Giải 'bài toán' kinh tế báo chí đối với các tạp chí khoa học

17:17, 27/06/2023

Với sự cạnh tranh mạnh mẽ của nhiều mạng truyền thông xã hội, một cơ quan báo chí có nội dung tốt nhưng không có nền tảng công nghệ hiện đại thì khó có thể thu hút được quảng cáo.

Giải bài toán kinh tế báo chí đối với các tạp chí khoa học - Ảnh 1.

Hội thảo "Vấn đề kinh tế báo chí đối với các tạp chí khoa học của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam" - Ảnh: VGP/Hoàng Giang.

Ngày 27/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo "Vấn đề kinh tế báo chí đối với các tạp chí khoa học của Liên hiệp Hội Việt Nam năm 2023".

Trong hệ thống các cơ quan báo chí hiện nay của Việt Nam, ngoài các cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, thành phố hoạt động như đơn vị sự nghiệp công lập được cấp kinh phí hoạt động (hoàn toàn hoặc một phần) thì có hơn 70 cơ quan báo chí thuộc hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phần lớn đang thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính.

Theo PGS. TS. Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp Hội có hệ thống báo chí lớn, có nhiều tiềm năng phát triển mạnh các hoạt động thông tin, phổ biến kiến thức, tư vấn phản biện và giám định xã hội, là kênh quan trọng trong việc phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.

Thời gian qua, báo chí trong hệ thống Liên hiệp Hội đã không ngừng cải thiện nội dung, phương pháp làm báo, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin ngày càng cao của các nhà khoa học, trí thức và bạn đọc cả nước. Tuy nhiên, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho các cơ quan báo chí trong giai đoạn hiện nay là rất lớn, trong đó có vấn đề kinh tế báo chí.

Coi trọng công nghệ làm báo hiện đại

PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam cho biết trong xu hướng chuyển đổi số, các cơ quan báo chí bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, cần làm tốt và bắt kịp xu thế vận động, phát triển của kỷ nguyên công nghệ số.

Nếu cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công, cần phải có công nghệ và giải pháp hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và sự liên kết giữa các cơ quan báo chí. Do đó, kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số đã tiệm cận dần đến từ khóa "kinh tế báo chí số".

Hiện nay, thị trường quảng cáo trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang chuyển từ quảng cáo trên báo chí truyền thống sang quảng cáo số, tác động mạnh tới doanh thu của các cơ quan báo, đài vì phần lớn báo chí dựa vào nguồn thu từ quảng cáo và dịch vụ truyền thông, rất ít các cơ quan báo chí thực hiện đa dạng nguồn thu. 

Để phát triển kinh tế báo chí trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, theo ông Nguyễn Thành Lợi, với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các "thế lực" truyền thông xã hội, một cơ quan báo chí có nội dung tốt, không có nền tảng công nghệ hiện đại khó có thể thu hút được quảng cáo. Do đó, cần phải thay đổi tư duy, coi trọng công nghệ làm báo hiện đại. Không phải ngẫu nhiên mà các cơ quan báo chí trên thế giới đã đưa ra triết lý làm báo mới: Nội dung và công nghệ phải song trùng.

Hơn nữa trong bối cảnh chuyển đổi số, các cơ quan báo chí nên thay đổi chiến lược, xây dựng các bộ phận truyền thông – quảng cáo một cách bài bản và chuyên nghiệp, mới có thể phát triển kinh tế báo chí ổn định và bền vững lâu dài, tránh gặp những rủi ro không đáng có. Đồng thời tăng cường tổ chức sự kiện, tham gia các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng. Những hoạt động trách nhiệm xã hội đó, làm tăng uy tín và thương hiệu của các cơ quan báo chí, đây là 1 trong 4 trụ cột trong chiến lược phát triển dài lâu của cơ quan báo chí trong tương lai.

Bà Trần Thị Giang, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tự động hóa Ngày nay cho rằng việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các cơ quan báo chí thuộc Liên hiệp Hội đang đặt ra bài toán cho bản thân các cơ quan báo chí lẫn cơ quan chủ quản trực tiếp, cơ quan gián tiếp là Liên hiệp Hội và Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT.

Theo bà Trần Thị Giang, cần coi trọng đồng bộ công tác đổi mới nội dung và phát hành. Trong xu hướng phát triển báo chí hiện nay, ngoài việc tồn tại những cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí thông tin tổng hợp phong phú về nội dung, bao quát gần như các lĩnh vực trong đời sống xã hội thì việc tồn tại các tạp chí chuyên ngành như loại hình báo chí chuyên biệt là phù hợp nhu cầu độc giả cũng như nhu cầu phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực. Vậy sản phẩm báo chí ấy cần hấp dẫn độc giả nghiên cứu về chiều sâu, thông tin của loại hình báo chí ấy phải theo kịp sự phát triển của tri thức, trình độ dân trí trong xã hội đó.

Nhưng nếu thông tin khoa học quá hàn lâm và thiên về lý thuyết thì lượng người đọc sẽ bị thu hẹp, đồng nghĩa với việc số lượng phát hành hạn chế.

Việc xã hội hóa nội dung, xã hội hóa đối tượng độc giả khi đã có mong muốn thực hiện cần triển khai nội dung đúng với tinh thần xã hội hóa để đối tượng công chúng mà tạp chí muốn hướng đến thực sự thấy thông tin phù hợp với mình, chứ không phải mục tiêu thì có mà cách thực hiện lại không phù hợp. Việc đổi mới nội dung thông tin trên các sản phẩm báo chí cần đồng thời triển khai công tác phát hành hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần coi trọng chiến lược phát triển nguồn thu cho cơ quan báo chí, tạo cơ chế chính sách hợp lý để huy động nguồn lực tập thể. Tăng tính chủ động, sáng tạo và năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên trong tòa soạn báo chí. Xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng tài chính phù hợp đặc thù của hoạt động báo chí…

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

https://baochinhphu.vn/giai-bai-toan-kinh-te-bao-chi-doi-voi-cac-tap-chi-khoa-hoc-102230627152023188.htm