Hà Nội khai trương các hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung
Chiều 9/2, UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ khai trương các hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung thành phố Hà Nội. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì buổi lễ.
Dự buổi lễ tại điểm cầu UBND TP Hà Nội còn có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Nội vụ; Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Hà Nội.
Buổi lễ được tổ chức trực tuyến đến các điểm cầu tại các sở, ngành và 30 UBND quận, huyện, thị xã.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Văn phòng UBND TP và các cơ quan, đơn vị liên quan đã hoàn thành xây dựng các hệ thống thông tin dùng chung thành phố đúng tiến độ đề ra để kịp tổ chức lễ khai trương.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi lễ.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng với quyết tâm cao, cùng với sự đồng hành, hợp tác của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, thành phố Hà Nội đã xây dựng và đưa vào vận hành khai thác sử dụng 4 hệ thống thông tin, ứng dụng quan trọng, cốt lõi.
Cụ thể, 4 hệ thống thông tin, ứng dụng gồm hệ thống thông tin báo cáo thành phố; hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung thành phố; kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo; ứng dụng quản lý cuộc họp tại Ủy ban Nhân dân thành phố. Đây được coi là tiền đề hình thành chính quyền số trong lộ trình thực hiện chiến lược xây dựng Chính phủ điện tử của thành phố.
Hệ thống thông tin dùng chung thành phố hướng tới mục tiêu là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính quyền thành phố được kịp thời, thống nhất, xuyên suốt; đảm bảo công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả dựa trên cơ sở dữ liệu và công nghệ số; đảm bảo tính đồng bộ, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan đơn vị trong nội bộ thành phố cũng như việc kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành trung ương.
Đặc biệt, hệ thống thông tin dùng chung thành phố là nền tảng cốt lõi để xây dựng nền hành chính Thủ đô hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm phục vụ; gắn kết ứng dụng số với cải cách hành chính, chuyển đổi số; đồng thời góp phần hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung thành phố, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền; khắc phục tình trạng mỗi cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng một hệ thống riêng, thiếu sự kết nối, chia sẻ dữ liệu; gây lãng phí thời gian, chi phí đầu tư và vận hành hệ thống.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh với quyết tâm sớm đưa vào vận hành các Hệ thống thông tin dùng chung đã thể hiện rõ quyết tâm của thành phố trong việc thực hiện “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ; đồng thời tạo ra những thay đổi đột phá trong công tác cải cách hành chính, đảm bảo hoạt động của chính quyền thành phố công khai minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; với mục tiêu phục vụ tốt nhất hoạt động của người dân và doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, để các Hệ thống thông tin dùng chung hoạt động hiệu quả, đáp ứng đúng kỳ vọng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng rất cần có sự phối hợp, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương trong việc kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu.
Song song với đó, Văn phòng UBND TP cần thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành các Hệ thống thông tin dùng chung đảm bảo hoạt động thông suốt, ổn định.
Lãnh đạo TP Hà Nội và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương.
Tại buổi lễ, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng đã công bố Quyết định về việc thành lập Tổ công tác rà soát, đôn đốc công tác giải quyết thủ tục hành chính các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố và các nhiệm vụ UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố giao.
Báo cáo của UBND TP Hà Nội về kết quả triển khai thí điểm các hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung thành phố Hà Nội cho thấy, đối với hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố, tính đến ngày 18/1 vừa qua, đã có 633 cơ quan, đơn vị (23 sở, ban, ngành; 30 quận huyện và 579 xã, phường, thị trấn) tham gia triển khai hệ thống. Số lượng văn bản được cập nhật lên hệ thống 96.240 văn bản (bao gồm văn bản đến, văn bản phát hành); số lượng văn bản điện tử được giao dịch thông qua hệ thống là 12.492 văn bản.
Đối với Hệ thống thông tin báo cáo thành phố, tính đến ngày 18/1 vừa qua, đã có 633 cơ quan, đơn vị tham gia triển khai; hình thành 2 kho dữ liệu, chia sẻ dùng chung gồm kho biểu mẫu với 134 biểu mẫu; kho chỉ tiêu mẫu với 2.136 chỉ tiêu phục vụ việc “chủ động thiết kế báo cáo” của mỗi đơn vị trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; tổ chức kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu về 8 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội thành phố với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Bên cạnh đó, Văn phòng UBND TP đã ban hành kế hoạch triển khai xây dựng kênh thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính của người dân, doanh nghiệp trên ứng dụng Zalo.
Thông qua ứng dụng Zalo, người dân, doanh nghiệp có thể “dễ dàng thực hiện góp ý, phản ánh, kiến nghị” về những vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố một cách thuận tiện, nhanh chóng, kịp thời, phấn đấu nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước thành phố tối thiểu từ 5-7% từng năm.
Đáng chú ý, sau 4 tháng triển khai, đưa phần mềm Quản lý cuộc họp phục vụ các cuộc họp của Ban cán sự đảng, tập thể UBND TP nhằm đổi mới phương thức làm việc tại các cuộc họp từ việc chủ yếu dựa trên văn bản giấy sang phương thức làm việc trên môi trường mạng, sử dụng văn bản điện tử, qua đó tiết kiệm thời gian, giảm giấy tờ, giảm chi phí và nâng cao chất lượng các cuộc họp.
Báo cáo của UBND TP Hà Nội cũng cho thấy việc ứng dụng và đẩy mạnh phát triển các hệ thống công nghệ thông tin hiện nay của thành phố đã từng bước thay đổi thói quen và lề lối làm việc truyền thống, chuyển sang phong cách làm việc hiện đại thông qua sử dụng hệ thống công nghệ thông tin, chuyển đổi số và nhiều ứng dụng dùng chung phục vụ công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành và văn thư, lưu trữ.
Đây là bước đi quan trọng cụ thể hóa những chủ trương lớn thúc đẩy Chính phủ điện tử, Chính phủ số, công dân số, kinh tế số, để Hà Nội xứng tầm với vai trò, vị thế là Thủ đô của cả nước, sánh ngang với các thành phố khác trong khu vực và trên thế giới.
Bảo Ngọc (T/h)