EU tiếp tục "tuyên chiến" với các doanh nghiệp công nghệ lớn

Phương Anh 15:13, 17/07/2020

Ủy viên Cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) Margrethe Vestager cam kết tiếp tục nỗ lực nhằm buộc các doanh nghiệp công nghệ lớn phải nộp thêm thuế, sau khi Brussels nhận một thất bại pháp lý lớn trong cuộc chiến kéo dài với công ty công nghệ Apple.

Trong một dấu hiệu cho thấy EU không nới lỏng giám sát đối với các công ty công nghệ lớn, bà Vestager - Ủy viên Cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) cũng thông báo một kế hoạch đánh giá sâu rộng về khả năng vi phạm luật chống độc quyền đối với các phần mềm trợ lý ảo như Siri của Apple và Alexa của Amazon.

Bà Vestager cho biết những nỗ lực chống lại việc chuyển dịch lợi nhuận nhằm tránh hoặc giảm số thuế phải nộp là một cuộc chiến lâu dài và nhiều khó khăn, sau khi Tòa án Sơ thẩm châu Âu đã bác một yêu cầu mà EU đưa ra hồi năm 2016, trong đó yêu cầu Apple trả 13 tỷ euro (15 tỷ USD) tiền thuế cho Ireland.

Theo bà Vestager, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ phân tích phán quyết trên trước quyết định liệu có đưa vụ việc này lên Tòa án Pháp lý châu Âu song cam kết tiếp tục hối thúc các doanh nghiệp phải nộp một mức thuế công bằng.

EU tiếp tục “cuộc chiến” thuế với các doanh nghiệp công nghệ lớn.

Ireland đã bị cáo buộc về việc cho phép Apple giữ lại thu nhập kiếm được ở châu Âu, châu Phi, Trung Đông và Ấn Độ, và hầu như không phải nộp bất kỳ loại thuế nào.

EC cho rằng điều này cho phép Apple có một lợi thế trước các doanh nghiệp khác khi có thể tránh được các loại thuế của Ireland trong giai đoạn 2003-2014 với tổng giá trị lên tới khoảng 13 tỷ euro và coi đây là một sự "hỗ trợ chính phủ" trái phép của Ireland.

Theo bà Vestager, cuộc khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra đồng nghĩa với việc các nguồn tài chính huy động từ nguồn thuế có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết.

Bà Vestager nói thêm EU sẽ tìm kiếm sự tư vấn từ hàng trăm doanh nghiệp về việc liệu các phần mềm trợ lý ảo và những phần mềm tiện ích khác do các công ty công nghệ sử dụng có thể gây ra một thách thức đối với hoạt động kinh doanh công bằng hay không.

Phương Anh