Được Crimea, Nga mất gì?

09:42, 18/03/2014

Sau cuộc trưng cầu dây ý ngày 16/3, Crimea đã chính thức tuyên bố độc lập. Kéo theo đó, hàng loạt thành phố, khu vực khác của Ukraine cũng “bắt chước”, đòi độc lập theo làm cho tình hình địa chính trị ở đây khá bất ổn. Nhưng đằng sau những sự kiện này là gì mới là những điều người đọc quan tâm…

Crimea chính thức tuyên bố độc lập, xin gia nhập Nga

Chính quyền nước Cộng hòa tự trị Crimea (thuộc Ukraine) đã tuyên bố độc lập đồng thời nộp đơn xin sáp nhập vào Liên bang Nga sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3. Chính quyền Crimea cũng tuyên bố quốc hữu hóa toàn bộ tài sản thuộc Ukraine trên bán đảo này.

"Cộng hòa Crimea đã đệ đơn lên Liên hợp quốc và đề nghị tất cả các quốc gia trên thế giới công nhận nền độc lập của mình," tuyên bố này được Xô viết tối cao Crimea (tức nghị viện) thông qua viết.

Cộng hòa Crimea có khoảng 2 triệu dân, với khoảng 60% số người dân là gốc Nga, nói tiếng Nga, còn lại là người Ukraine và người Tatar, bán đảo Crimea từng là một phần lãnh thổ của Nga từ thế kỷ 18 trước khi được chính quyền Liên Xô cũ chuyển giao cho Ukraine quản lý vào năm 1954, khi Ukraine vẫn thuộc Liên bang Xô Viết.

Nga ảnh hưởng nặng về kinh tế?

Quyết định chọn Nga thay vì Ukraine của người dân Crimea chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư và nguồn cung năng lượng của Nga tới đây.

 

Biểu tình ở Moscow hôm 15/3 phản đối can thiệp của Nga ở Ukraine

Nnư những thông tin trước cuộc trưng cầu dân ý của Crimea, Liên minh châu Âu (EU) và phương Tây đã đe dọa có thể đưa ra lệnh cấm vận đối với Nga. Ngày 17/3, EU đã công bố các biện pháp trừng phạt 21 quan chức Nga. Cùng ngày, chính phủ Mỹ cũng thông báo, sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính đối với 7 nhà lập pháp, quan chức cấp cao của Nga và 4 nhà lãnh đạo ở cộng hòa tự trị Crimea vì đã "phá hoại tiến trình dân chủ và các thể chế ở Crimea". Ngoài ra, Nhà Trắng còn tuyên bố sẽ phong tỏa tài sản của một số cá nhân không thuộc chính phủ Nga nhưng ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea.

Tổng thống Nga Putin không phải đối tượng mà Mỹ trừng phạt, bởi Washington thường không nhằm vào nguyên thủ quốc gia ngay từ đầu. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nói rằng, những người mà Washington trừng phạt có quan hệ khá thân cận với ông Putin. Washington nói thêm, nếu Moscow không tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế và đưa quân trở lại, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, Mỹ sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung.

Lệnh cấm vận sẽ tác động đến các hoạt động thương mại, gây ra nỗi lo ngại chiến tranh lạnh có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế vốn đã mong manh của khu vực. Mặc dù các lệnh cấm vận sẽ gây tổn hại cho cả hai bên, nhưng giới phân tích cho rằng, Nga sẽ phải chịu thiệt nhiều hơn so với phương Tây, bởi kim ngạch xuất khẩu vào Nga chỉ chiếm 1% GDP của EU, trong khi kim ngạch xuất khẩu sang EU chiếm gần 15% GDP của Nga. 

Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin (hiện là cố vấn kinh tế cho ông Putin) nhận định, kể cả lệnh cấm vận hạn chế cũng có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến đầu tư trong nước và nước ngoài của Nga, bởi các ngân hàng phương Tây đã đóng nguồn tín dụng. Phát biểu trên truyền thông Nga, ông Kurdin cho rằng, nền kinh tế Nga sẽ không tăng trưởng trong năm 2014 do những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng hiện nay. 

Thị trường chứng khoán Nga cũng lao đao. Chỉ số MICEX giảm gần 20% kể từ đầu năm đến nay, còn đồng ruble cũng ở mức thấp kỷ lục so với đồng USD. Các nhà đầu tư đã rút khoảng 33 tỷ USD khỏi Nga trong 2 tháng đầu năm. Theo dự đoán của ngân hàng đầu tư Renaissance Capital, con số này có thể đến 55 tỷ USD vào cuối tháng 3. 

Mặt khác, Nga cũng phải trả giá cho việc ủng hộ Crimea, bởi 70% ngân sách của bán đảo này đang phụ thuộc vào Ukraine. Ngoài ra, 90% lượng nước, hầu hết năng lượng và nguồn cung thực phẩm của Crimea cũng lấy từ Ukraine.

Theo Yaroslav Pylynskyi – chuyên gia đến từ Đại học Toronto, sẽ là vấn đề lớn đối với Nga khi phải cung cấp tất cả nhu yếu phẩm cho toàn bộ người dân Crimea. Vị chuyên gia này ước tính, trong vòng 5 năm tới, Nga phải bỏ ra khoảng 10 tỷ USD mỗi năm để xây dựng cơ sở hạ tầng, trợ cấp nguồn lương hưu và các khoản an sinh xã hội cho gần 2 triệu người dân Crimea. 

Mối quan hệ Nga – Ukraine

Mối liên hệ giữa Nga và Ukraine đã có từ thế kỷ thứ 9, bởi đa phần Ukraina là nơi sinh sống của người Rus'. Họ lập ra nước Rus Kiev và Kiev từng là một trong những thành phố quan trọng của Nga và Liên Xô cũ. 

Còn Ukraine vẫn luôn đấu tranh để tìm ra bản sắc dân tộc và cuối cùng, đã trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1991. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Nga và Ukraine vẫn luôn phức tạp.

Ngoài những vấn đề về lịch sử, sắc tộc, Nga và Ukraine còn gắn kết với nhau bởi một thứ khác: Năng lượng. Các đường ống dẫn khí khắp đất nước Ukraine giúp vận chuyển khí gas tự nhiên của Nga đến các thị trường châu Âu, đồng thời Nga còn cung cấp khoảng một nửa nhu cầu gas của chính Ukraine.

 

Các đường ống dẫn khí ở Ukraine 

Những người biểu tình (Ukraine) nhằm lật đổ ông Yanukovych vì muốn Ukraine trở thành một quốc gia châu Âu. Họ cho rằng điều này sẽ giúp tăng cường dân chủ, củng cố thể chế và ngăn chặn nguy cơ quay về thời kỳ Liên Xô. Họ mất lòng tin vào Yanukovych, người nhìn nhận việc gia nhập Liên minh châu Âu sẽ khiến kinh tế Ukraine lao đao, bởi nước này sẽ phải chịu cấm vận từ Nga và khiến những điểm yếu của nền kinh tế bộc lộ trong môi trường mới đầy cạnh tranh.

Giới phân tích đánh giá, việc ông Yanukovych mất đi quyền lực là một đòn mạnh giáng vào Nga, bởi ông Putin muốn Ukraine gia nhập hiệp ước thương mại với các nước thuộc Liên Xô cũ nhằm cạnh tranh với EU. 

Và sau “sự kiện Crimea”, ngọn lửa “trưng cầu dân ý” đã bén đến khắp miền Đông Ukraine, như Kharkov, Donetsk, Dnepropetrovsk, Lugansk… đã gây ra một là sóng chính trị trên khắp đất nước Ukraine, mà căn nguyên của nó ít nhiều cũng liên quan tới Nga. Thế nên, mối quan hệ giữa Nga và Ukraine trong thời gian tới chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, và rất có thể chính các ống dẫn khí sẽ gây nên những mối bất đồng sớm nhất.

Trung Quốc là “người hưởng lợi”?

Một trong những nguyên tắc cơ bản của chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đó là không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Điều đó đã cho họ một “rào chắn”, ngăn họ can thiệp vào công việc của các nước khác và “thả trôi” một số bất ổn địa chính trị của thế giới, không bị hút vào các tranh chấp rối rắm hoặc gánh lấy những trách nhiệm mới.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng dị ứng với phong trào ly khai bên trong các nước. Bởi, nếu Krimea được cho phép bỏ phiếu để độc lập thì tại sao Tây Tạng lại không?

Vì thế, mỗi khi Bắc Kinh được yêu cầu nêu quan điểm về sự can thiệp của Nga ở Ukraine, họ lại dùng đến công thức quanh co. Chẳng hạn, ngày 2/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu: “Có lý do đích thực để các sự kiện ở Ukraina tiến triển đến chỗ đang có ngày hôm nay.” Hay ngày 3/3, Lưu Kết Nhất (Liu Jieyi), đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc cũng nói “Có nhiều lý do vì sao tình hình ở Ukraina như hiện có ngày hôm nay.” Rồi, khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bế tắc trong cuộc tranh luận về Ukraine, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tuyên bố: “Có nhiều lý do cho tình hình hiện nay ở Ukraina.”

Thế là rõ.

Tuy nhiên, đằng sau sự lập lờ và chữ nghĩa mang tính ngoại giao, có nhiều cách mà theo đó, cuộc khủng hoảng Ukraine có thể có tác dụng rất tốt cho Trung Quốc cả về chiến lược lớn lẫn về chiến thuật. Và hồi tàn cuộc ở Ukraina, có khả năng diễn ra trong tay Trung Quốc.

Với Mỹ, một trong những rủi ro lớn và lâu dài về sự kiện Ukraine là, rốt cuộc đã đẩy Nga và Trung Quốc gần nhau hơn – một sự thay đổi trong các mảng kiến tạo địa chính trị sẽ có tác động lâu dài.

Tự cảm nhận bị sức ép ở châu Á trong hai năm qua, Bắc Kinh đã tìm kiếm sự hậu thuẫn chính trị ở xung quanh. Chuyến đi nước ngoài đầu tiên mà Tập Cận Bình thực hiện với tư cách Chủ tịch Trung Quốc tháng 3/2013 là Moskva. Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vui vẻ chơi đẹp với Trung Quốc bằng thái độ chống phương Tây của mình khi trở lại nắm quyền. Hồi tháng 10, hai nước đã ký một số hợp đồng năng lượng, bao gồm thỏa thuận để Nga cung cấp 85 tỉ USD dầu hoả, cũng như hai bên đang tới gần việc đạt một thỏa thuận về đường ống dẫn khí sau nhiều năm đàm phán. Ngoài những mối quan hệ kinh tế, cả hai nước tin rằng, đẽo mòn nền tảng sức mạnh của Mỹ là phục vụ lợi ích của chính họ.

Còn với Mỹ, một trong những ưu tiên địa chính trị lâu dài là tìm cách chèn một “trái độn” giữa Moskva và Bắc Kinh để ngăn chặn mối quan hệ phát triển giữa đôi bên. Tuy nhiên, chiến dịch của chính quyền Obama nhằm cô lập Nga về kinh tế và ngoại giao (sau sự kiện Crimea) gần như chắc chắn sẽ làm cho Putin hướng sang Bắc Kinh tìm hậu thuẫn. Dmitri Simes, Chủ tịch Trung tâm National Interest ở Washington, thậm chí còn dự đoán rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine có thể dẫn đến việc Trung Quốc và Nga ký kết một hiệp định an ninh.

Tất cả những điều trên cho thấy, không thể tránh khỏi một liên minh Trung - Nga mạnh dần lên khi ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên, còn Nga có thể đi tới việc, tìm thấy Bắc Kinh như một đối thủ và một đối tác. Xâm nhập Krimea được thúc đẩy bởi Nga mong muốn bảo vệ phạm vi ảnh hưởng của mình về phía Tây, phía mà họ cảm thấy bị châu Âu đe dọa. Tuy nhiên, Nga cũng có ý định duy trì ảnh hưởng ở Trung Á, nơi mà Trung Quốc là kẻ thách thức lâu dài.

Trong 5 năm qua, sự hiện diện của Trung Quốc ở Trung Á đã tăng lên đột biến, sản phẩm của các hợp đồng khổng lồ về năng lượng, đường ống dẫn dầu và khí đốt mở rộng cùng với sự giúp đỡ tài chính. Trong chuyến viếng thăm Kazakhstan (quốc gia Trung Á, cũng là một phần của Liên Minh Âu - Á của Putin) của ông Tập Cận Bình hồi tháng 9, ông đã mở một đường ống dẫn khí tự nhiên mới tới Trung Quốc, chính thức hóa một khoản đầu tư 5 tỉ USD của Trung Quốc trong dự án, và ký các thỏa thuận kinh doanh trị giá 30 tỉ USD, làm cho sườn Đông Nam của Nga cũng dễ bị tổn thương như sườn phía Tây.

Động lực sức mạnh của Trung Quốc và Nga rất khác nhau. Tham vọng của Trung Quốc là tham vọng của một cường quốc lớn đang lên. Còn việc chiếm lấy Krimea là việc ra tay của một nhà lãnh đạo đang cố gắng bám vào một số đòn bẩy ở Ukraine sẽ nhanh chóng biến mất. Và điều cuối cùng mà Trung Quốc muốn là ông Putin chịu đứng dưới cơ Tập Cận Bình, cách mà Anh làm với Hoa Kỳ.

Thanh Trà (tổng hợp)