Giảng viên chế tạo cabin chở bệnh nhân Covid-19
Cabin chở bệnh nhân COVID-19, do giảng viên trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) chế tạo, có hệ thống bánh xe mô phỏng buồng áp lực âm và được trang bị đầy đủ các thiết bị.
- Chinh phục Đại học Harvard và MIT với nghiên cứu chế tạo băng gạc từ vỏ cua mềm
- Thanh niên Nghệ An chế tạo buồng khử khuẩn tự động góp phần cùng cộng đồng chống dịch
- Triển lãm quốc tế công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam – VIMEXPO 2021
- Israel chế tạo "áo tàng hình", tránh bị theo dõi hình ảnh và nhiệt độ
Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng vừa bàn giao “Cabin chở bệnh nhân Covid-19 trong khu cách ly bệnh viện” cho Trung tâm y tế quận Liên Chiểu.
Cabin này được Thạc sĩ Đặng Xuân Thủy – giảng viên Khoa Cơ khí (Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng) trực tiếp chế tạo.
Bên trong cabin có ghế ngồi, bình oxy, hệ thống phun khử khuẩn để chở bệnh nhân Covid-19.
Cabin màu trắng có một cửa ra vào, phía trên gắn đèn xoay cảnh báo, được thiết kế khép kín bằng vật liệu nhôm, dài hơn 1,5 m, rộng gần 1m, cao 1,8 m. Phía dưới có bốn bánh xe, trong đó hai bánh cố định, hai bánh còn lại ở phía trước có thể gấp gọn khi móc nối với xe máy điện để di chuyển.
Trong cabin là ghế ngồi có thể điều chỉnh tư thế; hệ thống phun khử khuẩn hơi sương, quạt hút gió, đèn led chiếu tia cực tím; bình oxy cho tình huống có bệnh nhân nặng cần trợ thở. Xung quanh cabin còn được lắp các hệ thống đèn báo, phanh tay... Tổng trọng lượng cabin khoảng 80 kg, bao gồm cả bình chứa dung dịch khử khuẩn và bình ắc quy cho hệ thống điện.
Thầy Đặng Xuân Thuỷ dễ dàng di chuyển cabin chở bệnh nhân bằng kéo tay hoặc xe máy điện.
Thạc sĩ Đặng Xuân Thủy – giảng viên Khoa Cơ khí cho biết, "Ca bin được thiết kế như một buồng áp lực âm, đảm bảo chỉ có khí vào, không có khí ra để hạn chế vi khuẩn phát tán ra ngoài. Ngồi trong cabin không bị nóng".
Cabin có thể chở được tối đa 200 kg, có thể vừa vận chuyển bằng xe máy điện trong khuôn viên của các bệnh viện, vừa cơ động kéo bằng tay trong các hành lang. Chi phí để sản xuất sản phẩm ban đầu ước tính 60 triệu đồng, nếu sản xuất hàng loạt giá sẽ thấp hơn.
Thiết bị này được các giảng viên của Khoa Cơ Khí, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) nghiên cứu, chế tạo chỉ trong vòng 1 tháng theo đơn đặt hàng của Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, nhằm mục đích phục vụ nhu cầu vận chuyển các bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã mắc COVID-19 trong phạm vi bệnh viện.
Đánh giá về sản phẩm này bác sĩ Lê Văn Sỹ - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu cho biết: “Ở trung tâm y tế quận có khu vực giành cho các đối tượng F1 và khu sàng lọc nhưng cách xa nhau nên ô tô không thể vào tận nơi đưa đón bệnh nhân nếu có trường hợp nghi nhiễm Covid-19.
Đây là cabin áp lực âm, khi di chuyển sẽ không phát tán virus ra bên ngoài. Tôi nghĩ mô hình này và có thể nhân rộng, sử dụng ở những bệnh viện có khuôn viên tương đối rộng, có đường nội bộ để chuyên chở bệnh nhân ở khu vực khó sử dụng ô tô”.
Trà My (T/h)