Góp ý dự thảo Luật Nhà giáo: Giáo viên không đưa thông tin tiêu cực về học sinh, nhà trường lên mạng xã hội

13:30, 07/05/2025

Giáo viên không đưa thông tin tiêu cực về học sinh, nhà trường lên mạng xã hội - đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến góp ý dự thảo Luật Nhà giáo.

Trong phiên làm việc sáng 6/5 - Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15 - thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) góp ý về những việc không được làm (Điều 11 dự thảo luật).

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc).

Ông đề nghị xem xét, bổ sung quy định nhà giáo không được đưa thông tin, hình ảnh tiêu cực về học sinh, phụ huynh, nhà trường hoặc ngành giáo dục lên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, các mối quan hệ giữa nhà giáo và phụ huynh, học sinh, cùng các mối quan hệ xã hội khác phải có sự tôn trọng tuyệt đối giữa phụ huynh, học sinh và nhà giáo và ngược lại.

luatnhagioa.jpg

Ông Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. Khoản 3, Điều 11 Dự thảo Luật Nhà giáo quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo: Không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định; Đăng tải, phát tán thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin không chính xác về nhà giáo; các việc không được làm khác theo quy định của pháp luật.

Báo cáo trước Quốc hội, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, có ý kiến đồng tình quy định các tổ chức, cá nhân không được lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo nhưng đề nghị cân nhắc quy định không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo để tránh mâu thuẫn với quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật liên quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định này là cần thiết nhằm bảo vệ uy tín, hình ảnh nhà giáo trước việc lạm dụng, suy diễn và phát tán các thông tin khi chưa được kiểm chứng, chưa có ý kiến, kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với những sự việc chưa được thanh tra, kiểm tra, vẫn có thể phản ánh thông tin nếu phát hiện dấu hiệu sai phạm, biểu hiện tiêu cực. Đối với vụ việc đang được tiến hành thanh tra, kiểm tra khi chưa có kết luận của cơ quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, việc công bố thông tin là không được phép, vì có thể ảnh hưởng tới tính khách quan của quá trình thanh tra, kiểm tra.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, quy định này không mâu thuẫn với quyền tiếp cận thông tin, quyền, nghĩa vụ và những hành vi bị cấm trong Luật Báo chí, Luật An toàn thông tin mạng, Bộ luật Dân sự... Vì vậy, xin được giữ quy định như trong dự thảo Luật.

Về quyền của giáo viên (Điều 8, dự thảo Luật Nhà giáo), đại biểu đoàn Vĩnh Phúc đề nghị xem xét bổ sung quy định: nhà giáo có quyền được hỗ trợ sử dụng nền tảng số khoa học liệu mở, công cụ hỗ trợ giảng dạy bằng trí tuệ nhân tạo. Qua đó, giúp nhà giáo có điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu, giảng dạy, giáo dục học sinh, sinh viên và người học đạt kết quả tốt nhất.