Hà Nội: Tiên phong thử nghiệm mô hình giáo dục tiên tiến
Sáng 3/8, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội tổ chức Hội nghị nghiên cứu, học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
- 5 lợi ích chuyển đổi mang lại cho ngành Giáo dục & Đào tạo
- Chuyển đổi số trong giáo dục: Công nghệ là giải pháp, con người là đích đến
- Startup giáo dục Việt nhận 2,4 triệu USD
- Chuyển đổi số Giáo dục: Cú hích thúc đẩy đào tạo trực tuyến và cơ hội kinh doanh giáo dục số tại thị trường Việt nam
- Khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ra mắt Trung tâm Công nghệ và Giải pháp chuyển đổi số trong giáo dục
- Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục
Truyền đạt về những điểm chính trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Nghị quyết gồm 4 quan điểm, 2 mục tiêu lớn đối với từng giai đoạn với nhiều điểm mới để lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đặc biệt, điểm mới nổi bật của nghị quyết là phần tổ chức thực hiện rất cụ thể, chi tiết. Phân công rõ người, rõ việc, làm căn cứ thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết và tổng kết.
Trong quá trình truyền đạt, Phó Bí thư Thành ủy đã đi sâu làm rõ những nhiệm vụ, giải pháp liên quan trực tiếp đến Đảng bộ Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và các trường trong Khối. Nổi bật là giải pháp về phát triển kinh tế, trong đó nghị quyết xác định phải đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Phát triển các thị trường tài chính, tiền tệ; thị trường chứng khoán; thị trường bất động sản; thị trường khoa học và công nghệ; thị trường lao động.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong tới dự và truyền đạt nội dung nghị quyết. Tham dự có Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai.
Phó Bí thư Thành ủy cho rằng, các trường đại học, cao đẳng trong Khối có vai trò rất lớn tham gia phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Để thực hiện, các trường cần mạnh dạn phát triển các doanh nghiệp khoa học, công nghệ trực thuộc. Hiện nay, mô hình này phát triển rất chậm, mới chỉ được triển khai ở số ít trường. “Đây là vấn đề tôi đã đề cập từ Đại hội Đảng bộ Khối và đề nghị Đảng ủy Khối nên có một đề án cụ thể để triển khai, nhưng đến nay chưa có kết quả. Nếu một doanh nghiệp ra đời từ trường đại học, cao đẳng mà thành công sẽ có sức lan tỏa, dẫn dắt rất lớn. Tôi đề nghị Đảng ủy Khối phải quyết liệt triển khai, cấp ủy, ban giám hiệu, hội đồng các trường phải mạnh dạn thực hiện” - Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thành ủy cũng đề nghị các trường đại học, cao đẳng trong Khối tích cực, chủ động đưa giáo dục sáng tạo vào trong chương trình giảng dạy. Tới đây, Thành ủy Hà Nội cũng sẽ xem xét và có thể ban hành một nghị quyết chuyên đề về giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo toàn diện với mục tiêu xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Trong đó, TP dự kiến triển khai xây dựng 7 trường liên cấp với quy mô trung bình mỗi trường 5-7ha ở vị trí trung tâm đạt tiêu chuẩn ngang với các nước TOP 4 ASEAN. Thành phố cũng sẽ đi tiên phong thử nghiệm và áp dụng các mô hình GD&ĐT tiên tiến.
Phó Bí thư Thành ủy đề nghị, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và trực tiếp là các trường trực thuộc Khối chủ động, tích cực tham gia đóng góp cùng TP thực hiện thành công các mục tiêu, định hướng và các nhiệm vụ, giải pháp trên. Khơi dậy khát vọng phát triển trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, giảng viên, học sinh, sinh viên và bằng tình cảm, trách nhiệm xây dựng Hà Nội thực sự là nơi đáng sống, đáng tự hào.
Thùy Dung (T/h)