Elon Musk giới thiệu con chip có thể hợp nhất giữa não người và AI
Tỷ phú Elon Musk nổi tiếng với việc phát triển những sáng chế mang tính đột phá, vốn chỉ nằm trong các phòng thí nghiệm hay những bộ phim khoa học viễn tưởng nhưng vừa mới đây vừa công bố kết quả thử nghiệm ban đầu việc cấy chip vào não của lợn. Thực chất, mục đích cuối cùng của nghiên cứu này là tìm ra phương án cấy chip vào não người nhằm hỗ trợ những người bị một số loại bệnh thần kinh.
Neuralink , công ty nghiên cứu và phát triển thiết bị cho phép não bộ trực tiếp tương tác với sức mạnh của máy tính được thành lập bởi Elon Musk, nung nấu tham vọng "cộng sinh với trí tuệ nhân tạo" trong vài năm trở lại đây. Họ lại một lần nữa lên mặt báo với công bố thiết bị thử nghiệm của công nghệ tiên tiến; và Musk mở đầu đoạn video với khẳng định mục đích của thử nghiệm này: không phải quảng cáo hay gây quỹ, mà để tiếp tục tuyển nhân tài.
“Chúng tôi không muốn kiếm nguồn đầu tư hay gì khác, mà mục tiêu chỉ là thuyết phục những người tài giỏi về làm việc cho Neuralink, và giúp sản xuất thiết bị mới - khiến cho nó đủ rẻ, đủ độ tin cậy đến mức ai muốn cũng có thể mua ngay được”, vị tỷ phú nói.
Tiếp đó, Musk bày tỏ lý do: gần như ai rồi cũng sẽ gặp vấn đề về thần kinh, bao gồm mất trí nhớ, lo lắng, chấn thương não, trầm cảm và một danh sách dài những thứ khác nữa. Tất nhiên, không có bằng chứng rõ ràng cho thấy ta có thể giải quyết cái danh sách đó với chỉ một cách vừa nhanh chóng lại vừa dễ dàng, nên không thể khẳng định đây là mục đích cuối cùng của Neuralink.
Mục tiêu đầy tham vọng mà lại còn thu hút ánh mắt từ cả khác khía cạnh đạo đức và y học, nhưng công nghệ mới được giới thiệu lại không phức tạp đến thế. Musk nhấn mạnh rằng thiết kế của thiết bị đã thay đổi: nhỏ hơn, và sẽ nằm gọn dưới làn tóc khi hoàn thiện việc cài đặt chip vào hộp sọ. Musk còn có cả ví dụ trực quan chứng minh cho những gì mình nói.
So sánh thiết kế cũ và mới.
Ở chiếc chuồng đặt trong khu vực diễn ra buổi gặp mặt là 3 con heo: một con bình thường, một con (tên là “Gertrude”) được lắp thiết bị Neuralink có tên là “Link”, con thứ ba đã từng được lắp thiết bị nhưng rồi đã được tháo ra. Con heo từng được gắn Link trong đầu vẫn có vẻ ngoài bình thường, thậm chí là khỏe mạnh.
Tiếp đó, Musk đưa ra một thiết bị hiển thị cho thấy biểu đồ chuyển động đi kèm một âm thanh báo hiệu nhỏ mỗi khi Link phát hiện ra Gertrude lấy mũi tương tác với sự vật xung quanh mình, hòng tìm kiếm thức ăn.
“Lại nói về thiết bị, nó có khả năng đọc/ghi trên bất kỳ một trong 1024 kênh nào, pin dùng được một ngày và có thể sạc đầy trong đêm, nó có khoảng cách kết nối khá dài nên sóng có thể với tới điện thoại di động của bạn được”, Musk nói. “Tôi phải nhấn mạnh rằng đây là điểm quan trọng, bởi lẽ thiết bị sẽ liên kết với điện thoại của bạn, để ứng dụng nằm trên điện thoại, và về cơ bản thì Link là thiết bị nằm trong đầu của bạn, truyền tín hiệu thông qua một dạng liên kết Bluetooth năng lượng thấp”.
Musk kết thúc buổi ra mắt bằng khẳng định họ đã làm việc với Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA và nhận được về những quyết định quan trọng hồi tháng Bảy. Hiện tại, Neuralink “đang chuẩn bị thử nghiệm cài đặt thiết bị lên người, đang chờ quyết định thông qua và thêm những bài thử độ an toàn sâu hơn nữa”.
Thử nghiệm khâu con chip vào não bộ.
Thiết bị trong buổi demo chỉ có khả năng đọc, tức là nhận tín hiệu từ não bộ con heo. Mục đích của Neuralink sẽ là cả đọc và ghi, một khả năng giải quyết những vấn đề thần kinh đã nêu ở trên. Musk cũng nhấn mạnh vào lý do ông cho thấy con heo được tháo chip vẫn khỏe mạnh bình thường, là vì việc tháo lắp thiết bị rất an toàn, nhằm phục vụ mục đích cập nhật phần cứng trong tương lai. Ông mong muốn chi phí sản xuất chỉ trong khoảng "ngàn USD".
Musk đặt biệt danh cho thiết bị nhỏ này là “Fitbit gắn trong hộp sọ với những đường dây điện nhỏ xíu”. Ông còn gợi ý rằng rồi người sở hữu xe Tesla có thể triệu hồi phương tiện của mình bằng ý nghĩ, bên cạnh là khả năng dùng não tương tác với giao diện game, ví dụ như có khả năng toàn quyền điều khiển game StarCraft.
Musk cũng nói tới khả năng lưu trữ và tua lại ký ức, nói thêm rằng cuộc đời đang ngày càng giống một tập phim Black Mirror trong bối cảnh thật, nhưng cũng chỉ biết khen các nhà làm phim dự đoán đúng một phần tương lai nhân loại. Rồi chốt buổi giới thiệu, Musk thậm chí còn nói về khả năng đưa ký ức vào một cơ thể robot.
Những buổi thử nghiệm đầu tiên thì không hào nhoáng vậy mà rất thực tế: chip sẽ được cấy vào hộp sọ những người bị chứng liệt chân và liệt tứ chi, gây ra bởi chấn thương dây thần kinh xương sống. Mục đích ban đầu: tìm hiểu hiệu quả cũng như mức độ an toàn của công nghệ xâm lấn trực tiếp vào não bộ.
Thùy Chi (T/h)