Giao dịch thanh toán qua cổng dịch vụ công quốc gia tăng mạnh
Giao dịch thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia tăng trưởng đến 84% về số lượng qua cổng Payoo, nhóm dịch vụ công ở các nhà cung cấp khác cũng tăng 67% về số lượng.
Báo cáo thống kê trọng mạng lưới thanh toán của Payoo trên toàn quốc mới đây cho thấy trong quý II/2022, các giao dịch thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia tăng trưởng đến 84% về số lượng và gấp 3 lần về giá trị giao dịch so với quý I.
Hiện tại, Cổng dịch vụ công quốc gia giúp người dân và doanh nghiệp thanh toán tất cả các dịch vụ công cấp độ 4: Nộp thuế thu nhập cá nhân; Nộp phạt xử lý vi phạm hành chính; Thanh toán phí, lệ phí thủ tục hành chính; Đóng BHXH tự nguyện, Đóng và gia hạn BHYT; Thanh toán tiền điện, tạm ứng án phí, nộp thuế, lệ phí trước bạ về đất đai, tài sản, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp,…
Các giao dịch thanh toán thuộc nhóm dịch vụ công ở các nhà cung cấp khác cũng tăng trưởng rất tốt với mức tăng 67% về số lượng và gấp 2 lần về giá trị giao dịch. Điều này chứng tỏ, nỗ lực trong việc thúc đẩy người dân thanh toán không tiền mặt thời gian qua đã bước đầu đạt kết quả khả quan. Những phương thức thanh toán mới nổi như quét mã QR ngày càng phổ biến.
Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến Cộng Đồng Việt đánh giá: "Thanh toán không tiền mặt đã và đang được các doanh nghiệp lẫn người dân thuộc mọi tầng lớp ủng hộ. Trước một thị trường còn nhiều dư địa để phát triển, người dùng Việt có mức độ thích ứng nhanh với các dịch vụ thanh toán số".
Báo cáo này cũng cho thấy mảng giáo dục có bứt phá mạnh nhất trong các giao dịch thanh toán trực tuyến. Quý II/2022, giá trị giao dịch thanh toán học phí tăng gấp 2,5 lần so với quý I và gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Hiện tại, riêng TP Hồ Chí Minh đã có 1.500 trường học công lập các bậc có tham gia cổng thanh toán trực tuyến.
Giao dịch thanh toán trực tuyến ở nhóm các trường đại học, cao đẳng và các trung tâm đào tạo, trung tâm anh ngữ, tăng trưởng giao dịch đạt 40% về số lượng và 50% về giá trị so với quý I/2022.
Du lịch và ngành F&B cũng ghi nhận mức thanh toán không tiền mặt ấn tượng trong quý II với mức tăng trưởng du lịch thông qua Payoo POS tăng trưởng 60% về cả số lượng và giá trị. Ngành F&B có mức tăng 61% về số lượng và 41% về giá trị giao dịch so với quý I/2022.
Trong quý II/2022, mặc dù chịu tác động bởi giá xăng dầu tăng cao song bức tranh kinh tế khởi sắc rõ nét, thể hiện ở nhiều lĩnh vực đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý II/2022 tăng trưởng 7,72%, cao nhất trong hơn 1 thập kỷ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.395,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với quý trước và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Thùy Chi (T/h)