Ghi nhận ca tử vong đầu tiên liên quan do bệnh đậu mùa khỉ tại Châu Âu
Ngày 29/7, giới chức y tế Tây Ban Nha đã báo cáo về ca tử vong đầu tiên liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ ở nước này, cũng như trên toàn châu Âu trong đợt bùng phát hiện nay.
Xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm nghi ngờ nhiễm virus đậu mùa ở khỉ ở Madrid, Tây Ban Nha. |
Trong báo cáo mới nhất, Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết, có tổng cộng 4.298 trường hợp nhiễm bệnh đã được xác nhận tại nước này. Trong số 3.750 bệnh nhân mà Bộ trên nắm thông tin, có 120 ca đã phải nhập viện - chiếm 3,2% - trong đó có 1 người đã tử vong.
Tuy nhiên, Bộ Y tế Tây Ban Nha không cung cấp thêm thông tin chi tiết về ca tử vong nói trên. Đây mới chỉ là ca tử vong thứ hai bên ngoài châu Phi liên quan bệnh đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát hiện tại.
Trước đó cùng ngày, Brazil cũng đã báo cáo về trường hợp tử vong liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên bên ngoài lục địa châu Phi trong làn sóng dịch bệnh hiện nay.
Theo Bộ Y tế Brazil, bệnh nhân nam 41 tuổi người Brazil nói trên được nhập viện ở thành phố Belo Horizonte, bang Minas Gerais, và tử vong vì sốc nhiễm trùng sau khi được đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt.
Bộ trên cũng cho biết, các bệnh lý nền kèm theo cũng đã làm trầm trọng thêm tình trạng nhiễm bệnh của bệnh nhân. Theo đó, ca tử vong trên cũng được chẩn đoán mắc ung thư hạch và suy giảm hệ miễn dịch.
Theo Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO), Brazil, cùng với Mỹ và Canada nằm trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bệnh đậu mùa khỉ ở châu Mỹ, nơi có hơn 5.000 trường hợp đã được báo cáo ở 18 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Mỹ cho đến nay.
Bộ Y tế Brazil cho biết, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận 1.066 ca bệnh và 513 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, phần lớn (744 ca) ở bang Sao Paulo.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho đến ngày 22/7, mới chỉ có 5 trường hợp tử vong do bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận trên toàn thế giới, và tất cả đều ở khu vực châu Phi.
Cuối tuần trước, WHO đã tuyên bố sự bùng phát nhanh chóng và lan rộng của dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện tại là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu, mức cảnh báo cao nhất của tổ chức này.