Giáo dục giới tính có dạy nữ sinh bảo vệ mình thời internet?

11:04, 07/03/2011

Liên tiếp trong thời gian gần đây, các vụ clip sex mang tên “nữ sinh” đang làm chao đảo cộng đồng mạng. Tốc độ lan truyền đến chóng mặt của các clip này đã làm điêu đứng các “khổ chủ”.

Dù You tube (trang web đăng tải các clip) đã tiến hành động tác “xóa” ngay lập tức nhưng các nữ sinh ở Bắc Giang, Hưng Yên và gia đình họ vẫn “nổi tiếng” trước toàn thể cộng đồng cả “ảo” và “thực”. Lỗi này, nên thẳng thắn mà nhìn nhận rằng: Không phải của internet, mà là sự “bồng bột” nhất thời của chính các nạn nhân và sự thiếu hụt của vấn đề giáo dục sức khỏe tình dục trong thời đại internet.

Internet là không gian “kín” hay “mở”

Theo Tổng cục Thống kê, tổng số người sử dụng internet tại Việt Nam tính đến cuối tháng 11-2010 là 27,3 triệu người, chiếm khoảng 31,7% dân số, đứng thứ 17 trong top 20 quốc gia có số người sử dụng internet nhiều nhất. Trong đó, đối tượng thanh thiếu niên sử dụng internet chiếm số đông. Từ năm 2006, đã có 82% thanh thiếu niên Việt Nam sử dụng thành thạo internet. Phần lớn số này nằm trong độ tuổi 15-19. Tỷ lệ đối với nhóm tuổi 20-24 là 74%.

Và internet được thanh niên sử dụng vào vấn đề tình dục như thế nào? Theo nghiên cứu “Ảnh hưởng của internet lên thực hành tình dục trong thanh thiếu niên Hà Nội, Việt Nam” của nhóm tác giả Ngô Đức Anh, M.W.Ros và Eric A. Ratliff (thuộc Viện Chiến lược và chính sách Y tế) cho biết: Giới trẻ sử dụng internet để trao đổi về tình dục vì phương diện này tạo ra một không gián khá kín đáo để họ có thể tìm hiểu và phát triển các kỹ năng thể hiện có lời và không lời, hẹn hò các mối quan hệ thân mật và tình cảm. Và họ cho rằng, qua mạng viêc tán tỉnh bạn gái hay bạn trai có thể thực hiện dễ dàng hơn.

Đó có phải là nguyên nhân mà dịch vụ chat sex qua mạng với sự hỗ trợ của webcam ngày một nhiều hơn? Vì giới trẻ, đặc biệt là các nữ sinh tin rằng: Sex qua mạng hoàn toàn là không gian kín đáo và chuyện phô bày cơ thể (tất nhiên không có mặt) của mình sẽ không ai biết đến.  Internet từ công cụ để người trẻ tìm hiểu giới tính tình dục, bỗng chốc trở thành nguồn lan truyền các clip sex. Chuyện vốn tưởng chỉ có ở không gian ảo, nay bỗng chốc làm khổ chủ không biết giấu mặt đi đâu giữa đời thực.

Tháng 1-2011, nữ sinh Bắc Giang lộ clip sex và ngay lập tức, nhiều người ùn ùn kéo nhau đến cửa hàng quần áo của nữ sinh này chỉ để xem mặt chủ nhân clip bị rò rỉ chứ không phải vì mua hàng. Mới đây, 5-3-2011, clip nữ sinh viên một trường cao đẳng tỉnh Hưng Yên đã làm cho cả gia đình điêu đứng. Nhiều vụ việc khác cho các nữ sinh thấy rằng: Internet không bao giờ là “kín”, nó “mở” với tốc độ chóng mặt mà nếu không hiểu biết sâu sắc thì hậu quả khôn lường.

Vai trò của giáo dục giới tính?

Hiện nay, giáo dục giới tính ở Việt Nam đã bước vào thời kỳ mở với nhiều phương thức: Giáo dục tại trường học, tại các trung tâm tư vấn thanh niên và tại các trang web sức khỏe giới tính. Tuy nhiên, giáo dục giới tính hiện nay đang đứng ở đâu? Một học sinh của Trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội đã viết trên diễn đàn thế này: Dù các bạn trong lớp biết thừa thế nào là kinh nguyệt, là quan hệ nam nữ, về sự rụng trứng nhưng giờ học trên lớp ai cũng chỉ cười ngượng nghịu, qua loa cho xong. Thà là về nhà xem trực tiếp trên mạng cho đỡ ngượng.

Chương trình giáo dục giới tính của chúng ta hiện nay mới chỉ nói về những vấn đề như: Phòng tránh thai tuổi vị thanh niên, các bệnh qua đường tình dục, một vài vấn đề tâm sinh lý… trong khi thực tế lứa tuổi thanh, thiếu niên tò mò hơn thế rất nhiều. Internet với nhiều trang “yêu” dành cho tuổi 18+ đã gây tò mò lớn cho các em. Và sự tò mò không có hướng dẫn đã làm cho nhiều nữ sinh trở thành nạn nhân không đáng có. Các chương trình giáo dục sức khỏe giới tính hiện nay đã có các hướng dẫn học sinh bảo vệ hình ảnh và danh dự cá nhân trước sự đại chúng hóa của interner chưa? Câu trả lời chắc chắn là: Chưa.

Và hiểu biết pháp luật về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo quy định tại Điều 253 Bộ luật Hình sự cũng chưa được người trẻ hiểu thật kỹ càng. Vì vậy giáo dục giới tính để nữ sinh bảo vệ được mình cũng phải song hành với kiến thức pháp luật. 

Truyền thông nên “khắt khe” hơn

Quay trở lại vấn đề các clip sex bị phát tán. Vấn đề ở đây đâu là “nguồn” để các clip sex phát tán nhanh đến vậy? Có phải internet không? “Nguồn” bao giờ cũng là từ con người mà ra. Có clip sex tức là có người thực hiện nó. Vẫn biết đó là vấn đề cá nhân, nhưng truyền thông tham gia vào vấn đề này nên có thái độ “nghiêm khắc” rõ ràng với “khen” và “chê”. Ý kiến từ Nhocngungon tại forum langsinhvien.biz cho rằng: “Không có lửa làm sao có khói, báo chí đưa tin thì các nữ sinh là người bị hại. Nhưng phải xem lại vấn đề, nếu các bạn ấy không buông thả bản thân, không cố tình quay lại chuyện riêng tư thì làm gì có cái gì cho người ta post lên mạng. Muốn trách người tung clip lên mạng, trước tiên phải xem lại bản thân mình”.

Ý kiến khác từ thành viên Iris cho rằng: “Không hiểu sao nhiều bài báo cứ đưa tin cái kiểu khen không ra khen, chê không ra chê trước những chuyện này. Cái gì đáng lên án thì phải lên án, cái gì không hay thì bảo không hay để người khác đừng thấy thế mà bắt chước”. Sự tham gia của truyền thông về những vấn đề này với chính kiến rõ ràng đóng vai trò định hướng rất quan trọng trong xu hướng người trẻ tiếp cận thông tin (từ nguồn chính thống và không chính thống) bằng internet đang ngày một tăng.

Theo Thủy Fan (PL & XH)
TIN LIÊN QUAN