Hành trình 10 năm của CLB phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA)
Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (Vietnam Free & Open Source Software Association - viết tắt là VFOSSA) là tổ chức được sáng lập bởi các cá nhân và tổ chức đại diện cho các cộng đồng Phần mềm Tự do Nguồn mở (PMTDNM) trên cả nước nhằm thúc đẩy phần mềm tự do nguồn mở ở Việt Nam. Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập VFOSSA, hãy cùng Tạp chí Tin học & Đời sống tổng kết chặng đường 10 năm mà CLB này đã cống hiến cho nền công nghệ thông tin nước nhà.
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long
- Phải đột phá tư duy, đẩy mạnh phân cấp để đất nước có 5.000 km cao tốc
- TP.HCM dự kiến sẽ có 8 tuyến tàu điện ngầm trong nội đô
- Hội thảo quốc tế về Xử lí Ngôn ngữ và Tiếng nói Tiếng Việt lần thứ 8
- 63 tỉnh, thành cho học sinh trở lại trường ngay sau nghỉ tết
Sự kiện Sofware Freedom Day 2015 do VFOSSA tổ chức.
Tổ chức đại hội thành lập vào ngày 14/1/2012 tại Viện Tin học Pháp ngữ, ban đầu VFOSSA chỉ có 7 hội viên tập thể và một vài hội viên cá nhân, sau 10 năm với nhiều thay đổi, hiện nay VFOSSA có 64 hội viên tập thể trên toàn quốc bao gồm các câu lạc bộ, viện, trường & doanh nghiệp công nghệ thông tin. VFOSSA là hội viên tập thể của Hội tin học Việt Nam ngay từ những ngày đầu thành lập.
Các hoạt động thúc đẩy phong trào nghiên cứu phần mềm nguồn mở trong giới sinh viên
VFOSSA kể từ khi được thành lập đã trở thành tổ chức lãnh đạo và dẫn dắt nhiều phong trào và hoạt động của giới phần mềm nguồn mở tại Việt Nam thông qua các hoạt động như hội thảo, các buổi đào tạo miễn phí và các chương trình tuyên truyền quảng bá phần mềm nguồn mở tại các trường đại học khắp toàn quốc.
Hoạt động FlashMob trong khuôn khổ sự kiện SFD 2014 do VFOSSA tổ chức cho sinh viên.
Một trong các hoạt động lớn có thể kể đến như Ngày tự do cho phần mềm (Sofware Freedom Day - SFD) hay còn gọi là Ngày hội phần mềm tự do nguồn mở. Đây là sự kiện thường niên của cộng đồng phần mềm tự do nguồn mở (tổ chức vào thứ Bảy tuần thứ 3 của tháng 9 hàng năm) nhằm mục đích biểu dương sức mạnh của cộng đồng, tôn vinh giá trị của phần mềm tự do nguồn mở; tổ chức các buổi huấn luyện, cài đặt, trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm sử dụng và phát triển phần mềm tự do nguồn mở… dưới nhiều hình thức phong phú. Tại Việt Nam, sự kiện SFD đã được VFOSSA hưởng ứng từ những ngày đầu và tổ chức đầy đủ tất cả các năm cùng với cộng đồng nguồn mở thế giới. Có kỳ SFD lượng người tham gia lên đến 700-800 người gồm cả giới sinh viên công nghệ, những người yêu công nghệ thông tin và các doanh nghiệp phần mềm.
Sự kiện SFD 2017 với chủ đề: Cơ hội việc làm và khởi nghiệp với phần mềm tự do nguồn mở.
VFOSSA là đơn vị được Hội tin học Việt Nam giao chủ trì nhiều cuộc thi như Mùa hè sáng tạo sinh viên viết phần mềm nguồn mở & nội dung thi phần mềm nguồn mở của Olympic tin học sinh viên Việt Nam hàng năm. Các sự kiện này giúp lan tỏa phong trào sinh viên nghiên cứu và tham gia phát triển phần mềm nguồn mở, đồng thời giúp các em sinh viên làm quen và hoàn thiện các kỹ năng căn bản trong việc khai thác, phát triển phần mềm thông qua các thư viện mã nguồn mở.
Đại diện VFOSSA trao thưởng cho các đội đạt giải tại hạng mục phần mềm nguồn mở - Olympic tin học sinh viên toàn quốc năm 2020.
Kết nối và xúc tiến giao thương, hợp tác giữa các doanh nghiệp làm phần mềm nguồn mở
Suốt 10 năm hoạt động, từ chỗ là sân chơi thuần túy về về công nghệ, VFOSSA đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối các doanh nghiệp phần mềm nguồn mở với các hoạt động chung của giới công nghệ thông tin nước nhà. Một trong những hoạt động mà VFOSSA tham gia tích cực nhất là Hội thảo hợp tác phát triển Công nghệ thông tin do Hội tin học Việt Nam chủ trì tổ chức thường niên, được UBND các tỉnh thành luân phiên đăng cai.
Các doanh nghiệp VFOSSA tham gia giao lưu tại Quảng Bình trong sự kiện ICT Caravan do Hội tin học Việt Nam tổ chức.
VFOSSA cũng xây dựng nhiều chương trình kết nối giao thương giữa các hội viên, tiêu biểu là các chương trình giới thiệu sản phẩm/ dịch vụ công nghệ thông tin của các hội viên dưới nhiều hình thức: Hội thảo, các chương trình kết nối giao thương, danh bạ sản phẩm/ dịch vụ phần mềm nguồn mở, bảo trợ các sản phẩm phần mềm nguồn mở do các hội viên phát triển như OpenCPS hay các cộng đồng phần mềm nguồn mở như NukeViet hoặc các liên minh cung cấp giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin dựa trên phần mềm nguồn mở như liên minh Co-Meet… và bước đầu tạo ra những kết quả đáng khích lệ.
Chương trình kết nối giao thương các doanh nghiệp hội viên VFOSSA tổ chức vào SFD 2019.
Thúc đẩy ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở trong khối chính phủ
Kể từ khi được thành lập, Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam đã trở thành đơn vị đắc lực giúp các cơ quan, tổ chức nhà nước trong việc tư vấn và phản biện các chính sách về công nghệ thông tin nói chung và phần mềm tự do nguồn mở. Nhờ đó, chủ trương sử dụng nguồn mở đã được khẳng định trong các văn bản như Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 26 của Chính phủ cũng như nhiều nghị định, thông tư trong đó có Thông tư 20/2014/TT-BTTTT của Bộ TT&TT quy định về các sản phẩm PMNM được ưu tiên đầu tư, mua sắm, sử dụng trong cơ quan nhà nước.
Trong việc hỗ trợ tăng cường nhận thức về vai trò và ý nghĩa của phần mềm tự do nguồn mở, VFOSSA đã đồng tổ chức nhiều sự kiện và hội thảo trong đó có gần 10 sự kiện phối hợp với Vụ CNTT - Bộ TT&TT và Cục tin học hóa - Bộ TT&TT như chuỗi các Hội thảo quốc gia về Công nghệ thông tin, Hội thảo ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở trong các cơ quan tổ chức nhà nước, Hội thảo Phát triển phần mềm nguồn mở Việt Nam, và gần đây là Vietnam Open Summit.
Còn đó các nhiệm vụ đang chờ đợi...
Trong 10 năm hình thành và phát triển của VFOSSA, nhận thức của doanh nghiệp đối với phần mềm nguồn mở ngày nay nói chung đã có thay đổi vượt bậc so với trước đây. Nhưng trái với khối doanh nghiệp, việc thúc đẩy ứng dụng phần mềm nguồn mở trong cơ quan, tổ chức nhà nước gần như không đáng kể. Điều này thể hiện ở kết quả tỷ lệ ứng dụng phần mềm nguồn mở trong các cơ quan nhà nước còn thấp. Các dự án mời thầu hầu như chỉ định mua sắm các phần mềm nguồn đóng và gần như cô lập phần mềm nguồn mở. Việc phát triển các phần mềm nội bộ dưới dạng phần mềm nguồn mở tưởng chừng chỉ là câu chuyện thay đổi nhận thức với các cơ quan nhà nước nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. 100% các dự án phần mềm nội bộ đều được các cơ quan này lựa chọn phát triển theo dạng phần mềm nguồn đóng.
Việc thuyết phục các nhà làm chính sách ban hành những chính sách quyết liệt hơn nhằm tận dụng những lợi thế của việc phát triển phần mềm sử dụng ngân sách nhà nước theo phương pháp và giấy phép phần mềm nguồn mở sốt 10 năm qua chưa thành hiện thực. Trong khi đó, những giải pháp “mềm” hơn, ví dụ việc xây dựng thông tư về định mức triển khai phần mềm nguồn mở của cơ quan quản lý nhà nước chưa kịp ban hành đã trở nên lỗi thời trước yêu cầu của thực tế.
Những thách thức ở trên đều là những vấn đề nổi cộm đòi hỏi VFOSSA phải giải quyết. Trong bối cảnh thế giới đã đạt những thành tựu rực rỡ về công nghệ mở, dữ liệu mở, tài nguyên giáo dục mở… càng đòi hỏi VFOSSA phải có những sự trưởng thành và lớn mạnh hơn để đưa những xu hướng này hội nhập Việt Nam nhanh hơn, đáp ứng yêu cầu của thời cuộc.
Thế Hùng