Sinh viên Đại học Bách Khoa HCM giành 4 giải thưởng cao trong cuộc thi INSEE Prize 2021
Vượt qua gần 200 ý tưởng dự thi, Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG-HCM đã giành 4 giải thưởng gồm giải Quán quân, giải Ba và 2 giải Khuyến khích trong cuộc thi về xây dựng bền vững (INSEE Prize 2021).
INSEE Prize là cuộc thi hướng đến chủ đề công trình xanh, được tổ chức cho tất cả sinh viên các trường đại học, cao đẳng và học viên trên toàn quốc với các chuyên ngành Xây dựng, Vật liệu, Kiến trúc, Quản lý Đô thị, Môi trường, Cấp thoát nước… Đây cũng là sân chơi để sinh viên được thể hiện, phát triển các ý tưởng sáng tạo, trải nghiệm thực tế và có cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế với những dự án cụ thể.
Qua hơn 10 năm tổ chức, INSEE Prize đi qua đã có 8 dự án được triển khai thực tế, được “chắt lọc” từ hơn 3.156 ý tưởng đến từ 43 trường đại học và hơn 5.000 người trong xã hội được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ các dự án đã được hiện thực hoá.
Được biết, đến với cuộc thi INSEE Prize 2021, Trường ĐH Bách Khoa đã có 17 đề tài dự thi. Ngành kiến trúc của trường rất vinh dự và tự hào khi có 4 đề tài vào vòng chung kết toàn quốc và đoạt các giải thưởng lớn.
Giải nhất của cuộc thi INSEE Prize được trao cho dự án “Mật ngọt – Thư viện cho trẻ em vùng núi” của nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Phước và Hoàng Minh Quân, nhằm tạo không gian sáng tạo cho trẻ em tại điểm Đá Trắng, Trường Tiểu học Phước Tân A, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận đã giành giải Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQH-HCM). Tổng trị giá giải thưởng 230 triệu đồng (30 triệu tiền mặt và 200 triệu tiền triển khai dự án thực tế).
Dự án đề xuất các giải pháp thiết kế xanh như sử dụng các nguyên vật liệu tại địa phương làm hệ thống tường và mái giúp cách nhiệt với tiết trời oi bức ở Ninh Thuận. Qua đó, nhóm thiết kế mong muốn mang cho các em học sinh tại vùng khó khăn này một không gian học tập thoải mái nhất.
Giải Ba cuộc thi được trao cho dự án “Greensol - Trạm sạc điện mặt trời cho xe điện” của nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thúy Vân và Khương Vũ Trâm Anh. Greensol” lấy ý tưởng chủ đạo là xây trạm sạc điện sử dụng năng lượng mặt trời cho đối tượng là các học sinh, sinh viên đang sử dụng xe đạp điện và xe máy điện. Trạm được đặt ở trường THPT Gia Định nằm ở 44 Võ Oanh, quận Bình Thạnh được sử dụng các vật liệu tái chế nhưng rất bền vững.
Với việc sử dụng pin mặt trời là nguồn năng lượng chính, ngoài việc cung cấp điện còn làm giảm hệ số phát thải CO2 giúp bảo vệ môi trường. Mô hình được đặt ở trường học, giúp các bạn học sinh được tiếp cận gần hơn với nguồn năng lượng sạch này và có những ý tưởng khoa học và lan tỏa đến cộng đồng dân cư về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.
Hai dự án “Chạm” của nhóm tác giả: Phú Ngọc Ân, Trần Hồng Trung Kiên và Phạm Anh Hoàng và “Basars - Cải tạo Trạm kiểm lâm Bàu Sấu - Rừng Quốc Gia Nam Cát Tiên” của nhóm tác giả: Đinh Hữu Thành, Bùi Thị Phương Châu và Huỳnh Ngọc Bích Ngân đồng giải Khuyến khích.
Trong đó, dự án “Chạm” mang đến những trải nghiệm mới cho học sinh khiếm thị Trường Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu (phường 3, quận 10) bằng việc tạo nên không gian vui chơi với các hoạt động kích thích nhiều hơn các giác quan cơ bản khác của các em. Dự án hướng đến sự đơn giản trong kỹ thuật vận hành và các biện pháp thi công, sử dụng các vật liệu phổ biến, bền chắc trong điều kiện tự nhiên trong thành phố và có thể tái sử dụng.
“Basars” là dự án cải tạo không gian sống cho lực lượng kiểm lâm tại trạm kiểm lâm Bàu Sấu - rừng quốc gia Nam Cát Tiên. Dự án sử dụng hệ thống lọc nước, tấm pin năng lượng mặt trời cùng các giải pháp thiết kế kiến trúc thụ động, giúp nâng cao đời sống của lực lượng kiểm lâm trong bối cảnh trạm nằm giữa rừng.
Đặc biệt, các nhóm đoạt giải đều được nhận sự hướng dẫn của TS.KTS Lê Thị Hồng Na - Giảng viên Khoa Kỹ thuật Xây dựng - Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM.
Thùy Chi (T/h)