Chúng ta đang sống trong thời đại số, được bủa vây bởi các thiết bị công nghệ, giao tiếp và trao đổi thông tin trên mạng nhiều hơn trong đời thực, chơi các trò chơi trên máy tính nhiều hơn vận động bên ngoài.
Chỉ thị số 16/CT-BTTTT của Bộ trưởng Bộ TT&TT thể hiện quyết tâm toàn Ngành TT&TT đồng lòng, chung tay, nhanh hơn nữa, sáng tạo hơn nữa thực hiện công cuộc chuyển đổi số, khởi tạo cuộc sống số, tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (Ảnh minh họa)
Đã có những lúc chúng ta phải thốt lên: Cần tạm dẹp hết thiết bị công nghệ sang một bên để quay về với thiên nhiên, quay về với gia đình và những người bạn thật sự. Nhưng Covid-19 ập tới khiến chúng ta nhận ra không hẳn như vậy và thay đổi nhiều suy nghĩ!
Hóa ra chúng ta vẫn chưa có đủ công nghệ số như chúng ta vẫn tưởng. Khi đại dịch bùng lên, chúng ta vẫn thiếu phần mềm trợ giúp theo dõi sức khoẻ cho mỗi người dân. Việc họp trực tuyến trong nhiều cơ quan vẫn lúng túng. Việc dạy và học trực tuyến đối với cả giáo viên và học sinh vẫn còn xa lạ.
Hoá ra năng lực của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vượt xa những gì chúng ta suy nghĩ. Có những phần mềm phục vụ phòng, chống Covid-19 được làm xong chỉ trong vòng 48 giờ. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia xây dựng ứng dụng độc đáo, mới lạ, hiệu quả, đi trước so với thế giới.
Môi trường sống thay đổi tạo ra nhiều thách thức hơn, nhưng nó cũng là một phép thử không thể tốt hơn cho sự phát triển, như một sự chọn lọc tự nhiên. Covid-19 không chỉ là thách thức cho mỗi cá nhân, mà còn là bài kiểm tra khắt khe về sức khoẻ doanh nghiệp, tính thích ứng và phản ứng của mỗi quốc gia. Nhưng chính nó cũng tạo ra cơ hội để thúc đẩy chuyển biến tích cực trong xã hội.
Bằng bản năng vốn có, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp không đứng yên khi buộc phải hạn chế các hoạt động thường ngày bởi dịch bệnh. Chúng ta hạn chế trò chuyện trực tiếp, vì vậy chúng ta sử dụng các mạng xã hội nhiều hơn, chúng ta gọi đồ ăn về nhà thay vì ra ngoài hàng, và chúng ta làm việc trên mạng thay vì đến văn phòng. Xã hội rất nhanh chóng duy trì lại tính cân bằng động của mình theo cách này hay cách khác.
Một xã hội phát triển là một xã hội người dân được làm việc. Xã hội cần các nền tảng để mỗi người có thể trao đổi, hội họp trực tuyến, sử dụng các công cụ quản trị số, các dịch vụ lưu trữ dữ liệu, văn phòng trực tuyến.
Một xã hội phát triển là một xã hội khoẻ mạnh. Xã hội cần các nền tảng, ứng dụng dịch vụ phục vụ chăm sóc sức khoẻ người dân từ xa, kết nối bác sĩ, giảm tải cho các cơ sở khám bệnh.
Một xã hội phát triển là là một xã hội không ngừng học tập. Xã hội cần các nền tảng kết nối học sinh với thầy cô giáo và nhà trường, kết nối các kho dữ liệu kiến thức, tạo ra các bài giảng với mục tiêu lấy người học làm trung tâm, có thể lựa chọn kiến thức mình mong muốn nhất dựa trên nhu cầu được cá nhân hoá.
Một xã hội phát triển là một xã hội mà các nhu cầu sinh hoạt được đảm bảo. Cuộc sống hàng ngày vẫn tiếp diễn. Việc “không tiếp xúc” cần các ứng dụng hỗ trợ như nhà thông minh, mua sắm trực tuyến, các dịch vụ sửa chữa, giúp việc trực tuyến. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng sống là các hoạt động giải trí và dần dần chúng ta đều thấy các hoạt động trên các nền tảng số như nghe nhạc, xem phim đã “cám dỗ” chúng ta đến mức nào.
Công nghệ phát triển giúp chúng ta tiết kiệm nhiều thời gian và tối ưu các nguồn lực, các dịch vụ vận chuyển đóng vai trò quan trọng trong việc đó. Song song với việc vận chuyển, tối ưu hoá, tự động hoá hoạt động sản xuất giúp tăng năng suất lao động, giảm nhân công và kiểm soát chất lượng đầu ra.
Một xã hội phát triển không thể thiếu đi các các hoạt động thanh toán và giao dịch tiền tệ. Công nghệ phát triển giúp các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt diễn ra thuận tiện và an toàn hơn.
Cuối cùng, trên xã hội số, chúng ta cũng cần được bảo vệ như chính chúng ta trong xã hội thật.
Mỗi xã hội phát triển đều cần những cú hích đủ lớn và những yếu tố thay đổi mang tính bước ngoặt. Công nghệ dần được đánh giá là một thành tố quyết định giúp tạo ra “bước ngoặt” này. Covid-19 tạo ra khó khăn “trăm năm”, và vì thế tạo ra cơ hội “trăm năm”.
Phải chăng chúng ta đã quên mất rằng người Việt Nam chúng ta có một sức sống, sức vươn lên mãnh liệt mỗi khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Trong khó khăn, người Việt có thể cùng nhau làm nên những điều kỳ diệu? Không. Chúng ta không bao giờ quên điều đó.
Chỉ thị số 16/CT-BTTT của Bộ trưởng Bộ TT&TT thể hiện quyết tâm toàn Ngành TT&TT đồng lòng, chung tay, nhanh hơn nữa, sáng tạo hơn nữa thực hiện công cuộc chuyển đổi số, khởi tạo cuộc sống số, tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Và đây cũng là cách mà toàn thể cộng đồng công nghệ Việt Nam nỗ lực để bao mạng sống mà Covid-19 đã lấy đi, để sự cố gắng mà tất cả chúng ta đang chung tay chống dịch sẽ không bị phí hoài./.