Giám đốc Ericsson Việt Nam: Để tăng tốc nền kinh tế số cần một hạ tầng số mạnh
5G được coi là hạ tầng số quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế số, mang lại nhiều cơ hội mới, phát triển bứt phá cho các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành kinh tế đồng thời mở ra các nguồn doanh thu mới cho các nhà mạng...
Bà Rita Mokbel, Giám đốc Ericsson Việt Nam.
Bà Rita Mokbel, Giám đốc Ericsson Việt Nam khẳng định, một nền kinh tế số vận hành, phát triển mạnh cần một hạ tầng mạnh. Ericsson sẽ hợp tác, hỗ trợ các nhà mạng Việt Nam xây dựng hạ tầng số quan trọng này để khai thác hiệu quả, giá trị của 5G.
Thưa bà, hiện nay, mạng 5G đã được triển khai ở nhiều quốc gia. Việt Nam cũng đang có những bước chuẩn bị mạnh mẽ, quyết liệt để thương mại hóa 5G. Bà nhìn nhận thế nào về vai trò của 5G đóng góp cho phát triển kinh tế số, xã hội số của Việt Nam?
Việc triển khai đấu giá thành công và cấp phép băng tần 5G cho 3 nhà mạng là một dấu mốc rất quan trọng cho Việt Nam cũng như các nhà mạng để triển khai 5G.
5G được coi là nền tảng hạ tầng số quan trọng để tăng tốc nền kinh tế số cũng như quá trình chuyển đổi số trong các ngành kinh tế của Việt Nam. Công nghệ 5G sẽ giúp tăng mức độ tự động hóa trong sản xuất và từ đó sẽ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Hơn nữa, 5G còn hỗ trợ các sáng kiến của Chính phủ trong việc phát triển nền kinh tế số và thúc đẩy các mục tiêu như nâng cao năng suất lao động vá các mục tiêu chiến lược rộng hơn của chính phủ về chuyển đổi số.
Cụ thể, những ngành/lĩnh vực nào ở Việt Nam sẽ có cơ hội, tiềm năng phát triển bứt phá nhất nếu khi triển khai ứng dụng 5G?
Tôi cho rằng, ngành sản xuất (manufacturing) sẽ có nhiều cơ hội tiềm năng, lợi ích lớn nhất khi ứng dụng 5G. Tất nhiên, các ngành khác cũng có thể ứng dụng 5G, mang lại hiệu quả, lợi ích cao như cảng, khai mỏ, logistics…
Trong lĩnh vực sản xuất, tôi nhận thấy 5G đang được ứng dụng hiệu quả trong quản lý nhà kho, tối ưu mặt bằng nhà máy. Chẳng hạn như, giải pháp nhà máy thông minh 5G của Ericsson, sử dụng năng lượng tái tạo và nền tảng 5G, đã giúp tăng năng suất lên tới 60%, giảm rác thải tới 32% và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Nền tảng 5G sẽ giúp nâng cao hiệu suất hoạt động 60%, giảm lãng phí 32%.
Còn trong kinh tế số, nghiên cứu cho thấy cứ 10% tăng trưởng về mức độ truy cập thuê bao băng rộng sẽ tương ứng với mức tăng trưởng 0.8% GDP.
Trong tất cả những ngành kinh tế, việc ứng dụng mạng 5G riêng (5G Private Network) sẽ thúc đẩy tự động hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động, kiểm soát chi phí. Đó là những lợi ích khi 5G ứng dụng trong các ngành kinh tế ngoài sản xuất. 5G Private Network cũng là ứng cử viên tiềm năng trong lĩnh vực thành phố thông minh, nhất là khi Việt Nam dự kiến triển khai 100 thành phố thông minh trong thời gian tới.
Từ thực tế phát triển và ứng dụng công nghệ hiện nay, theo bà, các doanh nghiệp, nhà sản xuất tại Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận các cơ hội, tiềm năng của 5G chưa?
Lợi ích mà 5G mang lại cho các nhà sản xuất rất lớn, giúp nâng cao năng suất hoạt động thông qua tự động hóa, tối ưu hóa chi phí. Tuy nhiên, để khai thác đầy đủ công nghệ 5G, sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và các nhà cung cấp giải pháp là vô cùng quan trọng. Các nhà mạng ngoài việc cung cấp kết nối còn triển khai mạng 5G riêng ở các nhà máy và xây dựng các Use Case. Việc này đòi hỏi các nhà mạng cần phải có những kiến thức chuyên ngành trong các lĩnh vực cung cấp giải pháp như sản xuất.
Tôi tin rằng, các nhà mạng di động ở Việt Nam, cùng các nhà cung cấp giải pháp như Ericsson sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giúp cho các nhà máy áp dụng công nghệ 5G.
Thực tế hiện nay hầu hết các mạng còn đang ở chế độ Non-Stand Alone (NSA)- sử dụng hạ tầng 4G hiện tại và nâng cấp lên 5G. Tuy nhiên, để đạt được thành công lâu dài, việc triển khai mạng 5G độc lập Standalone (SA) là rất cần thiết.
Khi đó năng lực mạng 5G thực thụ sẽ được giải phóng tối đa và các nhà mạng sẽ xây dựng thêm nhiều Use Case cho các ngành kinh tế như nhà máy, logistics, khai mỏ… từ đó khai phóng tiềm năng của các doanh nghiệp trong cách mạng 4.0.
Vậy với các nhà mạng, 5G sẽ mang lại những giá trị và nguồn doanh thu mới như thế nào để có thể nhanh chóng bù đắp khoản chi phí đầu tư lớn?
Theo tôi các lợi ích của 5G có thể được nhìn từ nhiều khía cạnh khác nhau. Ở khía cạnh trực tiếp, 5G giúp các nhà mạng hạ thấp tổng chi phí sở hữu (TCO). Với cùng 1 hạ tầng mạng, mạng 5G có thể truyền tải được lưu lượng cao gấp 5 lần so với các hạ tầng mạng trước, trong khi năng lượng tiêu thụ của các thiết bị 5G giảm đi 30%.
Trước đây, doanh thu nhà mạng chủ yếu là thoại và tin nhắn nhưng với 5G sẽ giúp tạo ra các nguồn doanh thu mới.
Ví dụ, ở Singapore phân vùng mạng riêng đã được tạo ra cho khán giả xem hòa nhạc (concert) hoặc giải đua công thức 1. Trên phân vùng mạng đó, chất lượng dịch vụ vượt trội và người dùng sẵn sàng trả mức phí cao hơn để truy cập , đem lại doanh thu cao hơn cho nhà mạng.
Ngoài ra, các Use Case cho các mạng riêng của doanh nghiệp cũng tạo ra các nguồn doanh thu mới cho nhà mạng.
Ở Việt Nam năm 2019-2020, các nhà mạng đã triển khai thí điểm để tìm hiểu các đặc tính yêu cầu của thị trường. Tôi tin rằng việc chính thức thương mại hóa 5G sẽ là một bước đột phá lớn và mang lại rất nhiều lợi ích cho các nhà mạng.
Với thế mạnh là nhà cung cấp của các hạ tầng nhà mạng 5G đã triển khai thành công rất nhiều nhà mạng trên thế giới, Ericsson sẽ hỗ trợ, hợp tác thế nào với các nhà mạng Việt Nam triển khai 5G trên diện rộng một cách trơn tru và khai thác được hết các lợi thế tiềm năng giá trị của 5G mang lại?
Với kinh nghiệm triển khai 166 mạng 5G đang hoạt động trên toàn cầu, chúng tôi có thể hỗ trợ các nhà mạng ngay từ khâu thiết kế mạng để đảm bảo sự bao phủ, sự chuyển vùng liền mạch.
Ngoài ra, chúng tôi có thể giúp nhà mạng cấu hình mạng, chuyển mạng từ hạ tầng 4G sang 5G một cách liền mạch, thông suốt.
Chúng tôi đã có những thiết bị sẵn sàng cho 5G, đã được kiểm chứng trên nhiều thị trường. Đây là cơ sở để các nhà mạng sử dụng các thiết bị.
Trong giai đoạn 2009-2010, chúng tôi đã phối hợp các nhà mạng Việt Nam thí điểm mạng 5G, qua đó thu được nhiều kinh nghiệm thực tiễn cũng như yêu cầu của thị trường.
Hơn nữa, Ericsson đã có kinh nghiệm triển khai 5G từ các thị trường cùng đội ngũ chuyên gia hỗ trợ toàn cầu sẽ giúp Việt Nam triển khai mạng 5G thuận lợi.
Sau khi đã triển khai với 166 mạng thương mại trên trên thế giới, công nghệ của Ericsson cũng đã chín muồi. Các mô hình kinh doanh cũng đã được kiểm chứng và được triển khai thực tế ở nhiều thị trường cho cả doanh nghiệp và người dùng... Chúng tôi có thể đưa các câu chuyện, kinh nghiệm này vào Việt Nam để các nhà mạng tham khảo. Đây là một lợi thế cho Việt Nam triển khai 5G ở thời điểm này.
Tôi nhận thấy, các nhà mạng Việt Nam đang rất quyết liệt triển khai 5G nhanh chóng và trên diện rộng. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ các nhà mạng Việt Nam hiện thực hóa điều này.
Tôi cho rằng để vận hành phát triển một nền kinh tế số cần một hạ tầng mạnh. Ericsson giúp các nhà mạng xây dựng hạ tầng số quan trọng này, tạo chất xúc tác, tiền đề để thúc đẩy phát triển ngành kinh tế số, để tất cả hệ sinh thái cùng khai thác, phát huy thế mạnh.