Đưa vải thiều Hải Dương lên 4 sàn thương mại điện tử lớn

11:28, 05/05/2021

Theo báo cáo, năm 2021, diện tích vải toàn tỉnh Hải Dương là 9.186 ha, đặc biệt, cơ bản các diện tích vải Thanh Hà và Chí Linh đã sản xuất theo hướng VietGAP. Trong đó, 1.000 ha được cấp chứng nhận VietGAP. Đáng lưu ý, có 520 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP với 50 ha được cấp chứng nhận.

 

Vải thiều Thanh Hà - Hải Dương được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.

Riêng huyện Thanh Hà - “thủ phủ” vải thiều của tỉnh, năm 2021 có 3.328 ha vải, trong đó có khoảng 1.600 ha vải sớm, còn lại là vải chính vụ. Tổng sản lượng vải quả ước đạt 40.000 tấn (trong đó, vải sớm khoảng 25.000 tấn; 15.000 tấn vải chính vụ), tăng khoảng 10.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Huyện đang duy trì 17 vùng, diện tích 155,2 ha đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đến các nước: Hoa Kỳ, Australia, EU, Nhật Bản, Singapore…

Nhằm nâng cao chất lượng quả vải xuất khẩu, năm 2021, tỉnh Hải Dương đặc biệt chú trọng các biện pháp như tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân và giám sát các vùng trồng nhằm nâng nâng cao chất lượng cho quả vải - yếu tố quan trọng hàng đầu, giúp trái vải có cơ hội ngày càng vươn xa. Bên cạnh đó, công tác đẩy mạnh xúc tiến thương mại cũng được tỉnh đẩy mạnh.

Cụ thể, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thu mua, sơ chế và xuất khẩu vải đi các thị trường khó tính, đến nay, các đơn vị chức năng trong tỉnh đã làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây. Qua đó, bước đầu đã có Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Rồng Đỏ dự kiến thu mua 300 tấn và Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam dự kiến thu mua 300 tấn xuất khẩu đi Nhật Bản, Australia, Malaysia, Trung Đông, EU…

Đáng chú ý, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đang phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) thực hiện các thủ tục để đưa vải Hải Dương lên 4 sàn thương mại điện tử là Alibaba.com, Voso.vn, Sendo.vn và Lazada.vn. Theo kế hoạch, từ ngày 15/5, vải thiều Hải Dương sẽ chính thức được bán trực tuyến qua các kênh kể trên. Đây cũng là năm đầu tiên tỉnh Hải Dương triển khai tiêu thụ vải thông qua sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, dự kiến lễ hội vải thiều, sản phẩm OCOP và nông sản chủ lực Hải Dương năm 2021 sẽ được tổ chức vào đầu tháng 6/2021, từ 2-3 ngày.

Sở Công Thương tỉnh Hải Dương thông tin thêm, từ năm 2015 đến nay, sản phẩm vải thiều Hải Dương đã vượt qua được hàng rào kỹ thuật khắt khe của các nước nhập khẩu trái cây khó tính nhất như Hoa Kỳ, Australia, Pháp, Canada, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, một số nước châu Âu và đã xuất khẩu thành công sang những thị trường này, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đến nay, thương hiệu vải thiều Hải Dương nói chung và vải thiều Thanh Hà của tỉnh nói riêng đã nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Từ năm 1992, Trung ương Hội làm vườn Việt Nam đã công nhận cây vải tại thôn Thúy Lâm (huyện Thanh Hà) là cây vải thiều tổ của Việt Nam. Năm 2007, vải thiều Thanh Hà được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chỉ dẫn địa lý; năm 2012 đạt Top 50 sản phẩm uy tín, chất lượng do Trung ương Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn.

Tiếp đó, năm 2013, đạt Top 10 thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng do Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam bình chọn và đạt Top 10 sản phẩm uy tín, chất lượng do Trung ương Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn; năm 2014, được bình chọn “Tinh hoa đặc sản ba miền”, Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng; năm 2015, được vinh danh Top đầu với 2 giải thưởng “Thương hiệu vàng, logo và slogan ấn tượng năm 2015”

PV