Eximbank miễn nhiệm nhân sự cấp cao, chuyển "đại bản doanh” ra Hà Nội

17:06, 28/11/2024

Tại Đại hội cổ đông bất thường của Eximbank, ngân hàng đã thông qua việc chuyển trụ sở từ TPHCM ra Hà Nội, miễn nhiệm hai thành viên HĐQT và thành viên Ban Kiểm soát.

ĐHĐCĐ bất thường Eximbank Chuyển đại bản doanh” miễn nhiệm ba nhân sự cấp caoToàn cảnh ĐHĐCĐ bất thường Eximbank.

Chuyển "đại bản doanh"

Sáng 28/11, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã EIB) tổ chức ĐHCĐ bất thường năm 2024 tại Hà Nội.

Đại hội lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi ngay trước thềm tổ chức đã nhận đề nghị bổ sung tờ trình từ một nhóm cổ đông nắm trên 5% vốn về việc miễn nhiệm 2 Phó chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú. Ông Hồ Nam là nhà sáng lập Bamboo Capital, người đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu hơn 10% vốn ở Eximbank trong khi bà Lương Thị Cẩm Tú là cựu Tổng giám đốc Nam Á Bank. Cả hai cùng từng có thời gian đảm nhận vị trí Chủ tịch Eximbank trước khi Công ty Gelex sở hữu lượng lớn cổ phần tại ngân hàng này.

Tại Đại hội, HĐQT Eximbank trình xem xét thông qua việc chuyển đổi địa điểm đặt trụ sở chính từ Tầng 8, Văn phòng số L8-01-11+16 Toà nhà Vincom Center, số 72 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM sang địa chỉ mới là số 27 – 29 Lý Thái Tổ, Phường Lý Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Địa chỉ mới thuộc dự án phức hợp bao gồm văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ cho thuê và khách sạn sang trọng thuộc chuỗi Fairmont Hanoi Hotel, đang được Tập đoàn Gelex đầu tư trên diện tích gần 1ha với 241 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng. Bản thân Gelex cách đây vài tháng đã nâng tỷ lệ sở hữu vốn tại Eximbank lên mức 10% - 174,7 triệu cổ phiếu (cổ đông lớn nhất).

Nếu quyết định chuyển trụ sở được thông qua, Eximbank cũng sẽ đồng thời chấm dứt chủ trương đầu tư xây dựng Trụ sở chính tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP. HCM sau hơn một thập kỷ.

Ba nhân sự cấp cao  của Eximbank bị đề nghị miễn nhiệm

Nội dung quan trọng thứ hai là việc trình miễn nhiệm Trưởng Ban Kiểm soát Ngo Tony (được bầu tháng 2/2022 với sự đồng thuận tuyệt đối, hiện không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu EIB nào). 

Trước đó ngày 29/10, một nhóm cổ đông sở hữu trên 5% vốn Eximbank đã kiến nghị HĐQT bổ sung nội dung miễn nhiệm Trưởng Ban kiểm soát với ông Ngo Tony, người có thư kiến nghị tới cơ quan thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, nêu các dấu hiệu rủi ro hiện tại của Eximbank.

Tờ trình nêu rõ, ông Ngô Tony đã có hành vi lạm dụng/lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Điều lệ ngân hàng Eximbank và quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Kiểm soát ngân hàng, gây ảnh hưởng nặng nề đến quyền lợi của cổ đông.

Đáng chú ý, một ngày trước Đại hội, Eximbank đã có phúc đáp kiến nghị của một nhóm cổ đông sở hữu trên 5% vốn (gửi ngày 15/11) về yêu cầu hủy Nghị quyết số 366 của HĐQT liên quan đến việc đưa nội dung miễn nhiệm ông Ngo Tony, Trưởng Ban Kiểm soát, khỏi chương trình ĐHĐCĐ. Nhóm này cho rằng việc miễn nhiệm là "bất thường", vi phạm quy định pháp luật, và có dấu hiệu "thâu tóm quyền lực".

Phản hồi kiến nghị, HĐQT Eximbank khẳng định Nghị quyết số 366 được ban hành đúng pháp luật và Điều lệ ngân hàng. HĐQT nhấn mạnh rằng việc quyết định nội dung họp thuộc thẩm quyền của ĐHCĐ, không có cơ sở pháp lý để hủy bỏ nghị quyết hoặc loại bỏ nội dung miễn nhiệm ông Ngo Tony khỏi chương trình dự kiến.

Ngoài ra, HĐQT Eximbank cho biết các cổ đông có thể sử dụng quyền biểu quyết tại ĐHCĐ để quyết định chương trình họp hoặc nội dung được đưa ra thảo luận.

Cuộc họp ĐHCĐ ngày 28/11 của Eximbank được dự báo diễn ra căng thẳng, khi các bên đều bảo vệ lập trường về vấn đề miễn nhiệm, phản ánh sự mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ ngân hàng.

Chưa dừng lại, ngày 19/11, nhóm cổ đông nắm trên 5% vốn Eximbank kiến nghị bổ sung nội dung về đề xuất miễn nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Nguyễn Hồ Nam khỏi HĐQT vào Đại hội với lý do "không đảm bảo tham dự đầy đủ các cuộc họp và lấy ý kiến bằng văn bản".