Gỡ khó tiêu thụ nông sản OCOP nhờ chuyển đổi số
Để phát triển bền vững các sản phẩm nông sản trong chương trình mỗi xã/phường một sản phẩm (OCOP), việc ứng dụng công nghệ số được coi là xu thế tất yếu. Điều này không chỉ phù hợp với quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam mà còn chứng minh được khả năng tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ nông sản trong bối cảnh đại dịch.
Chương trình mỗi xã/phường một sản phẩm (OCOP) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau hơn 2 năm thực hiện (từ năm 2018-2020) đã được tổ chức triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước đã đạt được những kết quả nhất đinh, phát huy được nhiều sản phẩm lợi thế của địa phương, vai trò cộng đồng được nâng cao, đồng thời tạo động lực cho khởi nghiệp sáng tạo, cũng như thúc đẩy kinh tế hộ gia đình và kinh tế nông thôn, đặc biệt góp phần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng và giá trị sản phảm nông sản. Nhờ đó, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã dần xây dựng và khẳng định thương hiệu cả ở thị trường trong và ngoài nước như: quả xoài, thanh long, vải thiều, chè, nhãn…
Đến nay, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững cho các sản phẩm nông sản thuộc chương trình OCOP, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số đồng thời phải đối phó với những khó khăn khi tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, rất nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ đã được người nông dân sử dụng.
Đặc biệt, trước những thách thức lớn từ cuộc cách mạng 4.0 và tác động của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh đã được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là giải pháp, là xu hướng tất yếu đẻ nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Quá trình ứng dụng chuyển đổi số để xúc tiến quảng cáo, tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản OCOP được diễn ra khá thuận lợi nhờ có sự vào cuộc phối hợp của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp và cá nhân. Nhờ đó, trong suốt thời gian qua, hàng trăm nghìn tấn nông sản của mỗi đợt thu hoạch vào vụ đã đến được tay người tiêu dùng cả trong và ngoài nước.
Ứng dụng chuyển đổi số để xúc tiến quảng cáo, tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản OCOP.
Từ tháng 1/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành và triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên vì đây là ngành then chốt của nền kinh tế, có rất nhiều các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đang sản xuất kinh doanh. Chương trình hợp tác này sẽ góp phần giải bài toán lâu dài cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến và tiêu thụ, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm OCOP để không còn tình trạng giải cứu trong tương lai.
Chính vì vậy, ngày 08/06 vừa qua, Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), Trung tấn Xúc tiến thương mại và Đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) và Grab Việt Nam đã tổ chức ký biên bản ghi nhớ về thực hiện chương trình hợp tác hỗ trợ chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, có 4 mục tiêu đặt ra trong biên bản ghi nhớ là: Nghiên cứu, xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng số; Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho các nhà sản xuất nông nghiệp và người tiêu dùng; Nâng cao năng lực triển khai chuyển đổi số, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên các nền tảng số cho các nhà sản xuất nông nghiệp; Thúc đẩy các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản đối với các địa phương chịu ảnh hưởng dịch COVID-19. Trong đó, sản phẩm nông sản OCOP được cho là có nhiều kỳ vọng thúc đẩy xúc tiến tiêu thụ do đã có nền tảng tiêu chuẩn chất lượng được xây dựng từ trước đến nay.
Một trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho mặt hàng nông sản OCOP chính là việc thực hiện tổ chức các hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ nông sản thay cho hình thức hội chợ xúc tiến, giới thiệu sản phẩm truyền thống trước đây đã bị hoãn hoặc hủy do thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch bệnh. Thông qua các hội nghị trực tuyến, nông sản OCOP được giới thiệu đến các đối tác cả trong và ngoài nước, các sàn thương mại điện tử quy mô hoạt động toàn cầu, các tổ chức xúc tiến thương mại cũng như các đối tác xuất nhập khẩu lớn cả trong và ngoài nước. Điển hình là ngày 18/5/2021 vừa qua, Bộ Công thương đã phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương và các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu của tỉnh năm 2021.
Hội nghị được kết nối theo hình thức điểm cầu truyền hình thực tuyến với 5 địa phương trong nước với điểm cầu chính tại Hải Dương và 31 điểm cầu chính cùng các điểm cầu liên kết tại 12 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm: Anh, Australia, Bỉ, Đức, Hà Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc.
Không chỉ riêng Hải Dương, nhiều địa phương trên cả nước cũng đang linh hoạt chuyển đổi hình thức xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản OCOP địa phương trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử, trên các kênh thông tin truyền thông đa phương tiện phù hợp với xu thế của thời đại 4.0. Các mặt hàng nông sản từ các vùng nông thôn Việt Nam đang dần bước những bước đi đầu tiên lên các sàn thương mại điện tử lớn cả trong nước và trên thế giới như Alibaba, Lazada, Tiki, Sendo…
Nhờ đó, nông sản OCOP Việt Nam đã vượt qua các rào cản về khoảng cách địa lý, vượt qua những khó khăn do biện pháp phòng tránh dịch bệnh và đến được tay người tiêu dùng. Trong tháng 3/2021, thông qua sàn thương mại điện tử Portmart.vn, bưu điện tỉnh Hải Dương đã hướng dẫn người dân đưa thông tin lên sàn thương mại điện tử, kết nối thu mua nông sản của người dân. Những sản phẩm đưa lên sàn đều là những sản phẩm được chứng nhận đủ tiêu chuẩn OCOP như bắp cải, su hào, súp lơ, cà rốt, hành tỏi, ổi, trứng gà, thịt gà, rau củ…
“Ngày hội livestream đặc sản OCOP Hà Nội”.
Bắc Giang được biết đến là vùng trồng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích gần 50 nghìn ha với nhiều sản phẩm được thị trường trong nước và nước ngoài biết đến, và được mệnh danh là thủ phủ vài thiều Việt Nam, xuất khẩu tới trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới mỗi năm. Đứng trước những khó khăn cho tiêu thụ nông sản trong năm 2021, các cấp lãnh đạo, bộ, ngành liên quan đều xác định hướng đi chuyển đổi số để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tiêu thụ cho nông sản tỉnh bằng cách triển khai kênh phân phối thương mại điện tử và linh hoạt phương pháp giao nhận hàng.
Bên cạnh các giải pháp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản OCOP trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, một hình thức mua bán trực tuyến đang dần được các tổ chức, doanh nghiệp cũng như các cá nhân sử dụng hiện nay đó là giới thiệu sản phẩm và bán hàng với hình thức livetream trên các nền tảng mạng xã hội. Tại Hà Nội, “Ngày hội livestream đặc sản OCOP Hà Nội” là một trong những chương trình tiêu biểu được tổ chức nhằm đưa nông sản OCOP đến với người tiêu dùng trong bối cảnh ứng dụng chuyển đổi số và hạn chế tổ chức các sự kiện đông người theo chỉ đạo phòng chống dịch bệnh.
Tại đây, lần đầu tiên các doanh nghiệp và các chủ cơ sở kinh doanh đã trực tiếp giới thiệu các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sạch, 4 sao của mình thông qua hình thức livestream. Hình thức bán hàng livestream đem lại lợi thế có thể giải thích trực tiếp thắc mắc của khách hàng mà không bị giới hạn về thời gian, khoảng cách. Tuy nhiên việc bán hàng online cũng đòi hỏi người bán phải chú trọng về chất lượng sản phẩm, qua đó có thể phát triển thị trường bền vững thông qua bán hàng online. Đây là giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy quảng bá, giao thương, kết nối tiêu thụ nông sản trực tuyến nhằm gỡ khó cho người nông dân và các cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ cũng như đẩy mạnh chuỗi giá trị sản phẩm nông sản OCOP thông qua chuyển đổi số./.
Thu Hiền