Giảng viên trường ĐH Bách khoa TP.HCM được đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh
Tối 7.12, thông tin từ Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, PGS-TS Trần Doãn Sơn, giảng viên bộ môn Chế tạo máy, khoa Cơ khí trường này vừa được Hội đồng cấp nhà nước đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khoa học công nghệ đợt 6 với cụm công trình "Nghiên cứu đổi mới và phát triển công nghệ và thiết bị chế biến lương thực- thực phẩm và nông sản Việt Nam".
PGS-TS Trần Doãn Sơn, giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ được Đảng và Nhà nước xét tặng cho các công trình, cụm công trình xuất sắc, có giá trị cao về khoa học công nghệ. Bắt đầu triển khai từ năm 1996 và được công bố 5 năm/ lần, đây được xem là giải thưởng danh giá hiện nay tại Việt Nam.
Cụm công trình của PGS-TS Trần Doãn Sơn là 1 trong số 12 công trình, cụm công trình được Hội đồng cấp nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ đợt 6 năm nay.
Cụm công trình của PGS-TS Trần Doãn Sơn gồm 8 công trình, bao trùm lĩnh vực chế biến tinh các sản phẩm chủ lực về nông nghiệp và lương thực Việt Nam. Thông qua thực hiện 5 đề tài cấp nhà nước, 9 bằng sáng chế, cụm công trình này được thực hiện trong hơn 20 năm.
Trong số cụm đề tài nghiên cứu này, công trình bánh tráng gạo (bánh tráng truyền thống) đã được cấp bằng sáng chế số 7268. Thông qua đề tài cấp nhà nước, tác giả chuyển đổi từ một công nghệ thủ công sang sản xuất bằng dây chuyền tự động với chất lượng và năng suất cao. Thực hiện từ năm 1998 cho đến nay, công trình đã chuyển giao cho nhiều công ty, xí nghiệp và cơ sở sản xuất.
PGS-TS Trần Doãn Sơn (phải) nhận giải thưởng Sáng chế TP.HCM năm 2020.
Công trình bánh tráng rế đặc biệt hơn khi được cấp 2 bằng sáng chế số 7568 và 21202. Từ sản xuất bánh tráng thủ công rất vất vả cho người lao động, năng suất thấp, nghiên cứu đã chuyển giao công nghệ dây chuyền sản xuất tự động, năng suất cao đủ sản lượng để xúc tiến thương mại khắp cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Đặc biệt, nhóm tác giả đã sử dụng thiết bị robot để thay thế các thao tác trong điều kiện lao động nhiệt độ cao và cường độ tập trung lớn.Công trình cấp bằng sáng chế số 1936 về bánh tráng bía (bánh tráng xốp, được dùng để sản xuất chả giò bía). Đây là một sản phẩm mới và ngày càng phổ biến. Trước đây, công nghệ này vẫn phải thực hiện thủ công. Nhóm tác giả đã nghiên cứu, sáng tạo và chuyển đổi từ thủ công sang dây chuyền tự động, đưa lại năng suất cao hơn 10 lao động trong một đơn vị thời gian. Không những vậy, sản phẩm sản xuất ra đạt chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Công trình thiết bị sản xuất phở tươi, bánh cuốn, mì quảng cũng được cấp bằng sáng chế số 7779. Tác giả đã cho ra đời thiết bị sản xuất dạng mini để thương mại hóa toàn cầu, mục đích chính là giới thiệu các món ẩm thực của Việt Nam cho bạn bè thế giới. Hiện tại thiết bị này đã xuất khẩu khắp thế giới và đã xây dựng được thương hiệu.
Công trình công nghệ và thiết bị chế biến hạt điều cũng được cấp 2 bằng sáng chế và là công trình thực hiện trong thời gian dài hơn 20 năm. Trong lĩnh vực chế biến điều, tác giả đã chuyển giao khoảng 200 dây chuyền đồng bộ trong và ngoài nước. Đặc biệt trong vài năm lại đây, nhóm tác giả đã xây dựng nhiều nhà máy chế biến điều hiện đại cho các nước châu Phi và Ấn độ. Các dây chuyền này hầu như tự động hoàn toàn và đã ứng dụng công nghệ 4.0.
Ngoài ra, 3 công trình khác trong cụm nghiên cứu của PGS-TS Trần Doãn Sơn đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khoa học công nghệ đợt 6 gồm: công trình sản xuất thiết bị sản xuất bún mini; Công trình thiết bị sản xuất bún, bánh hỏi, bánh canh, phở, bánh cuốn, mì quảng đồng thời trên một thiết bị; Công trình cà phê…
Trước Giải thưởng Hồ Chí Minh, đầu năm nay, PGS-TS Trần Doãn Sơn là một trong 18 nhà giáo trên cả nước đã được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” vì có công lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của dân tộc. Trường ĐH Bách khoa TP.HCM được biết đến là ngôi trường có nhiều công bố quốc tế, không ít giảng viên được cấp bằng sáng chế.
Minh Thuỳ (T/h)