Giải pháp công nghệ đô thị thông minh phân loại rác thải tại nguồn và thu gom rác tái chế - mGreen

18:27, 09/11/2022

Sáng ngày 9-11, Trung tâm Thông tin và thống kê khoa học và công nghệ TP.HCM (thuộc Sở KH-CN TP.HCM) phối hợp với Công ty Cổ phần Dịch vụ xã hội mGreen tổ chức hội thảo giới thiệu “Giải pháp công nghệ đô thị thông minh phân loại rác thải tại nguồn và thu gom rác tái chế - mGreen”.

Toàn cảnh hội thảo.

Dự án mGreen là những giải pháp đô thị thông minh giúp việc quản lý, phân loại, thu gom rác tái chế dễ dàng hơn; kết nối nhu cầu giữa người dân và người thu gom rác tái chế thông qua nền tảng Coalition loyalty program và công nghệ Big Data, IoT.

mGreen gồm 3 ứng dụng: Mobile app mGreen dành cho chủ nguồn thải, Mobile app mGreen collector dành cho đơn vị thu gom, Mobile app mPoint shop dành cho cửa hàng liên kết và một trang thông tin cho chính quyền địa phương quản lý.

Tính đến nay đã có khoảng 10.000 người sử dụng ứng dụng mGreen phân loại rác tại nguồn.

Khi cài đặt ứng dụng mGreen, mỗi hộ sẽ được hướng dẫn phân loại rác, đặt lịch thu gom rác tái chế, tích điểm từ việc phân loại rác, điểm liên kết sử dụng cho tiêu dùng mua sắm hoặc đổi nhu yếu phẩm, quà tặng...

Sau 3 năm triển khai, dự án đã có hơn 50.000 người dân tham gia phân loại rác tại nguồn, 10.000 người sử dụng ứng dụng mGreen, hơn 300 đối tác đã kết nối và hơn 300 tấn rác tái chế được thu gom với tổng giá trị thu về trên 50 tỷ đồng.

Bà Trần Thị Thoa, đồng sáng lập mGreen cho rằng dự án sẽ khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn.

Bà Trần Thị Thoa, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ xã hội mGreen, cho biết, mGreen thành lập với mục đích kêu gọi và thu gom rác tái chế ngay từ đầu nguồn, áp dụng cơ chế tích điểm. Số điểm được đổi thành quà, sử dụng khi mua sắm, ăn uống, giải trí; nhằm khuyến khích người dân chủ động phân loại rác, tạo lập thói quen phân loại rác từ đầu nguồn. Từ đó, giảm thiểu chi phí xử lý rác, tăng hiệu quả hoạt động cho các nhà máy xử lý rác thải.

Mỗi ngày, tại Hà Nội và TP.HCM có khoảng 8.000 - 10.000 tấn rác thải ra môi trường, tạo sức ép rất lớn cho công tác thu gom, xử lý. Sự ra đời của giải pháp công nghệ giúp việc phân loại, thu gom rác tại nguồn trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. 

Ông Nguyễn Thi, đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thi, Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện lượng rác thải mỗi ngày tại các đô thị khoảng 32.000 tấn (được thu gom khoảng 85,5%); trong đó khu vực nông thôn là 14.200 tấn/ngày (được thu gom 45-55%). Việc xử lý rác thải đang thực hiện bằng nhiều cách nhưng chủ yếu xử lý bằng chôn lấp (chiếm 63%); phương pháp đốt chiếm khoảng 14%, tái chế khoảng 10%, còn lại là phân hữu cơ. Thói quen phân loại rác tại nguồn còn thấp, đúng ra là chưa có. Hạ tầng thu gom còn yếu kém, lạc hậu, chủ yếu dựa vào đồng nát...

Từ thực trạng trên, ông Nguyễn Thi cho rằng, cần có hướng dẫn khung pháp lý về phân loại rác tại nguồn, định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt để UBND tỉnh sớm ban hành và thực thi. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng bộ hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác tại nguồn. Bên cạnh tuyên truyền, vận động hộ gia đình, cá nhân, địa phương cần ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Việc ứng dụng công nghệ trong phân loại, thu gom rác thải đang được một số đơn vị triển khai. Trong đó, giải pháp quản lý, phân loại, thu gom rác tái chế mGreen có thể kết nối nhu cầu giữa người phân loại và người thu gom rác tái chế qua nền tảng Coalition loyalty program (tích điểm, bán hàng, đổi quà liên kết) và công nghệ Big Data, IoT. Hiện mGreen đã và đang hợp tác với chính quyền địa phương, nhãn hàng, nhà sản xuất, công ty thu gom - tái chế rác thải… triển khai phân loại rác tại nguồn, thu gom rác tái chế tại một số khu vực ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Quảng Ninh, Bắc Ninh…

Các chuyên gia cho rằng, giải pháp công nghệ sẽ giúp phát huy hiệu quả, đóng góp hữu ích trong công tác tuyên truyền và thực hiện phân loại rác tại nguồn. Các giải pháp như mGreen cần được triển khai ở quy mô rộng với các chủ nguồn thải khác nhau. Bên cạnh đó, cần sự phối hợp, tham gia của nhiều cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương để khuyến khích doanh nghiệp, người dân, hộ gia đình sử dụng các ứng dụng thực hiện phân loại rác tại nguồn.

PV