Hậu Crimea: Cuộc “đối đầu” Đông - Tây

06:25, 05/04/2014

Theo Pravda, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang nỗ lực thuyết phục Quốc vương Saudi Arabia tham gia các hoạt động điều phối trên thị trường dầu mỏ để giảm giá dầu, nhằm làm suy yếu nền kinh tế của Nga, vốn phụ thuộc cao vào nguồn lợi từ dầu mỏ.

Saudi Arabia, “thế cờ” chủ lực của Mỹ?

Trước chuyến thăm của ông Obama tới Saudi Arabia, giới truyền thông Mỹ đã từng thảo luận để lựa chọn cách trừng phạt Nga do những “hành động ở Crimea”. Lựa chọn đầu tiên được đưa ra là của trùm tài phiệt George Soros. Theo đó, Mỹ cần trích xuất từ nguồn dầu dữ trữ để bán ra thị trường khoảng 500-700 triệu thùng, nhằm đẩy giá dầu thế giới giảm 10-12USD/thùng. Và ngay sau khi Nga sáp nhập Crimea, chính quyền Mỹ quả thực đã xuất lệnh bán 5 triệu thùng/ngày.

Thế nhưng, sau hai tuần thảo luận, các nhà phân tích Mỹ nhận ra rằng, cách thức này sẽ sớm “đi vào ngõ cụt” và việc xuất nguồn dự trữ năng lượng quốc gia kia không phải là một ý tưởng tốt. Liền sau đó, đã xuất hiện một “đối sách” khác: Thuyết phục Saudi Arabia tăng sản lượng dầu khai thác, và đây là một phần nội dung thảo luận của ông Obama với quốc vương Saudi Arabia Abdullah hôm 28/3.

 

Quốc vương Saudi Arabia Abdullah (trái) tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 28/3.

Theo giới phân tích, dầu lửa và khí đốt hiện chiếm đến 70% giá trị xuất khẩu của Nga. Vì thế, mọi diễn biến trên thị trường dầu mỏ đều có tác động lớn đến kinh tế Nga. Một khi phải chứng kiến mức giảm giá 12 USD/thùng, kinh tế Nga sẽ mất 40 tỉ USD.

Từng xuất hiện tiền lệ về kiểu “phối hợp hành động” hạ giá dầu, và là một phần nguyên nhân (quan trọng) dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô trước đây. Năm 1985, Saudi Arabia đã tăng vọt sản lượng khai thác dầu từ 2 triệu thùng/ngày lên 10 triệu thùng/ngày, đẩy giá dầu rớt thê thảm, từ mức 32 USD/thùng xuống còn 10 USD/thùng, buộc Liên Xô phải bán một vài hợp đồng lớn với giá thấp hơn, chỉ 6 USD. Saudi Arabia chẳng mất gì, vì giá giảm 3,5 lần thì sản lượng tăng 5 lần. Trong khi đó, nền kinh tế kế hoạch tập trung của Liên Xô đã không thể đối phó với sự sụt giảm giá trị xuất khẩu, dẫn đến sự sụp đổ của Liên bang xô viết sau đó.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu đã có một hợp đồng hoàn tất giữa Tổng thống Obama và Quốc vương Abdullah?

Nhưng giữa chính trị và kinh tế luôn có sự rành mạch. Tập đoàn Merrill Lynch ước tính Saudi Arabia cần giữ mức giá 85 USD/thùng để nền kinh tế không bị sụp đổ. Hiện, mức giá dầu dao động trong khoảng 105-110USD/thùng, tức là vẫn còn biên độ giảm giá 12 USD kia. Tuy nhiên, Saudi Arabia cũng đang ở trong tình cảnh khó khăn. Không những vậy, các nước thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ không dễ dàng đồng ý tăng gấp 3 lần sản lượng để bù vào mức giảm giá kia.

Mọi kịch bản hiện chưa rõ ràng, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng nếu bị bó buộc phải hành động, Washington sẽ quay về với sáng kiến của Soros.

Chia sẻ với Pravda, nhà phân tích người Nga Yelena Suponina nói rằng: “Chúng ta không thể loại trừ viễn cảnh này, khi mà OPEC không còn là người bảo trợ cho xu hướng giá dầu cao. Giải pháp tốt nhất là đa dạng hóa nền kinh tế, không để phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ, khí đốt”.

Mỹ viện trợ Ukraine, trừng phạt Nga

Ngày 3/4, thông báo của Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Barak Obama đã ký ban hành luật viện trợ tài chính bảo đảm khoản vay 1 tỷ USD cho Ukraine và tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới việc Nga sáp nhập Crimea.  

Còn theo hãng tin AP (Mỹ), một số nghị sĩ đã hối thúc Tổng thống Obama tiến hành các bước đi tiếp theo, trong đó có việc tăng cường xuất khẩu khí đốt cho châu Âu. Dự kiến cũng ngày 3/4, ông Obama sẽ có cuộc gặp với các nghị sĩ hàng đầu trong Quốc hội Mỹ để thảo luận về tình hình Ukraine.  

Trước đó, hôm 27/3, hai viện của Quốc hội Mỹ đã thông qua các dự luật viện trợ tài chính cho Ukraine và tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga. Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã cùng thảo luận đưa ra một dự thảo luật thống nhất để trình Tổng thống Obama, trong đó xem xét phân bổ khoản viện trợ 1 tỷ USD dành cho Ukraine.

Ngoài ra, luật này cũng trao cho chính quyền của Tổng thống Obama quyền bổ sung áp đặt các biện pháp trừng phạt cấm nhập cảnh vào Mỹ và phong tỏa tài sản đối với các quan chức Nga và Ukraine mà theo các nghị sĩ Mỹ là có liên quan tới tham nhũng và vi phạm quyền con người tại Ukraine, cũng như các cá nhân “có trách nhiệm” trước việc xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. 

Cuộc “đối đầu” Đông – Tây: Cùng thiệt

Không thể phủ nhận rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đang ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Nga. Thị trường chứng khoán liên tục giảm điểm từ đầu tháng 3 cùng với đồng rúp trượt giá khiến các nhà phân tích dự đoán Nga đã mất hàng chục tỷ USD mỗi ngày. Dù năng lượng có thể coi là “vũ khí mạnh” của Moskva, song nếu phương Tây chặn 80% lượng khí đốt xuất khẩu của Nga thì GDP của nước này sẽ giảm khoảng 10% từ nay đến năm 2015.

Nhưng ngược lại, cả Mỹ và châu Âu dường như cũng đang nếm phần trái đắng từ chính những bước đi của mình. Nga khẳng định sẽ có những biện pháp đáp trả dựa trên nguyên tắc “có đi có lại”. Điều đáng nói là chính các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt với Nga chắc chắn sẽ có tác dụng ngược lại theo kiểu “gậy ông đập lưng ông”, khiến các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu thiệt hại hàng tỷ USD.

Các nước châu Âu đang phụ thuộc đáng kể vào Nga về năng lượng, thương mại, đầu tư... Chính Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải thừa nhận rằng, phương Tây không thể đạt được sự đồng thuận về các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Nga. Mặc dù không quá phụ thuộc vào Nga, song Mỹ cũng sẽ phải trả giá khi thực hiện các biện pháp trừng phạt, nhất là khi hãng chế tạo máy bay Boeing đang phải nhập từ Nga 40% nhu cầu titan, vật liệu tối quan trọng cho sản xuất máy bay Boeing 787 Dreamliner.

Giới phân tích nhận định rằng nếu Nga và phương Tây tiếp tục trả đũa lẫn nhau, mọi chuyện có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, kéo theo những hệ lụy khó lường.

EU, với 30% nhu cầu khí đốt và 32% nhu cầu dầu mỏ phụ thuộc vào Nga, sẽ rơi vào khủng hoảng nếu Moskva ngừng bơm khí đốt để đáp trả lệnh trừng phạt kinh tế. Theo dự đoán, nếu Nga ngừng cung ứng khí đốt và phương Tây áp dụng các biện pháp trả đũa về tài chính, giá khí đốt sẽ tăng khoảng 15% và dầu mỏ tăng 10% trên thị trường châu Âu, GDP của các nước trong khu vực sử dụng đồng euro sẽ giảm 1,5% và tăng trưởng kinh tế của một số nước Đông Âu sẽ giảm tới 3%.

Quan hệ với Nga căng thẳng cũng đồng nghĩa với việc Mỹ và phương Tây gặp khó khăn khi ứng phó với các thách thức toàn cầu. Với tư cách là một cường quốc, một ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, vai trò của Nga vẫn mang tính then chốt giúp giải quyết các vấn đề quốc tế nóng bỏng. Thỏa thuận hạt nhân mang tính đột phá giữa Nhóm P5+1 với Iran, hay việc tháo ngòi nổ cho một cuộc chiến tranh mới ở Trung Đông khi Syria chấp thuận tiêu hủy kho vũ khí hóa học, đều mang đậm dấu ấn đóng góp của Nga. Kế hoạch của Mỹ và NATO rút quân khỏi Afghanistan vào cuối năm nay hẳn sẽ khó thực hiện được nếu thiếu “tuyến hậu cần tối quan trọng" qua Nga.

Trong một thế giới toàn cầu hóa, mối ràng buộc giữa các quốc gia trên nhiều phương diện ngày càng tăng. Vì thế, mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đều tạo ra những tác động đa chiều đối với nhiều nước khác. Hơn bao giờ hết, các bên liên quan cần có cách ứng xử thận trọng và phù hợp theo hướng cân bằng lợi ích, vì hòa bình và ổn định trên thế giới.

Thanh Trà (tổng hợp)