“Gỡ rối” cho các hộ, cá nhân kinh doanh về hóa đơn điện tử

13:00, 24/04/2025

Trong bối cảnh ngành thuế đẩy mạnh chuyển đổi số, việc áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP đặt ra không ít thách thức cho các hộ và cá nhân kinh doanh, từ việc tiếp cận công nghệ đến thay đổi thói quen.

Quy định về hóa đơn, chứng từ theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP là bước quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số

Trong bối cảnh mới của công tác quản lý thuế, cơ quan thuế Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp chuyển đổi số (CĐS) nhằm nâng cao hiệu quả, đơn giản hóa quy trình và tăng tính minh bạch trong hoạt động quản lý thuế.

Cụ thể, 100% hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã được triển khai với xác thực của cơ quan thuế; chữ ký số được áp dụng để nộp báo cáo và thanh toán thuế điện tử. Bên cạnh đó, dữ liệu thuế được xử lý tự động, cơ quan thuế cũng phát triển ứng dụng eTax Mobile phục vụ cho cá nhân và hộ kinh doanh, đồng thời tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan như Bảo hiểm xã hội, Hải quan và hệ thống dữ liệu dân cư.

Những thay đổi này không chỉ thể hiện sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành thuế mà còn kéo theo sự thay đổi đáng kể trong tư duy và cách thức thực hiện công tác kế toán tại doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế đang trở thành động lực thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, minh bạch hóa nền tài chính quốc gia.

Phát biểu tại hội thảo "Quy định về chế độ hóa đơn điện tử với hộ và cá nhân kinh doanh theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP" được Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) phối hợp cùng Công ty CP MISA tổ chức ngày 24/4, thu hút sự tham gia của cơ quan thuế, chuyên gia tài chính - kế toán và gần 2.000 hộ kinh doanh với mục đích cung cấp kiến thức, giải pháp hỗ trợ thực hiện chế độ HDĐT theo quy định của Nghị định 70/2025/NĐ-CP, ông Lê Hồng Quang, Tổng Giám đốc MISA, đã nhấn mạnh việc tuân thủ quy định về hóa đơn, chứng từ theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP là bước quan trọng trong tiến trình CĐS, thúc đẩy kinh tế tư nhân, xây dựng hệ sinh thái kinh doanh minh bạch và chuyên nghiệp hơn.

Ông Lê Hồng Quang: Áp dụng giải pháp HĐĐT tích hợp trên máy tính tiền cũng giúp tăng khả năng mở rộng kinh doanh

Cũng tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA, cũng đã chia sẻ cập nhật mới về chính sách thuế năm 2025 đối với hộ và cá nhân kinh doanh theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP và sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hoá đơn, chứng từ.

Theo đó, Nghị định 70/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/06/2025 quy định việc áp dụng HĐĐT đối với tất cả hộ và cá nhân kinh doanh. Điểm mới đáng chú ý là các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ phải sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế.

Ngoài ra, Nghị định cũng khuyến khích người tiêu dùng yêu cầu hóa đơn qua các chương trình khách hàng thân thiết và dự thưởng, đồng thời quy định rõ thời điểm lập hóa đơn đối với hàng hóa xuất khẩu và các dịch vụ có số lượng lớn.

Các hộ và cá nhân kinh doanh cũng sẽ được khuyến khích thực hiện chế độ kế toán theo Thông tư 88/2021/TT-BTC, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài chính và tuân thủ quy định thuế.

Theo bà Cúc, để tạo thuận lợi cho các hộ, cá nhân kinh doanh trong việc xác định doanh thu, chi phí và nghĩa vụ thuế đối với từng lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, việc áp dụng các giải pháp công nghệ số là hết sức cần thiết.

Để thực hiện tốt các quy định, hộ kinh doanh cần đến sự hỗ trợ từ các giải pháp công nghệ hiện đại

Giải đáp một số tình huống thực tế giúp hộ, cá nhân kinh doanh hiểu và thực hiện đúng nghĩa vụ thuế, bà Lê Thị Yến, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế Hà Nội, chỉ ra rằng nhiều hộ kinh doanh vẫn chưa hiểu rõ quyền và nghĩa vụ thuế, tiếp tục duy trì tâm lý kinh doanh nhỏ lẻ, không xuất hóa đơn và thiếu bộ phận kế toán chuyên trách.

Các hộ kinh doanh cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận phần mềm HĐĐT, đặc biệt ở khu vực nông thôn và với người lớn tuổi. Việc áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP là bước chuyển quan trọng, giúp nâng cao minh bạch và hiệu quả quản lý tài chính, nhưng các hộ kinh doanh cần có sự chuẩn bị hợp tác với đối tác uy tín để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo tuân thủ pháp lý.

Để hỗ trợ hộ và cá nhân kinh doanh tuân thủ các quy định về hóa đơn, chứng từ theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP, ông Lê Hồng Quang, Tổng Giám đốc MISA, đã giới thiệu Bộ giải pháp HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, tích hợp quản lý bán hàng - hóa đơn - kế toán. Bộ giải pháp này được MISA phát triển với mục tiêu quản lý toàn diện hiệu quả, dễ triển khai, tuân thủ đầy đủ quy định về thuế và tối ưu chi phí cho người dùng.

Giải pháp cho phép hộ kinh doanh tự động hóa quy trình phát hành HĐĐT, giảm thiểu sai sót và tiết kiệm thời gian nhập liệu. Phần mềm kết nối trực tiếp với Cục thuế, đảm bảo xuất và truyền hóa đơn đúng hạn, tuân thủ quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái MISA đồng bộ dữ liệu giữa các phần mềm bán hàng và kế toán giúp tối ưu hóa quy trình quản lý tài chính, tự động hạch toán chứng từ và báo cáo thuế. Điểm nổi bật của bộ giải pháp là được MISA phát triển đảm bảo tiêu chỉ dễ sử dụng, đầy đủ tính năng, đáp ứng quy định về pháp luật thuế với mức chi phí tối ưu.

“Việc ứng dụng giải pháp công nghệ để xuất HĐĐT sẽ giúp các hộ và cá nhân kinh doanh chủ động trong giao dịch với khách hàng, mở rộng cơ hội kinh doanh và gia tăng uy tín, sự chuyên nghiệp”, ông Quang khẳng định.

MISA giới thiệu bộ giải pháp HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, tích hợp quản lý bán hàng - hóa đơn - kế toán

Từ góc nhìn của một đơn vị công nghệ, ông Lê Hồng Quang đánh giá rằng việc áp dụng giải pháp HĐĐT tích hợp trên máy tính tiền là một hướng đi hiệu quả - không chỉ phù hợp với xu hướng quốc tế mà còn rất thiết thực tại Việt Nam hiện nay.

Cụ thể, giải pháp giúp chủ động trong giao dịch kinh doanh, hộ kinh doanh có thể phát hành hóa đơn ngay tại thời điểm bán hàng, vừa đảm bảo tuân thủ pháp luật, vừa đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng, đối tác.

Ngoài ra, áp dụng giải pháp HĐĐT tích hợp trên máy tính tiền cũng giúp tăng khả năng mở rộng kinh doanh. Bởi vì, khi có thể cung cấp hóa đơn đầy đủ và minh bạch, hộ kinh doanh sẽ dễ dàng tiếp cận được các doanh nghiệp lớn, các tổ chức yêu cầu khắt khe hơn trong khâu kế toán và kê khai thuế.

Áp dụng hệ thống quản lý bán hàng có tích hợp HĐĐT, các đối tác, ngân hàng cũng sẽ đánh giá rất cao mức độ minh bạch và uy tín của hộ kinh doanh. Theo thống kê, chỉ khoảng 8% doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Nhưng khi các hộ kinh doanh sử dụng phần mềm quản lý bán hàng và hóa đơn điện tử, con số này tăng lên gần 30% - tức là gần 4 - 5 lần so với trước đây.

Trong bối cảnh CĐS toàn diện, việc tuân thủ các quy định mới về quản lý thuế, đặc biệt là quy định liên quan đến HĐĐT, đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với các hộ và cá nhân kinh doanh. Để thực hiện tốt các quy định này, các hộ kinh doanh sẽ cần đến sự hỗ trợ từ các giải pháp công nghệ hiện đại./.