Thẻ căn cước công dân gắn chip là gì?

12:05, 22/08/2020

Mới đây ngày 11/8, Bộ Công an đã đề xuất Chính phủ cấp thẻ căn cước công dân gắn chip để tích hợp các thông tin về bảo hiểm, bằng lái... Loại thẻ căn cước này sẽ cho phép người dùng tiếp cận nhiều dịch vụ vốn đòi hỏi hàng loạt giấy tờ khác nhau.

Thẻ căn cước gắn chip, còn gọi là thẻ căn cước điện tử (e-ID), đang được nhiều quốc gia sử dụng, có thể đóng vai trò thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

e-ID về bản chất là thiết bị xác thực điện tử có kích thước như thẻ ATM, tích hợp chip bên trong. Nhiều loại thẻ có điểm kết nối kim loại trên bề mặt để truy cập thông tin trong chip, số khác ứng dụng công nghệ nhận diện qua sóng vô tuyến (RFID) và cho phép đọc dữ liệu không cần tiếp xúc. e-ID được triển khai đầu tiên trên bằng lái xe.

Thẻ căn cước công dân gắn chíp cho phép người dùng tiếp cận nhiều dịch vụ vốn đòi hỏi hàng loạt giấy tờ khác nhau.

Ví dụ như tại Thổ Nhĩ Kỳ ứng dụng e-ID trong hệ thống bằng lái xe thông minh năm 1987. Nước này trước đó ghi nhận tỷ lệ TNGT rất cao, khiến chính phủ quyết định phát triển và sử dụng máy đo tốc độ điện tử trên phương tiện vận tải thay cho thiết bị cơ khí nhằm giảm tình trạng chạy quá tốc độ. Các lái xe được yêu cầu cắm thẻ e-ID vào máy đo trước khi xuất phát. Thiết bị sẽ ghi nhận thời gian chạy xe và tình trạng chạy quá tốc độ, sau đó in báo cáo cho giới chức...

Không chỉ được dùng trong xác thực danh tính và chữ ký điện tử, chúng còn phù hợp với hàng loạt ứng dụng, như cấp quyền ra vào những địa điểm bảo mật; tích hợp thông tin, như số an sinh xã hội, bằng lái xe, thẻ BHYT, vé tàu xe, thẻ thanh toán và cả thẻ ngân hàng.

Một trong những nước tận dụng triệt để e-ID là Kuwait. Mọi công dân đều có thể tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội điện tử, trong đó e-ID là phương thức chủ yếu để xác thực tại hàng loạt quầy tự phục vụ. Ngân hàng tín dụng Kuwait coi e-ID là thiết bị an toàn để truy cập dịch vụ online và xin vay tiền chính phủ. Nó cũng đóng vai trò chìa khóa xác thực trên cổng thông tin điện tử của ngân hàng này, đồng thời xuất hiện trong giao dịch chuyển khoản hoặc rút tiền mặt...

Estonia là quốc gia đầu tiên dùng căn cước công dân gắn chip.

Ngày càng nhiều nước phát hành e-ID vì phù hợp với yêu cầu và đảm bảo tính bền vững. Thẻ căn cước điện tử có thể cải thiện sự minh bạch. Một ví dụ là dự án e-ID của Bỉ, trong đó, chính phủ được yêu cầu cung cấp ứng dụng “Hồ sơ của tôi” cho mọi công dân, cho biết những ai đã truy cập thông tin cá nhân của họ. Một biểu mẫu chất vấn được chuẩn bị sẵn, cho phép công dân yêu cầu chính quyền giải trình những lần truy cập dữ liệu trên.

Một bản lưu được tạo ra mỗi khi quan chức chính phủ Bỉ truy cập thông tin người dân trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia, trong đó ghi chú danh tính và nơi làm việc của quan chức và thời điểm truy cập. Công dân có quyền xem thông tin này trong vòng 6 tháng sau đó.

Estonia được coi là nước đầu tiên chính thức phát hành thẻ căn cước thông minh mang tên ID Kaart từ năm 2002. Sau 8 năm, có khoảng 1 triệu thẻ được sử dụng ở quốc gia có hơn 1,3 triệu dân. Nó đóng vai trò là phương tiện nhận dạng chủ đạo, thay thế cho hộ chiếu khi đi lại trong nước hoặc trong EU, cũng như giúp người dân mua vé giao thông công cộng, sử dụng Internet...

Phần Lan đưa e-ID vào sử dụng từ 2003.

Tây Ban Nha bắt đầu cấp căn cước quốc gia (DNI) dưới dạng thẻ thông minh từ năm 2006 và dần thay thế những loại giấy tờ trước đó.

Bỉ đua e-ID từ năm 2009. Mỗi thẻ chứa hai chứng nhận gồm xác thực danh tính và chữ ký điện tử. Ngày càng nhiều dịch vụ tại Bỉ yêu cầu người dùng xác thực danh tính bằng e-ID.

Pakistan sử dụng e-ID từ ngày 14/8/2012 thay cho CCCD thông thường. Loại thẻ này được chế tạo theo các quy chuẩn quốc tế, có 36 tính năng bảo mật và kèm theo code mã hóa.

PV (T/h)