Hà Nội chỉ đạo các địa phương đảm bảo an toàn cho nhân dân ở mức cao nhất

14:39, 11/09/2024

Hiện nay mực nước sông Hồng đã trên báo động 2 là 40cm, sông Đuống trên báo động 2 là 30cm, sông Cầu trên báo động 3 là 90cm; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố đề nghị các quận, huyện, thị xã dọc các tuyến sông trên tổ chức kiểm tra để có biện pháp ứng phó kịp thời khi lũ dâng cao.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) thành phố Hà Nội thông tin, tại thời điểm 7h ngày 11/9/2024, một số hồ thủy điện trên hệ thống sông Hồng đang vận hành xả lũ. Trong đó, hồ Hoà Bình mở 1 cửa xả đáy, hồ Thác Bà mở 3 cửa xả mặt, hồ Tuyên Quang mở 6 cửa xả đáy, mực nước sông Hồng đang trên mức báo động 2 và có xu hướng tăng.

Mực nước sông Hồng tại Hà Nội là 10,76m (trên báo động 2 là 0,26m); mực nước trên sông Đuống tại Thượng Cát là 10,11 (trên mức báo động 2 là 0,11m). Mực nước trong sông đang ở mức cao, mực nước lũ gây ngập lụt sâu, ngập lụt vùng ven sông, vùng trũng thấp ở một số khu vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nhiều vùng dân sự của địa phương có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân tại một số khu vực thuộc các quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh…

Hà Nội chỉ đạo các địa phương đảm bảo an toàn cho nhân dân ở mức cao nhất ứng phó với mưa, lũ.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây mưa, lũ, tại một số địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra tình trạng ngập úng, cụ thể: Tại lưu vực sông Nhuệ: Hầm chui km9+656, hầm chui 3, 5, 6 Đại lộ Thăng Long; ngã 3 Đại Lộ Thăng Long - Lê Trọng Tấn… Từ thời điểm 5h ngày 11/9, Công ty Thoát nước Hà Nội đã triển khai lực lượng ứng trực, giải quyết thoát nước, tua vớt rác tại các điểm còn úng ngập thuộc lưu vực sông Nhuệ; đồng thời, khai mở đập Thanh Liệt (từ 4h45), vận hành 1.820 máy bơm tiêu hỗ trợ cho sông Nhuệ; dự báo trong thời gian tới, mực nước sông Nhuệ khu vực nội thành sẽ rút nhanh…

Đối với khu vực ngoại thành, theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, tính đến 19h ngày 10/9/2024, tình hình ngập úng gây ảnh hưởng canh tác nông nghiệp của người dân các địa phương là: Diện tích lúa bị đổ là 24.842ha, lúa bị ngập là 2.476ha; rau màu bị ngập, ảnh hưởng là 4.046ha; cây ăn quả bị ảnh hưởng là 3.924ha; thủy sản là 453ha; nhà màng, nhà lưới bị ảnh hưởng là 69.550m2...

Cụ thể, tại huyện Chương Mỹ, mực nước sông Bùi đang trên mức báo động 2, mực nước lũ đã tràn đê Bùi 2 và đê hữu Bùi tại vị trí có cao trình thấp khoảng 10 - 40cm; các khu dân cư trong vùng đê bao bảo vệ bị ngập úng khi nước tràn qua đê và dâng cao như xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ.

Tại huyện Quốc Oai, các tuyến đường bị ngập như cầu Tân Phú, cầu Đại Thành, đường tỉnh lộ 421B; khu vực cầu 72II… tổng số xã bị ảnh hưởng do mưa lũ gây ngập, úng là 555 hộ với 2.471 nhân khẩu tại 5 xã là Cấn Hữu, Phú Cát, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa, Đông Yên. Hiện, Tiểu ban đảm bảo an ninh trật tự và đảm bảo giao thông vẫn đang phân công lực lượng trực, chắn pano khu vực nguy hiểm, phân luồng giao thông, hướng dẫn nhân dân di chuyển an toàn.

Đối với khu vực quận Ba Đình, tính đến 7h ngày 11/9, trên địa bàn hiện còn 45 cây gãy, đổ và 52 cây xanh bị nghiêng. Kể từ 23h ngày 10/9 đến 5h ngày 11/9, nhiều địa bàn các phường có mưa to, sau trận mưa ghi nhận 7 điểm úng ngập tại các phường là Thành Công, Đội Cấn, Cống Vị, Kim Mã, đến 6h sáng nay các điểm ngập úng đã được giải quyết.

Chủ động triển khai công tác khắc phục hậu quả bão, ứng phó mưa, lũ đảm bảo an toàn cho người dân ở mức cao nhất.

Bên cạnh đó, từ 21h ngày 10/9, Sở Chỉ huy tiền phương tại phường Phúc Xá và các lực lượng đã hoàn thành việc sơ tán 1.059 nhân khẩu của 276 hộ, thuộc 6 địa bàn dân cư đến nơi an toàn. Ngoài ra, ngay sau khi có lệnh báo động cấp 2, Sở Chỉ huy tiền phương tại phường Phúc Xá đã tổ chức tuyên truyền trên loa, zalo, loa kéo… yêu cầu các hộ dân chuẩn bị di dời đến nơi tạm trú tại điểm Trung tâm Giáo dục Thường xuyên ở 67 Phó Đức Chính…

Trước diễn biến khó lường của hoàn lưu bão số 3 và mực nước liên tục dâng cao tại các sông, hồ trên địa bàn Thành phố, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và các tổ chức, công tác chỉ đạo ứng phó với bão số 3 đã được Thành phố và các cơ quan, đơn vị triển khai nhanh chóng, quyết liệt. Cụ thể như, UBND Thành phố đã ban hành Công điện số 12/CĐ-UBND ngày 8/9/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 3 và chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố cũng đã ban hành các văn bản về việc đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Tuyên Quang. Cùng đó, chiều ngày 9/9/2024, Thường trực Thành ủy đã họp chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và ứng phó với mưa lớn.

UBND Thành phố đã ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND ngày 9/9/2024 về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố đã ban hành các văn bản số 162/BCH, 163/BCH ngày 10/9/2024 về việc hạn chế vận hành các trạm bơm tiêu vào sông Tích, sông Nhuệ…

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục chủ động triển khai các văn bản, các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với bão theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai; tổ chức trực ban, chủ động, kịp thời triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và ảnh hưởng sau bão…

Hiện nay mực nước sông Hồng đã trên báo động 2 là 40cm, sông Đuống trên Báo động 2 là 30cm, sông Cầu trên báo động 3 là 90cm; Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố đề nghị các quận, huyện, thị xã dọc các tuyến sông trên tổ chức kiểm tra để có biện pháp ứng phó kịp thời khi lũ dâng cao.

Bên cạnh đó, hiện mực nước sông Tích, sông Bùi đã ở trên mức Báo động 3 khoảng 50cm, ảnh hưởng đến các địa bàn huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, đặc biệt là tình trạng ngập úng tại các khu dân cư. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, đặc biệt là việc rút kinh nghiệm đối với các đợt thiên tai trước đây, rà soát kỹ lưỡng các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, sạt lở đất, ngập úng khu dân cư… nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân ở mức cao nhất.