Hà Nội cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

10:55, 01/10/2024

Ông Lê Hồng Sơn Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, Thành phố cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, tổ chức và nhà khoa học, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học và đổi mới sáng tạo.

Hà Nội cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Sự kiện “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024” (Techconnect and Innovation VietNam 2024) với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững" chính thức khai mạc vào chiều ngày 30/9/2024.

Đây là một trong những hoạt động quan trọng hướng tới chào mừng kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (1959-2024) và 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024).

Phát biểu tại lễ khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định, nhìn lại chặng đường phát triển những năm qua, chúng ta có thể tự hào khi Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong các bảng xếp hạng quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc sự kiện.

Gần đây nhất, Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2024, Việt Nam hiện xếp hạng 44/133 quốc gia, duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp. Trong suốt 10 năm qua, xếp hạng của chúng ta đã tăng hơn 30 bậc, một minh chứng rõ rệt cho sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo Báo cáo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam xếp hạng 67 vào năm 2023, tiến bộ đáng kể so với các năm trước. Đặc biệt, các tiêu chí về sự ổn định vĩ mô và năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam đều được đánh giá cao. Mục tiêu của chúng ta là vào năm 2030, Việt Nam sẽ nằm trong top 50 về GCI và top 40 về GII, góp phần khẳng định vị thế của đất nước trên bản đồ công nghệ thế giới.

Tại sự kiện, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, Hà Nội là địa phương tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước (trong đó có 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia), với hơn 65% nhà khoa học đầu ngành của cả nước đang sinh sống và làm việc. Đây là lợi thế đặc biệt quan trọng để Thủ đô tập trung đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Với việc Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, Thành phố sẽ có cơ sở thuận lợi hơn để tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội. Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đã bổ sung những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, nhằm hỗ trợ Hà Nội phát triển các khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo, và các mô hình kinh doanh công nghệ tiên tiến. Điều này sẽ tạo tiền đề quan trọng để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực.

"Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, tổ chức và nhà khoa học, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo", Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành từ các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các tỉnh, thành phố; các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước có mặt tại sự kiện ngày hôm nay.

Tại bài phát biểu, vị lãnh đạo Thành phố Hà Nội cũng khẳng định Techconnect and Innovation VietNam 2024 sẽ không chỉ là nơi để kết nối các giải pháp công nghệ tiên tiến mà còn là diễn đàn quan trọng để thúc đẩy hợp tác quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực như chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, và phát triển bền vững.

Sự kiện này được kỳ vọng sẽ là cơ hội để tăng cường sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, từ đó tạo ra những giải pháp công nghệ đột phá.

Gần 13.000 người tham dự sự kiện “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024”

Sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 được tổ chức với quy mô quốc gia, gồm các hoạt động chính: 5 diễn đàn kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo (Diễn đàn chính sách quản lý công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Diễn đàn công nghệ ngành Xây dựng; Diễn đàn công nghệ ngành Y tế; Diễn đàn công nghệ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Diễn đàn Xúc tiến đầu tư công nghệ cao); Tọa đàm vai trò của đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp Thủ đô; Trình diễn, giới thiệu các thành tựu công nghệ năm 2024, kết nối cung - cầu công nghệ; Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo địa phương năm 2024. Ban tổ chức cho biết, sự kiện năm nay thu hút 200 gian trình diễn những thành tựu công nghệ mới trong và ngoài nước được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực.

Diễn ra trong hai ngày 30/9-1/10/2024 tại tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội, với quy mô quốc gia, sự kiện bao gồm nhiều hoạt động chuyên sâu về công nghệ và đổi mới sáng tạo; tập trung vào các lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm của xã hội và doanh nghiệp, với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp lớn, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.

Với mục tiêu là sân chơi kết nối công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, sự kiện thu hút gần 3.000 người tham dự trực tiếp và gần 10.000 người tham dự trực tuyến cùng với không gian trình diễn công nghệ quy mô.

Trong tương lai, Techconnect and Innovation VietNam cũng được định hướng để trở thành sự kiện thường niên nhằm tạo không gian cho các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trình diễn, giới thiệu các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến được ứng dụng, chuyển giao, làm chủ.

Đây cũng sẽ là diễn đàn quan trọng để các chuyên gia đầu ngành, các vị lãnh đạo ban ngành trao đổi thảo luận về việc hoàn thiện, thực thi hiệu quả các giải pháp, chính sách mới trong việc kết nối cung-cầu công nghệ, từ đó thúc đẩy ứng dụng, đổi mới, chuyển giao, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó phát triển thị trường khoa học công nghệ.