Hà Nội áp dụng CNTT vào cải cách hành chính
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, thành phố Hà Nội chủ động tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh ứng phó với dịch Covid-19 và khôi phục đầu tư, sản xuất, kinh doanh (SXKD) sau khi hết dịch.
Thành phố cũng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD để ứng phó với dịch. Đồng thời, tạo động lực để tăng cường thu hút đầu tư, cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng đón thời cơ mới, làn sóng chuyển hướng đầu tư ra ngoài Trung Quốc, từ các quốc gia tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)…
Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội cũng giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì tham mưu, triển khai các giải pháp để duy trì và phát huy kết quả chỉ số Dịch vụ hỗ trợ DN, cải thiện chỉ số Gia nhập thị trường trong bộ chỉ số PCI…
TP. Hà Nội chủ động tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho DN trong bối cảnh ứng phó với dịch Covid-19
Cục Thuế Hà Nội được yêu cầu triển khai tốt các đề án cải cách hành chính (CCHC) và ứng dụng CNTT trong kê khai - nộp - hoàn thuế điện tử, biên lai - hóa đơn điện tử, lệ phí trước bạ điện tử…; Tăng cường tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử trong kinh doanh đúng quy trình; Không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các DN không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho DN tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thành phố Hà Nội cũng đề ra các chỉ tiêu chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 trên địa bàn thành phố như phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh tiếp tục đạt và vượt so với các chỉ tiêu đã đạt được trong năm 2019; Phấn đấu duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Các sở, ngành, quận, huyện, thị xã duy trì công khai, minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng 100% quyết định, chính sách, thủ tục hành chính (TTHC) trên website/trang thông tin điện tử của đơn vị...
Ictvietnam cho biết, Hà Nội cũng phấn đấu giữ vững tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%. Duy trì tỷ lệ DN thực hiện kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đạt trên 98%. 100% hồ sơ hoàn thuế được bảo đảm kiểm tra theo quy định và giải quyết đúng hạn. Thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản duy trì còn 14 ngày. Hà Nội phấn đấu 100% TTHC của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4.
Bên cạnh đó, thành phố cũng phấn đấu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện, nước bằng phương thức không dùng tiền mặt…
Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội cho biết, hiện nay, đơn vị đã xây dựng được 38 dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức 3 và đang trong quá trình chạy thử nghiệm; cung cấp được 16 thủ tục DVC trực tuyến mức độ 3; bảo đảm 100% hồ sơ hành chính được giải quyết đúng hạn và trước hạn quy định. Khi người dân và DN đến giải quyết TTHC tại Sở NN&PTNT đều hài lòng về sự phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức người lao động.
Sở NN&PTNT luôn duy trì tốt ứng dụng CNTT vào các hoạt động quản lý, bảo đảm hiệu quả các công việc. Đồng thời, Sở cũng nâng cấp máy chủ, đường truyền Internet; trang bị đồng bộ một số phần mềm quản lý văn bản. Cùng với đó, Sở đã vận hành, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC bằng phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của thành phố và 16 DVC trực tuyến mức độ 3.
Minh Thùy (T/h)