Thương mại điện tử - kích cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP
- Mận Bắc Hà lên sàn thương mại điện tử
- Các sàn thương mại điện tử đẩy mạnh tiêu thụ trực tuyến vải thiều Bắc Giang
- Nền tảng thương mại điện tử Lazada Việt khởi động Lễ hội mua sắm 6/6
- Thương mại điện tử đang định hình lại thị trường bán lẻ Việt Nam
- Bắc Giang: Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử
Bán hàng qua Facebook, Zalo, các sàn giao dịch điện tử không còn là điều mới mẻ trong thời đại công nghệ hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp, chuỗi tiêu thụ nông sản, thực phẩm bị đứt gãy, thương mại điện tử đang là giải pháp nhằm kích cầu tiêu thụ sản phẩm hữu hiệu. Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) được thành phố triển khai với hơn 1.000 sản phẩm đã được chứng nhận cũng không ngoại lệ. Với sự nỗ lực của các chủ thể OCOP và hỗ trợ kịp thời của thành phố, thương mại điện tử đã và đang được ứng dụng trong tiêu thụ các sản phẩm này.
Thích ứng với bán hàng "qua mạng"
Với chiếc điện thoại thông minh, chiếc máy tính có kết nối internet, những nông dân, chủ hợp tác xã hay doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn có thể dễ dàng bán, giới thiệu, tư vấn sản phẩm của mình đến "cộng đồng mạng".
Ông Nguyễn Văn Nội - một hộ trồng nho Hạ đen ở xã Phương Đình (huyện Đan Phượng) cho biết: Gia đình có 6 sào trồng nho đã được thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Một năm, nho có 2 vụ thu hoạch với sản lượng từ 7-8 tạ quả/vụ/sào. Ngoài thương lái đến vườn thu mua, các thành viên trong gia đình còn bán hàng trên mạng xã hội được khá nhiều sản phẩm. Nhờ đó, vườn nho của gia đình được tiêu thụ ổn định ngay cả trong thời điểm dịch bệnh.
Cùng là chủ thể có sản phẩm OCOP được thành phố chứng nhận, chị Lưu Thị Đào, Giám đốc Công ty cổ phần phát triển ong miền núi (quận Thanh Xuân) cũng đã chọn hình thức livestream để bán hàng. Chị Đào cho biết: "Doanh nghiệp thành lập được 17-18 năm, nhưng chủ yếu bán hàng theo kiểu truyền thống. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch, lượng tiêu thụ mật ong ít hơn mọi năm. Lần đầu tiên bán hàng livestream còn bỡ ngỡ nhưng tôi nhận thấy đây là cách bán hàng tiềm năng bởi nó giúp người bán trực tiếp giải đáp thắc mắc của khách hàng, không bị giới hạn về khoảng cách, nên có thể mở rộng được thị trường".
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thư, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm sạch Organic Green (xã Quất Động, huyện Thường Tín) chia sẻ, trước kia, các chương trình quảng bá được doanh nghiệp tiến hành theo hình thức trực tiếp, thậm chí mời các đối tác xuống tận cơ sở sản xuất, chăn nuôi của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do bối cảnh dịch bệnh, việc tiếp cận khách hàng là vô cùng khó. Do đó, các hình thức livestream trực tiếp chia sẻ giá trị sản phẩm, đồng thời tiếp cận hàng nghìn khách hàng trên mạng xã hội thực sự rất có ý nghĩa đối với các chủ thể.
Theo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến hết năm 2020, thành phố có 1.054 sản phẩm OCOP. Trong đó, chiếm số lượng lớn là nhóm ngành nông sản, thực phẩm, đồ uống; hàng thủ công mỹ nghệ... Các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn cũng như được hưởng lợi từ sản phẩm OCOP, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới của thủ đô Hà Nội. Việc thúc đẩy thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh, mà đây là kênh mua sắm hiện đại, phù hợp với người tiêu dùng trẻ hiện nay.
Thương mại điện tử không chỉ là kênh tiêu thụ hiệu quả mà còn giúp quảng bá sản phẩm của các vùng miền, kéo gần khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng, bỏ qua các khâu trung gian nên cắt giảm được chi phí cho cả người bán lẫn người mua.
Tăng cường hỗ trợ các chủ thể
Tuy nhiều lợi ích nhưng để thành công trong thương mại điện tử đối với nông dân, chủ hợp tác xã hay các doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn không dễ. Để bán hàng trên mạng xã hội, đòi hỏi các chủ thể OCOP cần thành thạo công nghệ; có kỹ năng bán hàng, chụp ảnh, viết bài, trả lời trên mạng và điều quan trọng là chữ tín. Đối với sản phẩm OCOP, muốn được bán trên các sàn thương mại điện tử, sản phẩm cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn về chất lượng, kiểm định hàng hóa do các sàn đặt ra.
Nỗ lực tìm kiếm những giải pháp hỗ trợ các chủ thể OCOP tiêu thụ sản phẩm, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội là đơn vị đầu tiên trên địa bàn thành phố có sáng kiến hỗ trợ các chủ thể OCOP bán hàng bằng hình thức livestream.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết: Cuối tuần qua, đơn vị phối hợp với một số cơ quan đã tổ chức "Ngày hội livestream sản phẩm OCOP". Chỉ trong 3 giờ đồng hồ bán hàng trực tiếp tại 2 kênh fanpage: OCOP Live và VTC Now, 62 sản phẩm từ rau an toàn đến thực phẩm đã qua chế biến, sản phẩm sữa, tinh bột nghệ, mật ong... đến từ 10 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình trên địa bàn thành phố đã đến với người tiêu dùng.
"Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường, livestream giới thiệu và quảng bá sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội là giải pháp hữu hiệu đối với doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng", ông Nguyễn Văn Chí nhận định.
Bà Đinh Thị Hải Yến, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm (quận Thanh Xuân) cho biết: "Trước những đứt gãy về cung/cầu do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các chủ thể OCOP công tác truyền thông cũng như lên kịch bản để có thể tương tác tốt nhất với khách hàng. Chúng tôi đã cố gắng, tự tin truyền tải thông điệp, thông tin sản phẩm của mình một cách tốt nhất để kết nối từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng".
Có thể thấy, thương mại điện tử đang mở ra cơ hội để các chủ thể OCOP ứng dụng công nghệ thông tin quảng bá, phát triển sản phẩm OCOP và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, mang lại nhiều thuận lợi, tiện ích và an toàn cho cả người sản xuất và khách hàng.
Theohanoimoi.com.vn