Hai thay đổi căn bản của dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

07:53, 16/04/2025

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thay đổi căn bản của dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Đầu tiên là tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu; thứ hai là tạo ra đầu ra, tạo tác động cho sự phát triển kinh tế.

Chiều 15/4, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các viện, trường đại học (ĐH), doanh nghiệp (DN), chuyên gia, nhà khoa học góp ý cho dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).

Mục tiêu của hội thảo là lắng nghe từ thực tiễn, tiếp thu trí tuệ tập thể để hoàn thiện dự thảo luật quan trọng này, đảm bảo luật khi được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy mạnh mẽ KH,CN&ĐMST thực sự thành động lực chính cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nư

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì hội thảo với sự tham dự của hơn 50 đại biểu.

Một số điểm mới từ dự thảo Luật KH,CN&ĐMST 2025

Dự thảo Luật KH,CN&ĐMST gồm 8 chương và 95 điều (tăng 14 điều so với Luật KH&CN năm 2013 do bổ sung nội dung ĐMST và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành.

Dự thảo Luật có sửa đổi lớn đối với 26 điều, bổ sung 23 điều, bám sát các nội dung chính sách tại Nghị quyết 118/NQ-CP ngày 3/8/2024 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy trao đổi một số nội dung của dự thảo Luật.

Dự thảo luật KH,CN&ĐMST có các nội dung được sửa đổi chính như:

Giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu: Luật 2013 quy định phải làm thủ tục chuyển giao, Nhà nước giữ sở hữu nếu không có thỏa thuận khác. Dự thảo luật KH,CN&ĐMST giao tự động, không bồi hoàn, không qua định giá, không tính tài sản nhà nước.

Miễn áp dụng đấu thầu với phần kinh phí khoán: Luật 2013 không quy định, dự thảo luật mới quy định không áp dụng luật đấu thầu với phần được khoán chi.

Miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho thu nhập KH&CN: Luật 2013 không miễn cho thu nhập từ khởi nghiệp sáng tạo, dự thảo luật mới quy định miễn thuế cho thu nhập từ hoạt động ĐMST, khởi nghiệp, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN).

Ưu đãi DN đầu tư cho ĐMST: Luật 2013 chỉ có ưu đãi chung, dự thảo luật mới ưu đãi đặc biệt về thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, đất đai, tài chính cho DN ĐMST.

Thành lập Quỹ ĐMST, Quỹ đầu tư mạo hiểm nhà nước: Luật 2013 chưa có quy định, dự thảo luật mới cho phép lập Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia và sàn giao dịch khởi nghiệp sáng tạo.

Bên cạnh đó, các nội dung chính khác cũng được sửa đổi gồm: Giải mã công nghệ nước ngoài; Thu hút chuyên gia nước ngoài, nhà đầu tư; Bổ sung rõ định nghĩa “đổi mới sáng tạo”; Chính sách sandbox, cơ chế thử nghiệm đặc thù; Mở rộng phạm vi áp dụng luật cho cả tổ chức ngoài lãnh thổ Việt Nam; Chính sách đãi ngộ đặc biệt cho nhân tài KH,CN&ĐMST; Ưu đãi đặc biệt cho nhà khoa học đầu ngành; DN được loại trừ chi phí R&D khi đánh giá hiệu quả tài chính; Chính sách thành lập tổ chức KH,CN&ĐMST đa loại hình; Cơ chế công nhận DN ĐMST và chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp; Bổ sung cơ chế đặc biệt cho nhiệm vụ KH,CN&ĐMST quy mô lớn; Cơ chế xét chọn cụm nhiệm vụ, chuỗi nhiệm vụ;

Tổ chức chủ động xây dựng nhiệm vụ KH,CN&ĐMST cấp cơ sở; Thương mại hoá và phân chia lợi nhuận nhiệm vụ nghiên cứu; Chấp nhận rủi ro trong nhiệm vụ KH,CN&ĐMST; Cơ chế sandbox - thử nghiệm có kiểm soát; Cơ chế đặc biệt học hỏi, giải mã công nghệ nước ngoài; Phát triển hệ sinh thái ĐMST quốc gia; Chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động KH,CN&ĐMST; Đánh giá, đo lường chương trình và tổ chức KH,CN&ĐMST; Thúc đẩy thị trường KH,CN&ĐMST; Cơ chế ứng dụng và nhân rộng kết quả KH,CN vào thực tiễn; Chính sách phổ biến, truyền thông và giáo dục KH,CN&ĐMST; Hợp tác quốc tế về KH,CN&ĐMST; Ưu đãi đầu tư công nghệ cao và công nghệ mới nổi; Sửa đổi, bổ sung nhiều luật liên quan để đồng bộ thể chế.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến cho tên gọi và khái niệm của LuậtTheo đó, tên gọi và các khái niệm nền tảng cần bao quát, phù hợp với xu hướng quốc tế và tinh thần Nghị quyết 57, nhấn mạnh vai trò của ĐMST và CĐS.

Khái niệm ĐMST được đề xuất đơn giản hóa là: “ĐMST là quá trình tạo ra hoặc cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, quy trình quản lý dựa trên công nghệ tạo ra những giá trị mới”.

Các đại biểu cũng góp ý kiến về các khái niệm khác như “Tổ chức KHCN”, tổng công trình sư, đề xuất bổ sung các khái niệm CĐS, dữ liệu lớn, cách mạng dữ liệu, công nghệ chiến lược, sáng tạo mở, đồng sáng tạo, thị trường KHCN…

Dự thảo cũng cần xác định rõ vai trò và mối liên kết giữa các chủ thể trong hệ sinh thái ĐMST, tạo cơ chế đột phá để thúc đẩy hợp tác và thương mại hóa. Đồng thời cần có cơ chế tài chính đủ mạnh, đột phá, linh hoạt để huy động nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ chiến lược để ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp...

Về cơ chế thử nghiệm (sandbox), cần mở rộng danh mục ưu tiên (AI, Fintech, GovTech, EdTech) và lộ trình chuyển tiếp sau thử nghiệm thành công.

Về thương mại hóa kết quả nghiên cứu, các đại biểu góp ý, cần tháo gỡ vướng mắc trong ứng dụng, chuyển giao, thương mại hóa tại cơ sở giáo dục ĐH công lập, đặc biệt về thành lập DN KHCN; Cần có cơ chế gắn kết lợi ích giữa cơ sở giáo dục ĐH và DN, khuyến khích mô hình ĐH khởi nghiệp (entrepreneurial university)…

Tạo thuận lợi cho nghiên cứu KH,CN, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng đời sống của người dân

Trước các ý kiến trao đổi của các đại biểu tham dự hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thay đổi căn bản của dự thảo luật lần này tập trung vào hai điểm quan trọng: Đầu tiên là tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu KH,CN và thứ hai là tạo ra đầu ra, tạo tác động cho sự phát triển kinh tế.

Theo Bộ trưởng, có thể nói dự thảo luật lần này có một tuyên ngôn cho hoạt động KH,CN là KH,CN&ĐMST phải phục vụ nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Tất cả các quốc gia hiện nay đều đã nhận thấy ĐMST có vai trò quan trọng.

Việc dự thảo luật được sửa tên, bên cạnh KH,CN có thêm ĐMST để nhấn mạnh về ứng dụng của KH,CN. Theo Bộ trưởng, tất cả các quốc gia hiện nay đều đã nhận thấy ĐMST có vai trò quan trọng. Ngành KH&CN nhận nhiệm vụ với Đảng, Nhà nước là sẽ đóng góp tác động vào một nửa GDP của đất nước, trong đó 60% một nửa GDP là từ ĐMST.

Trong ĐMST có điểm quan trọng là đổi mới công nghệ, hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động đổi mới công nghệ. Còn CĐS sẽ đóng góp 25%. Điều này có nghĩa là KH,CN cần phải được thúc đẩy đi vào cuộc sống, tạo ra giá trị, làm những việc lớn cho đất nước.

Bộ trưởng cho biết với nhiều ý kiến góp ý tại hội hội thảo, Bộ KH&CN sẽ tiếp thu để điều chỉnh, hoàn thiện và cách thể hiện các nội dung của dự thảo luật phải được diễn đạt dễ hiểu hơn để mỗi người đọc luật có thể hiểu giống nhau và dễ thực thi, cũng như cân bằng giữa việc quản lý đầu ra và đầu vào.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý để tránh mỗi luật chuyên ngành lại ra một điều hay một chương về “sandbox” thì Nhà nước cần ra một nguyên tắc về sandbox. Dự thảo luật KH,CN&ĐMST dự kiến sẽ bao hàm nội dung này.

Theo đó, Chính phủ có thể ban hành quy định về sandbox. Việc này để thống nhất cách làm trong toàn quốc về sandbox và có thể gọi đây là nguyên tắc làm sandbox của Việt Nam./.