Hà Nội: Từng bước chuyển sang khách hàng sử dụng điện thông minh
Thành phố Hà Nội sẽ lắp đặt, thay thế công tơ điện tử cho 100% khách hàng sử dụng điện trên địa bàn để từng bước chuyển từ khách hàng sử dụng điện truyền thống sang khách hàng sử dụng điện thông minh.
UBND thành phố Hà Nội vừa lên kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022.
Theo đó, UBND thành phố xác định, mục tiêu chung là đảm bảo ổn định cung ứng điện, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, nâng cao hiệu quả kinh tế chung của hệ thống điện gắn với phát triển bền vững ngành điện, ngành năng lượng.
UBND thành phố Hà Nội cũng đề ra mục tiêu phấn đấu giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện Thành phố khoảng 80MW (tương đương tỷ lệ 1,6% công suất cực đại của hệ thống điện) thông qua triển khai đồng bộ Chương, trình điều chỉnh phụ tải điện (Demand Response - DR) và vận hành ổn định các hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà, các hệ thống tích hợp lưu trữ năng lượng. 100% khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm, khách hàng sử dụng điện lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội được tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích và sự cần thiết phải quản lý nhu cầu điện để khách hàng tự nguyện đăng ký tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải điện.
Hà Nội khuyến khích khách hàng sử dụng điện thông minh.
Cùng với đó, Thành phố sẽ lắp đặt, thay thế công tơ điện tử cho 100% khách hàng sử dụng điện trên địa bàn để từng bước chuyển từ khách hàng sử dụng điện truyền thống sang khách hàng sử dụng điện thông minh. Phấn đấu giảm chỉ số thời gian mất điện bình quân lưới điện trung áp đạt dưới 165 phút và tỷ lệ tốn thất điện năng duy trì dưới 3,6%; đồng thời, thực hiện lồng ghép với các Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kế hoạch tiết kiệm điện nhằm đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,3% - 1,7% so với mức năng lượng dự báo nhu cầu; đạt mức tiết kiệm tối thiếu 2,2% tống điện năng tiêu thụ cho các khu vực tiêu dùng, sử dụng điện trên địa bàn.
UBND thành phố Hà Nội cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện; trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, giáo dục cộng đồng, giáo dục trong các cơ sở đào tạo về nội dung, lợi ích của việc thực hiện Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện trên địa bàn Thành phố; đồng thời, sử dụng đồng bộ các phương tiện thông tin, truyền thông phù hợp để tăng cường nhận thức cho người dân, khách hàng sử dụng điện; đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, đặc biệt cho các bộ phận, các đơn vị quản lý, triển khai Chương trình quốc gia về về quản lý nhu cầu điện (DSM)...
Bên cạnh đó, ngành điện lực tiếp tục triển khai lắp mới và thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử; lập cơ sở dữ liệu đo đếm hàng ngày của nhiều loại hình khách hàng từ dân dụng đến công nghiệp, dịch vụ đáp ứng yêu cầu phân tích, nghiên cứu phụ tải, dự báo phụ tải cũng như việc quản lý nhu cầu điện được chính xác và kịp thời...
Để đẩy nhanh thực hiện các giải pháp về chính sách, UBND thành phố sẽ đề xuất với cấp thẩm quyền cho phép thành phố Hà Nội nghiên cứu, áp dụng cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà phù hơp với điều kiện thực tế trên địa bàn.
Cùng với đó, rà soát, điều chỉnh, đổi mới cơ chế tài chính theo hướng khuyến khích, thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư nhằm phát triển thị trường năng lượng đông bộ, liên thông, hiện đại, hiệu quả phù hợp với định hướng của Nhà nước; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật trên địa bàn Thành phố.
Khôi Nguyên (T/h)