Sự kiện Crimea: Góc nhìn nhiều chiều
Crimea tuyên bố độc lập và xin gia nhập Liên bang Nga chính là kết cục của một chuỗi hành động, diễn biến chính trị trên chính trường và ẩn đằng sau nó là những mưu toan chính trị cả trong nước lẫn thế giới. Có vẻ như vừa diễn ra một cuộc “cách mạng xanh” tại đây, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường…
Ông Putin đọc thông điệp tiếp nhận Crimea
Một ngày sau khi ký Sắc lệnh tiếp nhận bán đảo Crimea (Crưm) vào thành phần Liên bang Nga, ngày 18/3, tại khánh phòng Georgi của Điện Kremli, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã đọc bản thông điệp kéo dài 45 phút và bị ngắt quãng bằng 33 đợt vỗ tay trước đông đủ thành viên hai viện của Quốc hội Nga và đại diện của các chủ thể Liên bang Nga cũng như giới báo chí.
Tổng thống Nga khẳng định, cuộc trưng cầu ý dân về quyết định sáp nhập vào Nga của bán đảo Crimea hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc dân chủ và từ nay, trên bán đảo Crimea sẽ lưu hành song song ba ngôn ngữ: Nga, Ukraina và Tarta.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Putin cũng khẳng định, trong lịch sử, Crimea đã là lãnh thổ lịch sử của Nga, luôn có vị trí gần gũi trong trái tim của mỗi người dân Nga, và việc Crimea được vào thành phần Ukraine do một quyết định sai lầm cá nhân.
Để khẳng định tính hợp pháp của tuyên ngôn độc lập của Crimea, Tổng thống Nga đã dẫn các luật quốc tế, như Hiến chương LHQ, nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó không hề có quy định cấm quyền tuyên bố độc lập, cũng như khẳng định việc tuyên bố độc lập có thể vi phạm luật pháp trong nước nhưng không có nghĩa là vi phạm luật pháp quốc tế.
Ông khẳng định, Nga không can thiệp quân sự vào Crimea, không vi phạm các thỏa thuận về số lượng binh sĩ tại bán đảo, và trong suốt quá trình trưng cầu dân ý đã không xảy ra một tiếng súng, không có một nạn nhân nào. Người dân Crimea đã được tự do lựa chọn và họ đã lựa chọn gắn số phận với Liên bang Nga với tỷ lệ rất cao (gần 97%). Nga tôn trọng quyết định đó và trên cơ sở luật pháp quốc tế về quyền tự lựa chọn của các dân tộc, Nga tuyên bố tiếp nhận vào liên bang hai chủ thể mới là cộng hòa Crimea và thành phố Sevastopol.
Ngay tại buổi lễ, đã diễn ra lễ ký Hiệp ước tiếp nhận và thành lập hai chủ thể liên bang mới của Liên bang Nga giữa Tổng thống Vladimir Putin với Thị trưởng thành phố Sevastopol Aleksey Chalyi, cùng đại diện của Crimea là Thủ tướng Sergey Aksenov và Chủ tịch Nghị viện Vladimir Konstantinov.
Nga có thể "quốc hữu" một nửa hạm đội của Ukraine
Ngày 18/3, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Duma quốc gia Nga - Đô đốc về hưu Vladimir Komoyedov khẳng định, khoảng 20 tàu chiến và tàu hỗ trợ của Hải quân Ukraine sẽ trở thành một phần trong Hạm đội Biển Đen của Nga sau khi Crimea sáp nhập vào Nga.
Dẫn lời Đô đốc Vladimir Komoyedov, hãng tin Ria Novosti cho biết, lực lượng Hải quân Ukraine bao gồm khoảng 40 tàu chiến, và 20 trong số đó hiện đang neo đậu tại các căn cứ ở Crimea, tại quân cảng Sevastopol và Vịnh Donuzlav.
Những tàu chiến Ukraine có thể bị Nga tiếp quản bao gồm 2 tàu hộ tống nhỏ, một tàu chỉ huy, một số xuồng trang bị tên lửa và tàu ngầm duy nhất của Ukraine - chiếc Zaporizhia thuộc lớp Foxtrotchạy hỗn hợp diesel-điện.
Ukraine cũng tuyên bố, có thể “quốc hữu” tài sản của Nga ở Ukraine
Cũng trong ngày 18/3, Bộ trưởng Tư pháp Ukraine Pavlo Petrenko khẳng định, Kiev bảo lưu quyền quốc hữu hóa tài sản của Nga nhằm trả đũa việc Crimea tuyên bố sở hữu các tài sản của Ukraine.
Ông Petrenko nói: “Nếu Liên bang Nga chính thức công nhận các hành động của Crimea, thì Ukraine bảo lưu quyền áp dụng những bước đi thích hợp để bù đắp lại thiệt hại này bằng việc quốc hữu hóa những tài sản thuộc sở hữu của Nga trên lãnh thổ Ukraine và các nước khác.”
Động thái trên diễn ra ngay sau tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Duma quốc gia Nga - Đô đốc về hưu Vladimir Komoyedov, người khẳng định khoảng 20 tàu chiến và tàu hỗ trợ của Hải quân Ukraine sẽ trở thành một phần trong Hạm đội Biển Đen của Nga sau khi Crimea sáp nhập vào Nga.
Nga trả đũa Mỹ sau các hành động trừng phạt
Sau khi Mỹ và phương Tây áp dụng những biện pháp trừng phạt Nga sau cuộc trưng cầu dân ý để tuyên bố độc lập, tách khỏi Ukraine của Cimea và đệ đơn gia nhập Nga, Nga cũng có những biện pháp đáp trả.
Những biện pháp đáp trả mà Nga có thể thực thi được Tạp chí The Diplomat đưa tin, trong đó có khả năng Nga sẽ bán những vũ khí hiện đại cho Trung Quốc và Iran, đẩy thế giới vào một cuộc chạy đua vũ trang còn kinh khủng hơn cả thời Chiến tranh Lạnh. Nga muốn chấm dứt tham vọng của Mỹ ở châu Á bằng việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề vũ trang là điều dễ hiểu.
Các chuyên gia tin rằng mở rộng hơn nữa hợp tác quân sự với Trung Quốc sẽ là lựa chọn đầu tiên của Moskva trong trường hợp bị trừng phạt. Hiện nay, các hợp đồng cung cấp máy bay tiêm kích Su-35 và tàu ngầm thế hệ thứ tư Lada cho Trung Quốc vẫn đang ở giai đoạn đàm phán, nhưng quan hệ căng thẳng với phương Tây có thể thúc đẩy quá trính này tăng tốc nhanh chóng.
Su-35 được giới thiệu là loại máy bay tiêm kích đa năng có sức chiến đấu cao, khả năng của nó không thua kém đáng kể so với các loại máy bay tiêm kích hiện đại thế hệ 5 của Mỹ, trong khi đó giá thành lại rẻ hơn rất nhiều. Tàu ngầm Lada với các tính năng được giới thiệu là sẽ dẫn đầu thế giới trong số các tầu ngầm cùng chủng loại trong tương lai gần.
Cùng đó là việc Nga chuyển trọng tâm thị trường năng lượng sang Trung Quốc. Vấn đề khí đốt giữa Nga và Trung Quốc hiện nay chỉ là giá cả. Một khi Moskva chấp nhận mức giá mềm hơn, trong bối cảnh cắt giảm nguồn cung năng lượng cho châu Âu và Ukraine, Nga sẽ nhận lại phần bị giảm ấy một cách tương xứng từ thị trường Trung Quốc.
Đồng thời, Nga sẽ mở rộng hợp tác quân sự với Iran. Ví dụ rõ ràng nhất là hợp đồng bán hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 đang bị đình trệ bởi quyết định của vị tổng thống tiền nhiệm Dmitry Medvedev nay có thể khởi động lại. Không có gì ngạc nhiên khi ông Putin quyết định tái khởi động hợp đồng này. Bởi thời điểm này phù hợp để Nga chào mời Teheran tổ hợp S-400, còn lợi hại hơn S-300 gấp nhiều lần.
Hay giả luận Nga sẽ mở rộng hợp tác quân sự quy mô lớn với Syria cũng rất có khả năng. Tương tự như trường hợp của Iran, Moskva sẽ bắt đầu cung cấp vũ khí không hạn chế cho đồng minh Damascus, điều này chắc chắn sẽ làm thay đổi căn bản so sánh lực lượng trong cuộc xung đột ở Syria.
Tất cả những điều này, buộc Mỹ buộc phải tăng cường chi tiêu cho quốc phòng. Các chuyên gia của The Diplomat cảnh báo rằng, Crimea hoặc thậm chí miền Đông Ukraine sáp nhập vào Nga, thì Mỹ cũng chẳng thể nào ngăn cản nổi, đồng thời buộc phải thực hiện trọng trách đảm bảo an ninh ở châu Âu.
Điều này có nghĩa là, Mỹ phải gia tăng sự hiện diện các lực lượng vũ trang của mình ở các khu vực, như là một yếu tố đủ mạnh để kìm chế Nga. Khi sự phát triển của tình hình đến mức này, Washington buộc phải xem xét lại kế hoạch cắt giảm ngân sách quốc phòng của mình. Như vậy, Nhà Trắng sẽ buộc phải quên đi khái niệm cắt giảm chi tiêu quốc phòng vốn phát sinh do ngân sách quốc gia hạn hẹp, hoặc là toàn bộ chiến lược chính trị-quân sự đầy tham vọng của chính quyền Mỹ ở châu Á sẽ phải bị xem xét lại.
Nhiều diễn biến (mới) tại Ukraine
Ngày 18/3, Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseni Yaseniuk đã có lời tuyên bố gửi các tỉnh miền Nam và Đông đất nước, trong đó ông cam kết Ukraine sẽ không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), duy trì quy chế ngôn ngữ quốc gia cho tiếng Nga và tăng quyền cho các khu vực.
Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseni Yaseniuk.
Trong tuyên bố, ông Yaseniuk nêu rõ xuất phát từ mục đích bảo vệ sự thống nhất của Ukraine, chính phủ sẽ không bàn đến vấn đề gia nhập NATO, nhiệm vụ bảo vệ đất nước sẽ do quân đội đảm nhiệm, cũng như không đặt quan hệ với Nga và với Liên minh châu Âu (EU) ở thế loại trừ nhau.
Ông cam kết sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác đích thực và láng giềng tốt với Liên bang Nga. Ông nhấn mạnh Ukraine vẫn giữ nguyên hiệu lực của luật ngôn ngữ năm 2012, theo đó tiếng Nga là ngôn ngữ vẫn là ngôn ngữ quốc gia.
Cũng trong ngày 18/3, trong một diễn biến khác, Cơ quan báo chí của Tổng thống tạm quyền Ukraine tuyên bố nước này đã ra lệnh cho phép binh sỹ nước này tại bán đảo Crimea được sử dụng vũ khí để tự vệ sau khi xảy ra vụ tấn công nhằm vào căn cứ quân sự của Ukraine tại Crimea, khiến một binh sỹ thiệt mạng.
Theo hãng Reuters ngày 18/3, các binh sỹ Ukraine tại một căn cứ ở thủ phủ Simferopol của Crimea cho biết họ đã bị các lực lượng Nga tấn công và một binh sĩ đã bị thương.
Hãng tin Nga Interfax cũng dẫn lời một người phát ngôn quân đội Ukraine xác nhận thông tin này.
Tôi xấu hổ cho đất nước tôi
Đây là bài viết của Wladimir Kaminer là nhà văn gốc Nga - Do Thái viết tiếng Đức, sống tại Berlin (được dịch lại). Bài viết được đăng trên trang Facebook và blog của ông ngày 4/3/2014, ngay khi quân đội Nga tràn qua biên giới Ukraine, sau đó được đăng lại trên một số báo.
Tôi xấu hổ cho đất nước tôi, vô trách nhiệm tuân theo kẻ được mệnh danh là tổng thống mà đẩy thế giới đến bờ chiến tranh. Không, không phải mọi người Nga đều hoan hô quân Nga tiến vào Ukraine; người dân ở Krimea chắc chắn không muốn bị một đơn vị vũ trang cai quản. Hiếm có hai dân tộc nào gần gũi nhau hơn Nga và Ukraine.
Ở Đức bao nhiêu năm nay, tôi ra sức nói tốt cho đồng bào mình. Bao nhiêu lần tôi đã giải thích trong các cuộc phỏng vấn rằng, dân Nga không phải ai cũng ghét người đồng tính, ai cũng kỳ thị chủng tộc, ai cũng ủng hộ những trò chơi chiến tranh của ngài tổng thống. Song càng ngày càng khó bênh vực nước Nga hơn.
Mỗi lần về Nga, tôi đều hỏi bạn bè: Thế là thế nào? Sống thế mà cũng chịu được hay sao? Mọi chính kiến tự do, mọi hình thức tự do đều bị trấn áp, trên truyền hình thì toàn nói láo, các bạn không thấy những người đang lê bước sang đường kia à? Cứ năm chục mét họ lại ngoảnh đầu đảo mắt như bị ai theo dõi!
Thấy chứ, chúng tớ có mù đâu, bạn bè tôi đáp. Nhưng sao cậu lại nghĩ rằng tự do sẽ tốt cho những người ấy? Tự do gì mới được cơ chứ? Tự do khỏi cái gì nhỉ? Ở đây người ta không cần tự do mà cần tín dụng lãi suất thấp và nhà thuê giá rẻ. Putin cho họ những thứ ấy. Còn lại đều là những giá trị phương Tây cố tình nhồi nhét để gây rối cho những đầu óc kém minh mẫn. Ở đây chẳng ai cần tự do, trừ đám đồng tính, bọn trẻ vị thành niên và vài tay nhà báo. Ở đây thời nào cũng vậy và sẽ mãi mãi như vậy. Chỉ như vậy đất nước này mới trụ nổi, với một gã bạo chúa thay vì một chính phủ, với một bộ máy hành chính tham nhũng chỉ lăm le đạp kẻ yếu và liếm kẻ mạnh, và với một dân tộc ưa nghĩ ngợi, thấy hết nhưng tuyệt đối không lên tiếng. Đâu phải nước nào cũng phát triển giống nước nào. Thế cũng là một khả năng, phải không nhỉ?
Có một kinh nghiệm cay đắng là, dân tộc nào từ bỏ quyền tự do của mình thì sớm hay muộn cũng rơi vào chiến tranh và sau đó thì lọt vào thùng rác của lịch sử. Gã bạo chúa hiện tại không hề được bầu, mà 15 năm trước được giới thiệu là người “kế nhiệm” trước quốc dân. Từ đó đến nay gã cho tổ chức vài cuộc bầu cử, lần nào cũng tự đếm phiếu cho mình. Một gã đàn ông nhỏ con, xuất thân từ lò đào tạo mật vụ Xô viết, không vợ, không bạn bè, cô lập với thế giới, đầy mặc cảm, cai trị một đất nước khổng lồ, nơi dân chúng đã từ lâu đánh mất mọi hy vọng có ngày được hưởng quyền công dân và thực sự được tự bầu lên tổng thống của mình. Phương Tây đang cố đoán gã nghĩ gì trong đầu, dân Nga thì chẳng buồn thử đoán. Đơn giản là họ theo gã. Gã ghét người đồng tính, vậy là họ xuống đường biểu tình chống người đồng tính. Gã không ưa nghệ thuật hiện đại, vậy là họ đi dẹp các phòng tranh. Gã xua quân sang nước láng giềng, vậy là họ gào lên: “Krimea là của chúng ta!”
Họ không nghĩ đến một cuộc sống hậu Putin, ngay cả khi điều đó sẽ xảy ra trong vài năm nữa. Khi gã đang bay mà đụng phải một đàn cò và rơi xuống chẳng hạn. Hoặc nếu gã lặn quá sâu, hay bị một con báo ăn thịt. Lúc ấy họ, người Nga, đồng bào tôi, sẽ làm gì nhỉ?
Bài học từ Ukraina
Khi đạn đã lên nòng và cò đã bóp thì khai hỏa chỉ là hệ quả tiếp theo. Trong chuỗi quan hệ nhân quả như vậy, cuộc trưng cầu ý dân (về việc sáp nhập với Nga) tại Crimea cũng chỉ là hệ quả tiếp theo của những chính sách mà các nhà lãnh đạo các kỳ khác nhau của Ukraine đã từng theo đuổi.
Đoán trước kết quả của cuộc trưng cầu ý dân trên là điều không quá khó. Nhưng đoán trước những hệ lụy khôn lường mà nó mang lại cho đất nước Ukraine cũng như cho nền chính trị thế giới sẽ khó hơn rất nhiều.
Ukraina là một đất nước nằm kẹt giữa Nga và Châu Âu – Một “trái chèn” rất hợp nhãn với Mỹ. Hơn thế nữa, nửa dân số ở phía Tây của đất nước thì muốn theo phương Tây, không muốn theo Nga; Nhưng ngược lại, nửa dân số ở phía Đông lại muốn theo Nga mà không theo phương Tây.
Với một vị trí địa chính trị như vậy và với một cộng đồng dân cư theo đuổi các giá trị khác nhau như vậy, lựa chọn duy nhất đúng cho Ukraine là một thể chế trung lập. Ukraine sẽ bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ và cuộc sống hòa bình, thịnh vượng cho người dân khi là một “trọng tài” phân minh, đặc biệt là không liên minh với bất cứ ai và không nghiêng về một bên nào.
Một lựa chọn khác có độ rủi ro cao hơn, nhưng vẫn đúng đắn là làm cầu nối giữa Nga với Châu Âu và ngược lại. Ukraine có thể tạo điều kiện cho sự trao đổi, hợp tác giữa Nga với Châu Âu và Châu Âu với Nga. Và Ukraine cũng có thể làm trung gian cho cả hai bên trong quá trình giao lưu và hội nhập.
Tiếc rằng, có vẻ như những lựa chọn nói trên đã không được các nhà lãnh đạo của Ukraine quan tâm. Thực tế, một số nhà lãnh đạo (có thể do này, kia dựng lên) đã lựa chọn việc liên minh với phương Tây hoặc trái ngược lại, một số nhà lãnh đạo khác lại chọn việc liên minh với Nga. Vì thế, đất nước Ukraine đã và đang bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng nhiều mặt hết sức trầm trọng. Nguy cơ nội chiến, hay nguy cơ bị nước ngoài can thiệp đang treo lơ lửng ở trên đầu người dân.
Thanh Trà (tổng hợp)