Dụng “bài cũ” với VNCH và Philippines, Trung Quốc ắt sẽ thảm bại
Với những động thái lâu nay trên biển Đông, tựa như “bài cũ” từng dùng với VNCH và Philippines, phải chăng Trung Quốc đang “giăng bẫy”, chờ Việt Nam sử dụng vũ lực là có cớ để ra tay.
- Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép như thế nào?
- Trung Quốc chi bao nhiêu cho quốc phòng trong năm 2014?
- Trung Quốc nói sẽ không tham gia vụ kiện tranh chấp biển Đông
- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cáo buộc Trung Quốc "gây bất ổn" ở biển Đông
- Nhật, Mỹ phản ứng sau vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam
- Giáo sư Francois Huchet: Trung Quốc có thể đang sai lầm lớn
- Mạng quân sự Trung Quốc: Việt Nam có thể đã cử tàu ngầm theo dõi tập trận Nga - Trung
- Quốc hội, Chính phủ Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép
Sử dụng “nước cờ” dùng tàu đánh cá để “làm mồi” với chính quyền Việt Nam Công hòa (VNCH), sau đó ra tay chiếm lấy quần đảo Hoàng Sa năm 1974, và cũng tương tự vào năm 2012 để chiếm lấy bãi cạn Scaborough của Philippines, Trung Quốc đang nhăm nhe dùng “nước cờ cũ”, nhưng có cải biên khi đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam để “bẫy” nước chủ nhà một lần nữa.
Áp “chiêu” với VNCH và thêm sự tráo trở, Trung Quốc chiếm bãi cạn Scaborough
Bãi cạn Scaborough hay đảo Hoàng Nham (theo cách gọi của Trung Quốc) là một cụm san hô và đá ngầm, nằm cách bờ Tây đảo lớn của Philippines 230km và cách Trung Quốc hơn 800km về phía Bắc. Thế nhưng Trung Quốc vẫn “khăng khăng” rằng, nó là của mình.
Trước tháng 4/2012, cả Trung Quốc lẫn Philippines đều không duy trì sự hiện diện thường trực ở bãi cạn Scarborough. Các ngư dân của cả Philippines, Việt Nam và Trung Quốc đã từng tới đây khai thác hải sản.
Nhưng đầu tháng 4/2012, Trung Quốc đã dùng tiếp chiến thuật "chiếc mộc sống ngư dân" trong cuộc tranh chấp này, với hơn 100 tàu đánh cá cùng 4-5 tàu Ngư chính (hay Hải giám) Trung Quốc có nhiệm vụ chỉ huy, dàn trận. Khi Philippines phát hiện các ngư dân Trung Quốc ở bên trong bãi cạn Scarborough và dồn đuổi, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines dần tăng lên.
Vụ tranh chấp đã kéo theo nhiều quốc gia liên quan, trong đó có Mỹ. Nhưng kết cục, Trung Quốc đã chiếm được bãi cạn này.
Philippines cáo buộc Trung Quốc lên Tòa án Quốc tế
Hãng AFP đưa tin, Philippines ngày 26/4 đã cáo buộc Trung Quốc "chiếm đóng trên thực tế" bãi đá ngầm Scarborough (Bắc Kinh gọi là Hoàng Nham ở biển Hoa Nam) trên biển Đông kể từ sau cuộc đối đầu vào năm ngoái giữa hai nước, khi Trung Quốc điều tàu chiến ngăn cản Philippines bắt giữ các ngư dân Trung Quốc đánh bắt hải sản trái phép tại vùng biển này.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết ba tàu của Trung Quốc hiện vẫn có mặt trong vùng biển xung quanh bãi đá ngầm Scarborough và xua đuổi các ngư dân Philippines. "Người Trung Quốc đang cố gắng áp đặt sự chiếm đóng trên thực tế" - Ông Rosario chỉ rõ.
Philippines cho rằng bãi đá ngầm trên nằm gọn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này, và được luật pháp quốc tế công nhận.
Theo ông Rosario, Philippines đã tìm cách giải quyết tranh chấp với Trung Quốc thông qua đàm phán nhưng thất bại, buộc họ phải đề nghị tòa án của Liên hợp quốc bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Lật tẩy “chiêu bài cũ” trong vụ giàn khoan Hải Dương 981
Quen lối ăn được từ "nước cờ” Hoàng Sa và Scarborough, Trung Quốc đang muốn áp dụng tiếp cho Việt Nam khi đưa giàn khoan trái phép Hải Dương 981 cùng đội tàu hộ tống, máy bay,… trong đó có cả tàu đánh cá (của ngư dân Trung Quốc) để xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Xét về mặt “dụng binh”, cuộc đụng độ tại bãi cạn Scarborough (với Philippines) và hành động xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam hiện nay đều có nhiều điểm tương đồng trong chiến lược hành động, khi Trung Quốc sử dụng các biện pháp phi quân sự, dùng cách gây hấn và chọc tức lực lượng chấp pháp, bảo vệ biển Đông của Việt Nam trên biển, nhằm tiến tới thực hiện mưu đồ áp đặt chủ quyền, bất kể tính trơ trẽ, tráo trở, bất nhất trong hành xử (nói và làm khác nhau), và lật lọng trên nhiều phương diện.
Sự tráo trở của Trung Quốc thấy rất rõ trong sự kiện bãi cạn Scarborough, đủ để Việt Nam rút ra bài học. Ấy là ngay sau khi Bắc Kinh và Manila đạt được thỏa thuận: Chính phủ hai nước sẽ rút tất cả tàu ra khỏi khu vực tranh chấp (bãi cạn Scarborough), nhưng ngay sau khi Philippines rút tàu, Trung Quốc lập tức “nuốt lời” quay trở lại, chiếm và duy trì sự hiện diện thường trực ở vùng biển quanh bãi cạn này tới nay.
Trung Quốc sẽ hứng chịu thất bại với mưu đồ áp “nước cờ cũ” với Việt Nam khi hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trên biển Đông.
Cùng đó, sự bất nhất của Trung Quốc đã nước bị các vạch trần trong đợt Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Shangri-La 2014) và Đối thoại Asean-Hoa Kỳ lần thứ 27 mới đây. Thế nhưng Trung Quốc vẫn “câng câng”, thậm chí còn đổ vấy cho Việt Nam xâm phạm chủ quyền biển và đâm va 1400 lần tàu của họ.
Việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, mặc dù xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, nhưng Trung Quốc đã tính toán rất kỹ lưỡng: Trung Quốc đã điều trên trăm tàu phi quân sự các loại bao quanh khu vực giàn khoan. Cùng đó, các tàu quân sự cũng “lấp ló” ở vòng ngoài và đôi khi cũng xuất hiện ở vòng trong, chẳng khác gì vụ bãi cạn Scarborough về mặt chiến thuật.
Khi lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam tiến hành hoạt động tuyên truyền, kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan thì Trung Quốc liên tục gây sức ép, tấn công bằng vòi rồng, đâm va, không cho các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam đến gần giàn khoan. Cùng đó là “lu loa”, vu khống Việt Nam tấn công tàu của họ, rồi “xâm phạm chủ quyền” trên biển của Trung Quốc... trên các phương tiện truyền thông.
Xét về mặt hiệu quả kinh tế (nhiều học giả, nhà kinh tế thế giới cũng có cùng quan điểm như vậy), chưa có cơ sở chứng minh rằng giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã thăm dò được tài nguyên (hydrocarbon, dầu khí) trên vùng biển này. Rõ ràng đây không phải là một dự án thăm dò tài nguyên biển nếu tính hết các khoản chi phí cho giàn khoan (trên 1 triệu USD), vận hành, rồi bảo vệ... Thế nên, việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 là nhằm khẳng định và thực thi quyền tài phán đối với các vùng biển mà Trung Quốc đang “tự tuyên bố” và “tự cho” là mình có chủ quyền tại biển Đông.
Hành động gây hấn, chèn ép trên biển Đông khi Trung Quốc sử dụng với Phillipines hay với Việt Nam hiện nay đều cho thấy, đây là chiến lược “tằm ăn dâu”, được chính quyền Bắc Kinh chuẩn bị từ trước. Có thể thấy rằng, Trung Quốc đang cố tình dựng nên “cái gọi là chủ quyền” trên biến vùng biển Hoàng Sa và Scarborough, từ “của người” biến thành “của mình” theo cách này.
Qua những diễn biến trên biển Đông hơn một tháng qua, có thể nhận thấy rằng, Trung Quốc đang sử dụng giàn khoan Hải Dương 981 như “một phép thử”, nhằm đánh giá phản ứng của Việt Nam và các nước có liên quan.
Tuy nhiên, không phải phép thử nào cũng “thuận buồm xuôi gió” như Scarborough. Việt Nam và các nước đang kịch liệt lên án và bài xích Trung Quốc, thậm chí ngay trong nước của họ nhiều người đã nhận ra lối hành xử “không văn minh và tốt đẹp này”.
Bước đầu, Trung Quốc đã thất bại với Việt Nam trong “phép thử” lần này. Cùng với các bất ổn nội tại (trong nước), vụ việc đang ngày càng lan tỏa, thực sự giáng một “đòn chí mạng” vào “tham vọng bá quyền” của chính quyền Bắc Kinh tại biển Đông.
Thanh Trà (tổng hợp)