FBI ngầm thu dữ liệu từ công ty lữ hành để giám sát công dân toàn cầu

Thùy Chi 20:56, 21/07/2020

Là nhà cung cấp hệ thống phân phối toàn cầu lớn nhất Bắc Mỹ về dịch vụ đặt vé máy bay, công ty Sabre trụ sở tại Southlake (bang Texas) có trong tay lượng dữ liệu khổng lồ của hành khách và đứng trước nguy cơ dễ bị lợi dụng.

Sabre là nhà cung cấp hệ thống phân phối toàn cầu lớn nhất Bắc Mỹ về dịch vụ đặt vé máy bay.

Theo đài Sputnik, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã sử dụng thông tin Sabre thu thập và lưu trữ để thực hiện các cuộc giám sát mở rộng trên toàn thế giới. Thậm chí FBI còn hướng dẫn các nhân viên của Sabre giám sát hộ mục tiêu khi các mục tiêu đang trong quá trình di chuyển.

Vào tháng 12/2019, FBI đã yêu cầu Sabre báo cáo hàng tuần về lịch trình di chuyển của kẻ đào tẩu Ấn Độ Deepanshu Kher trong suốt 6 tháng. Kher cuối cùng đã bị bắt giữ vào tháng 1 năm nay và hiện bị quản thúc tại nhà.

Sự việc trên là một trong ít nhất bốn thỏa thuận Saber đồng ý cung cấp thông tin đi lại của khách hàng cho FBI. Vào năm 2015, Sabre đã giúp FBI săn lùng tên Mitchsei Yurievich Burkov - kẻ mà các nhà điều tra nghi ngờ vận hành Cardplanet, một thị trường trực tuyến mua và bán dữ liệu thẻ tín dụng bị đánh cắp trị giá 20 triệu USD. Cuối cùng, sau khi bị dẫn độ từ Israel vào tháng 11/2019, tên Burkov đã thừa nhận tội gian lận, lấy cắp danh tính, xâm nhập máy tính, lừa đảo có tổ chức và rửa tiền vào tháng 1 vừa qua.

Trước đây, Sabre từng là tiêu điểm trên các bản tin sau khi công ty này giúp các nhà chức trách Mỹ theo dõi hành trình đi lại của những tên không tặc tham gia vào vụ tấn công 11/9. Tuy nhiên, mối quan hệ của Sabre và các cơ quan an ninh, cũng như mức độ sẵn sàng theo dõi nghi phạm, tội phạm theo yêu cầu vẫn đặt trong vòng nghi vấn, do giới quan sát lo ngại hành vi này vi phạm quyền riêng tư.

FBI thường xuyên bị tố lạm dụng đạo luật gây tranh cãi All Writs Act để bắt các công ty tư nhân, ví dụ như Apple, chuyển giao thông tin cá nhân. "All Writs Act" là đạo luật có từ thế kỷ 18 cho phép tòa án liên bang ra bất cứ phán quyết và trát đòi nào nếu cảm thấy cần thiết và hợp pháp. Năm 2016, FBI và Apple đã vướng vào một cuộc chiến pháp lý khi cơ quan này yêu cầu Apple mở khóa chiếc điện thoại iPhone của tên trùm ma túy Jun Feng nhưng đã bị “ông lớn” công nghệ từ chối vì phải bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng.

 

Thùy Chi (T/h)