đến được rừng chè cổ thụ, không đặt mục tiêu chinh phục đỉnh Tả Liên Sơn nên hành trình của chúng tôi được nói là dễ dàng hơn nhiều. Nhưng trải qua khoảng 5 tiếng leo núi chúng tôi mới hiểu cái “dễ dàng” không hề nhàn hạ. Tuy nhiên sự vất vả của bộ hành ngược núi trong ngày đông giá rét, ẩm ướt đã được đền đáp quá hậu hĩnh ngoài sức tưởng tượng.

Từ độ cao 1.700m trở lên chúng tôi bắt đầu gặp những cây chè đầu tiên. Quả thực nếu không được người dẫn được nói tôi cũng không thể tự nhận ra đó là cây chè. Sinh ra và lớn lên ở đất trồng chè, theo bố mẹ đi hái chè từ nhỏ, tôi chưa từng chứng kiến cây chè nào to bằng bắp tay người lớn. Vậy mà đây sao? Tôi tự hỏi, những thân cây rêu mốc với đầy địa y ký sinh to bằng cả vòng tay người ôm cao tới trên 3 tầng nhà xây này là cây chè thật sao? Có lẽ biết chúng tôi ngạc nhiên có phần hoài nghi, người cán bộ dẫn đường nhặt những bông hoa chè trắng tinh khiết rụng dưới đất đưa cho chúng tôi. Sau đó anh đến 1 cây chè có thế nằm nghiêng, trèo lên hái những đọt chè non xanh mang xuống. Nhấm trên đầu lưỡi, vị chè hơi chát ban đầu, rồi thanh, ngọt dịu đầy dư vị. Càng đi lên cao, rừng chè càng mở rộng với những cây to nhỏ nhiều kích cỡ.

Hạ trại nhóm lửa để đun ấm nước chè tươi. Nhấp chén nước qua môi, vị đã lan sang đầu lưỡi. Khi nuốt qua cổ họng sự ấm áp lan tỏa khắp cơ thể, mọi mệt mỏi như tan biến, tinh thần sảng khoái, thông tuệ.

Chúng tôi được thông tin từ lãnh đạo xã Tả Lèng, quần thể rừng chè cổ thụ sau khi kiểm đếm khá kỹ càng có trên 2.328 cây to ước từ 100 năm đến 500 năm tuổi. Số tuổi đang chỉ ước tính theo đường kính gốc và chiều cao của cây. Nếu so sánh với một số bài báo khoa học đã công bố thì tuổi thọ của những cây chè tại đây có thể cao hơn nữa. Điều này vẫn đang chờ những nhà khoa học kết luận chính xác hơn. Hiện địa phương đang khoanh vùng quần thể chè cổ thụ tại xã trong khoảng 33,62ha, nằm ở độ cao từ 1.700m – 2.900m so với mực nước biển, tập trung tại 5 bản: Lùng Trù Hồ Pên, Tả Lèng I, II, Pho Lao Chải, Lùng Than Lao Chải.

Về đặc điểm nhận dạng, cây chè ở đây có chiều cao từ 5-20m, thân cây to, tán nhỏ, phân nhánh nhiều cành lá, cành vươn ngang theo mặt đất, tán rộng tới vài mét. Rừng trà cổ thụ san tuyết này mọc xen kẽ với nhiều loại cây hỗn giao khác. Từng thân trà to bằng người ôm như những loài cây gỗ lớn.

Thổ nhưỡng ở đây đã sản sinh ra những búp chè tươi có vị rất riêng: búp chè tươi vừa có vị đắng nhẹ nhưng không gắt lại có vị ngọt, hương thơm dịu nhưng lưu hương lâu. Có một điều đặc biệt là vị chát của chè rất nhẹ, thêm nữa khi xao chè khô nước chè pha ra có màu xanh lá cây như nước chè tươi.

Bảo vệ những di sản quý báu

Trở lại với quần thể 26 cây Vân Sam Fansipan. Theo hồ sơ, tất cả các cây gỗ quý được đánh số thứ tự, tọa độ được định vị chuẩn xác bằng máy GPS, sau đó được chuyển vào kho dữ liệu trên máy vi tính để cắm mốc vị trí từng cây trên bản đồ điện tử. Mỗi cây gỗ quý lại có số hiệu khác nhau, giống như giấy khai sinh của mỗi con người vậy. Ngoài ra anh Lê Tiến Dũng, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm San Sả Hồ thông tin: Trạm Kiểm lâm San Sả Hồ nằm trên địa bàn thôn Sín Chải có vai trò then chốt trong việc tuần tra, kiểm soát bảo vệ và phát triển rừng. Để quản lý diện tích rừng này, trạm thành lập 4 tổ bảo vệ rừng, luân phiên trực và đi tuần. Những ngày cận tết, đề phòng tình trạng người dân vào rừng khai thác cành vân sam, chúng tôi đã thành lập các chốt lưu động trong rừng; bố trí cán bộ trực 24/24 giờ và phối hợp với các lực lượng chức năng duy trì tuần tra, kiểm soát.

Còn với rừng chè cổ thụ Tả Lèng, UBND tỉnh Lai Châu đã giao cho chính quyền địa phương và những ngành chức năng khoanh vùng, kiểm đếm từng cây, có báo cáo. Từ đó đã lên phương án để bảo vệ và ký thỏa thuận cùng 1 doanh nghiệp chế biến chè cùng nghiên cứu, khai thác, sản xuất cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Nghĩ đến đây chúng tôi mới thấy được rõ hơn ý nghĩa về quyền được sống mà tự nhiên ban tặng cho muôn loài. Ở đâu đó con người vì ham muốn của mình mà xâm hại nghiêm trọng, triệt đường sống của loài khác. May thay ở đây, người dân sống hài hòa với tự nhiên, bảo vệ từng cây gỗ quý như bảo vệ chính cuộc sống của mình. Để mùa xuân thêm xanh và gió xuân thêm trong lành.

Trương Huy