“Dựa dẫm” thời công nghệ
Chị Lê Tú Oanh, giảng viên Đại học Lao động Xã hội, đã từng nhiều lần trao đổi với đồng nghiệp rằng bây giờ, sinh viên ngồi học có thái độ tiếp thu rất uể oải. Họ dường như không quan tâm và không thấy những điều thầy cô giảng trên lớp là quan trọng. Chị Oanh rút ra kết luận cho nhận định của mình: Giới trẻ, đặc biệt là sinh viên giờ đây quá dựa vào Internet. Với thiết bị điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop,… cần bất cứ thông tin gì phục vụ cho môn học họ đều có thể đem hỏi "vị thầy ảo" này! Với nhiều sinh viên, phương pháp giảng dạy trực tiếp đã trở nên lỗi thời và… mất thời gian.
Tiện ích hay thói quen khó bỏ?
Phương Thảo (năm thứ 3 trường ĐH Lao động Xã hội) vừa dùng hai ngón tay miết nhoay nhoáy trên màn hình chiếc iPhone 4 vừa vô tư nói: "Chỉ cần vào mạng là em có thể tìm được lời giải cho môn kế toán khô khan. Thời gian lên giảng đường chủ yếu trở thành những buổi buôn chuyện của tụi em". Khi được hỏi thế những lời giáo viên giảng không có trong sách, cũng như trên mạng thì làm sao? Thảo trả lời rằng có thể dùng ngay chiếc iPhone để ghi âm lại lời thầy cô giảng, về nghe lại. Vừa tiện, vừa nghe được kỹ hơn.
Máy vi tính là vật dụng quá quen thuộc với mỗi người trong thời buổi công nghệ hiện nay. Với nhiều người nó như cái bát, đôi đua. Và việc quá yêu vật dụng này khiến cho người ta dần mất đi các thói quen tốt như giao tiếp, vận động, chủ động suy nghĩ, và đặc biệt là thói quen viết tay hoặc viết trên giấy. Giới trẻ với việc dùng máy tính gõ văn bản, chat chit quá nhiều khiến đánh máy đã thành quen tay. Khi cầm bút viết, tay cứng mỏi, những nét chữ nguệch ngoạc và khó hiểu. Thu Trang (sinh viên ĐH Thăng Long) nói: "Phần lớn thời gian ngoài nhà trường là em gõ máy và chat chít khá nhiều nên chỉ gõ chữ là nhanh còn viết chữ thì xấu tệ”.
“Trăm sự” nhờ Net
Internet đã trở thành một phần không thể thiếu được trong cuộc sống của rất nhiều người hiện nay. Và khi nó đã trở thành một thói quen hàng ngày, hàng giờ thì dẫn tới những “hệ lụy” không nhỏ.
Dân ta phải biết sử ta, cái gì không biết thì tra Gu gờ (Google). Hoặc coi Gu gờ là “giáo sư biết tuốt” là thói quen của đại đa số người dùng máy tính, dùng Internet… Quang Chính, sinh viên trường ĐH Công nghệ nói: "Trang chủ và cũng là trang web mình thường vào nhất vẫn là Google. Vấn đề gì mình không biết mình mình đều nhờ Google tìm kiếm. Nhiều lúc đang nghe bài giảng, cô giáo đặt câu hỏi hóc búa, mình và các bạn lôi ngay iPad ra và tra Google”. Chính cũng xác nhận phương pháp tra cứu tiện lợi quá thế này khiến người dùng ngày càng trở nên ngại suy nghĩ, ngại đọc sách và quên khá nhanh những kiến thức tìm kiếm điện tử này.
Không chỉ các bạn sinh viên, với Xuân Lan, Giáo viên cấp 2 Khương Trung- Thanh Xuân Hà Nội thì luôn tự tin trước mỗi mùa thi sáng kiến hàng năm. Theo Lan cho biết, bây giờ trên mạng nhiều mẫu sáng kiến lắm, nhiều dạng bài luận được đăng tải trên các diễn đàn, mạng giáo dục. Sẵn khung, sẵn bài tội gì phải nghĩ nhiều. Và với chiếc iPad được chồng sắm cho dịp sinh nhật mới đây. Lan sử dụng trình diễn luôn bài viết của mình và nhận được sự khen ngợi nhiệt tình của các đồng môn.
Nếu như học hành, tìm kiếm thông tin dĩ nhiên cần đến Internet, thì với nhiều người kể cả việc tự chữa bệnh, mua sắm đồ, bói toán tìm vận may cũng hỏi đến Internet. Đặc biệt là các bà mẹ luôn coi Internet là “bác sỹ biết tuốt”. Không ai còn lạ gì diễn đàn webtretho, lamchame,… với đủ các thông tin cho đủ các loại bệnh và phương pháp chữa bệnh. Nơi đây thông tin vừa được các bà mẹ tổng hợp vừa là kinh nghiệm truyền tai nhau và giúp nhau… tự xử.
Mẹ Pit, một thành viên diễn đàn webtretho, tâm sự: “Nói thật là mình cũng lạm dụng Google lắm. Con hơi ho hắng một chút, chồng kém ăn ra sao là mình lại lọ mọ lên mạng “tìm thuốc”. Quen rồi, khó quá mới phải tìm đến bác sỹ thật. Ngay cả việc muốn ăn món gì, nấu món này thế nào, khái niệm kia ra sao,.... cùng nhờ Net tuốt”.
Chọn lọc
Internet là phương tiện khiến cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng hơn. Internet là kênh thông tin hết sức hữu hiệu, như một cuốn bách khoa toàn thư rất tiện lợi để mọi người sử dụng. Internet cũng có nghĩa là cảnh cửa mở rộng lớn tới mọi chân trời kiến thức. Và dĩ nhiên bên cạnh những kiến thức tốt là những nội dung xấu, không đáng tin cậy và thậm chí những tiện ích đó cũng gây hại cho chính người sử dụng.
Theo quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu, thì nguồn thông tin khổng lồ từ mạng Internet đã khiến con người trở nên lười hơn trong việc ghi nhớ thông tin. Gây trở ngại trong phát triển tư duy, trí nhớ sẽ trở nên thụ động hơn rất nhiều. Ngoài ra việc tìm kiếm phải những thông tin sai lệch sẽ làm cho bạn nhầm lẫn vì không phải tin tức nào được đưa lên mạng internet cũng là đáng tin cậy.
Với Cẩm Hà, nhân viên văn phòng, thì quan điểm: “Chúng ta phải cảm ơn internet, cảm ơn Google thì con người mới có được những kiến thức sâu rộng đến thế. Dùng đúng cách, đúng lúc, dùng đúng việc mới là việc của người dùng”.
Nguyễn Chi