Gốc của cải cách hành chính là thái độ phục vụ của chính quyền

17:08, 18/08/2022

Ngày 18/8, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị “Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính TP Hà Nội năm 2022”.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu chỉ đạo hội nghị. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Dự hội nghị có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn; đại diện Thường trực Ủy ban MTTQ TP; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã.

Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp và được trực tuyến đến 24 điểm cầu sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội.

Thủ tục hành chính ngày càng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện

Báo cáo về công tác cải cách hành chính 7 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 5 tháng cuối năm 2022 của TP Hà Nội, Giám đốc Sở Nội vụ TP Vũ Thu Hà cho biết: Công tác cải cách hành chính của TP đã được cải thiện và nâng cao, chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền TP năm 2021 được duy trì và có sự chuyển biến: Chỉ số PAR-INDEX năm trong 10 địa phương dẫn đầu cả nước (xếp thứ 10/63); Chỉ số SIPAS tăng 3 bậc so với năm 2020, vượt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu đề ra năm 2021 là 86%); chỉ số PAPI tăng 39 bậc so với năm 2020, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố.

Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng khuyến nghị một số giải pháp nâng cao Chỉ số CCHC (PAR-INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2022 của TP Hà Nội.Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng khuyến nghị một số giải pháp nâng cao Chỉ số CCHC (PAR-INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2022 của TP Hà Nội.

UBND TP đã thành lập Tổ Công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR-INDEX và Chỉ số SIPAS của TP do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP làm tổ trưởng để theo dõi, đánh giá những nhiệm vụ trọng tâm, tháo gỡ vướng mắc và đề xuất các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

TP đã đơn giản hóa 26 thủ tục hành chính (TTHC); công bố công khai 3 TTHC, danh mục 500 TTHC, thay thế 33 TTHC, bãi bỏ 476 TTHC; ban hành 10 Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC để các cơ quan, đơn vị phối hợp liên thông, giải quyết TTHC thông suốt, hiệu quả, rút ngắn thời gian, giảm thời gian đi lại của người dân, tổ chức trong thực hiện TTHC.

Đến nay, 100% TTHC được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Hệ thống thông tin Một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến của TP đã thực hiện đồng bộ với Cổng dịch vụ công Quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin theo quy định. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nên đã hạn chế tối đa việc nhũng nhiễu, chậm trễ trong việc giải quyết TTHC, đảm bảo các quy định trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Kết quả giải quyết hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn trên toàn TP là hơn 1 triệu hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,78%.

Toàn TP đã có 156/175 phường (đạt 89,14%) thực hiện ủy quyền cho công chức Tư pháp – Hộ tịch đủ điều kiện tiêu chuẩn. Việc ủy quyền giúp giảm đầu mối, lược bỏ các bước xử lý nội bộ, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, được người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Tại hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng khuyến nghị một số giải pháp nâng cao Chỉ số CCHC (PAR-INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2022 của TP Hà Nội.

Đẩy mạnh phân cấp, uỷ quyền về thủ tục hành chính

Đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác CCHC của TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh đến giải pháp phát huy hiệu quả hoạt động Tổ Công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số PARINDEX, SIPAS giai đoạn 2021-2025 của TP.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kiểm tra CCHC, thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính. Xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa ứng xử; Chủ động tham mưu, đề xuất những sáng kiến, mô hình CCHC mới tạo bước đột phá trong CCHC của Thành phố; kịp thời đề xuất khen thưởng các điển hình tiên tiến trong việc thực hiện các nhiệm vụ được Thành phố, cấp trên giao của các cơ quan, đơn vị.

Về một số giải pháp cụ thể, TP sẽ ban hành Đề án “Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả TTHC hiện đại các cấp của Thành phố Hà Nội” trên cơ sở tích hợp một số nội dung của Đề án 06; Quy chế về việc tiếp nhận, xử lý các góp ý, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, hành vi hành chính tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của TP; chủ động triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong giải quyết TTHC để cải thiện, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp…

Cùng với đó, TP sẽ tập trung đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền. Sở KH-ĐT tham mưu triển khai Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP. Trong đó, tập trung vào công tác ủy quyền, nhất là đối với những nhiệm vụ, TTHC do các Sở, ngành đang thực hiện, trên tinh thần phân cấp, ủy quyền triệt để, phù hợp với việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi của TP.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học tham luận tại hội nghị. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học tham luận tại hội nghị.

Tham luận tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học nhấn mạnh tầm quan trọng công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính; trong đó tập trung tuyên truyền về triển khai Đề án 06 của Chính phủ.

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện công tác thông tin tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và Chương trình 01-CTr/TU của Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”. Đồng thời, phải thường xuyên kiện toàn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, đáp ứng yêu cầu công tác trong quá trình chuyển đổi số…

Tạo sự khác biệt ấn tượng trong công tác tiếp dân

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đánh giá cao việc UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị quy mô lớn về công tác cải cách hành chính. Ghi nhận TP Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực trong 7 tháng đầu năm, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị TP Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, đồng thời thực hiện các giải pháp mà Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn đã nêu ra.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu chỉ đạo hội nghị. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu chỉ đạo hội nghị. 

Đánh giá cao việc TP Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đề nghị thời gian tới TP cần rà soát lại những vấn đề bất cập, tránh chồng chéo trong việc quản lý. Đồng thời, lưu ý trong vấn đề công vụ phải gắn với xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến, cố gắng tạo sự khác biệt ấn tượng trong công tác tiếp dân. Đặc biệt, TP Hà Nội phải là thành phố thông minh, đi đầu trong chuyển đổi số, bởi có điều kiện về cơ sở, về đầu tư vốn và có tư duy mạnh mẽ…

Gốc của cải cách hành chính là thái độ của chính quyền

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, cải cách hành chính là được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP trong thời gian qua, được người dân mong mỏi.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh về yêu cầu, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính đối với người dân và doanh nghiệp Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh về yêu cầu, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính đối với người dân và doanh nghiệp.

Vì vậy, bản chất cải cách hành chính là thái độ của cán bộ, công chức chính quyền với người dân và doanh nghiệp, trên cơ sở thiết kế quy trình giải quyết công việc phù hợp. “Nhưng dù có thiết kế bộ máy phù hợp thế nào, quan trọng vẫn là người ngồi vận hành bộ máy đó và mối quan hệ trong hệ thống” – Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.

Người đứng đầu chính quyền TP đề nghị sau hội nghị này, mỗi đơn vị, địa phương sẽ có kế hoạch riêng để khắc phục những điểm hạn chế đã được chỉ ra, nâng cao công tác cải cách hành chính; lãnh đạo các đơn vị chuyển tải thông điệp tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để tạo nên sự khác biệt tốt về thái độ đối với người dân và doanh nghiệp trên tinh thần tôn trọng, phục vụ.

Thông tin về việc TP đã và đang thành lập các ban chỉ đạo những đề án rất thiết thực (triển khai xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước; triển khai thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP Hà Nội sang tự chủ tài chính…), Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh khẳng định, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo rất đồng bộ, bài bản. Ban Cán sự UBND TP cùng với các Ban Đảng, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã làm tốt các đề án mang tính then chốt đó, sẽ giải phóng được nguồn lực và phát triển.

Theo Báo Kinh tế và Đô thị