Hiện đại hóa TTHC từ Bộ phận Một cửa đến Cổng Dịch vụ công quốc gia

06:26, 23/07/2025

TP. Hà Nội đã khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ về thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận Một cửa và Cổng Dịch vụ công quốc gia, hướng tới mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị định số 118/2025/NĐ-CP ngày 09/6/2025 về thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận Một cửa và Cổng Dịch vụ công quốc gia, TP. Hà Nội đã khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ từ cấp Thành phố đến cơ sở.

Đồng bộ các giải pháp, lấy sự hài lòng làm thước đo

Thành phố xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính và chuyển đổi số. Với cách làm bài bản, khoa học, có lộ trình rõ ràng, Thành phố hướng tới mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2025/NĐ-CP, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai cụ thể nhằm bảo đảm tiến độ, hiệu quả, đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Kế hoạch nhấn mạnh việc xác định rõ nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị liên quan, từ cấp sở, ban, ngành đến UBND cấp xã, phường.

Điểm mới quan trọng trong đợt triển khai này là việc chuyển từ "hành chính quản lý" sang "hành chính phục vụ". Theo đó, Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố đóng vai trò đầu mối, tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; theo dõi, đôn đốc việc công bố, rà soát thủ tục hành chính và kết quả thực hiện ở tất cả các cấp.

Để đạt được hiệu quả tối ưu, Thành phố chú trọng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính nhằm kết nối, chia sẻ và đồng bộ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Các dịch vụ công trực tuyến toàn trình được mở rộng, giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi, mà không cần nộp lại thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu.

Song song với đó, Hà Nội tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên bưu điện tại các Điểm phục vụ hành chính công về kỹ năng sử dụng hệ thống, quy trình tiếp nhận, trả kết quả và kỹ năng giao tiếp với người dân. Các lớp tập huấn này được triển khai từ tháng 6 đến tháng 8/2025, bảo đảm chất lượng và hiệu quả triển khai đồng đều trên toàn Thành phố.

Đặc biệt, Kế hoạch triển khai Nghị định cũng quy định rõ việc kiểm tra, giám sát, đánh giá định kỳ việc thực hiện, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đây là giải pháp nhằm tăng cường kỷ cương, nâng cao trách nhiệm, hiệu lực thực thi trong toàn hệ thống chính quyền.

Cụ thể hóa mục tiêu Cổng Dịch vụ công quốc gia trở thành "Một cửa số" duy nhất

Một trong những mục tiêu trọng tâm của Nghị định 118/2025/NĐ-CP là xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia trở thành điểm "Một cửa số" tập trung, duy nhất của quốc gia. Hà Nội đã cụ thể hóa mục tiêu này thông qua nhiều giải pháp kỹ thuật và hành chính, trong đó nổi bật là việc kết nối Hệ thống thông tin của Thành phố với các cơ sở dữ liệu quốc gia như: cơ sở dữ liệu dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, dữ liệu đăng ký doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ xác thực thông tin cá nhân và pháp nhân nhanh chóng, chính xác.

Thành phố cũng triển khai rà soát, đơn giản hóa, tái cấu trúc toàn bộ quy trình thủ tục hành chính; xây dựng quy trình nội bộ và quy trình điện tử cho từng thủ tục theo ngành, cấp tỉnh, cấp xã, đảm bảo thống nhất, đồng bộ và dễ truy cập cho người sử dụng.

Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính mới không chỉ hỗ trợ tiếp nhận và trả kết quả trực tiếp tại các Điểm phục vụ hành chính công, mà còn thông qua các nền tảng trực tuyến. Các ngành thuế, bảo hiểm xã hội, công an… cũng được tích hợp vào quy trình giải quyết tập trung, thống nhất, bảo đảm liên thông, cắt giảm thời gian chờ đợi cho người dân và doanh nghiệp.

Cùng với việc vận hành hiệu quả hệ thống, Thành phố còn đẩy mạnh truyền thông, phổ biến chính sách tới người dân thông qua nhiều hình thức: chuyên mục trên các báo, đài, toạ đàm, video hướng dẫn, tài liệu truyền thông... Đây là giải pháp quan trọng để nâng cao nhận thức và khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Theo kế hoạch, trong tháng 7/2025, hàng loạt nhiệm vụ cụ thể đã và đang được hoàn thành như: Ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ của các Điểm phục vụ hành chính công; ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công và các Điểm phục vụ cấp xã; thực hiện kết nối dữ liệu giữa Thành phố và các cơ sở dữ liệu quốc gia; triển khai các lớp tập huấn, tuyên truyền sâu rộng.

Từ tháng 8 đến cuối năm 2025, Hà Nội sẽ tiếp tục ban hành các quyết định ủy quyền giải quyết TTHC, hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống, hoàn thiện quy chế phối hợp quản lý tổng đài tư vấn toàn Thành phố, tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ, sơ kết và tổng kết quá trình triển khai.

Việc thực hiện Nghị định 118/2025/NĐ-CP tại Hà Nội được triển khai không chỉ với tinh thần khẩn trương mà còn mang tính hệ thống, bài bản, coi chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp là giá trị cốt lõi.

Không dừng lại ở cải tiến kỹ thuật, Hà Nội đang từng bước chuyển đổi cách thức vận hành của nền hành chính, hướng tới một môi trường hành chính công khai, minh bạch, lấy dữ liệu làm nền tảng, số hóa toàn diện các khâu giải quyết TTHC.

Việc đo lường mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp sẽ trở thành chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền. Những hành vi vi phạm trong quá trình tiếp nhận, xử lý, trả kết quả thủ tục hành chính sẽ bị xử lý nghiêm, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

UBND Thành phố nhấn mạnh, trong quá trình triển khai có thể phát sinh vướng mắc, nhưng các địa phương, sở, ngành phải chủ động báo cáo Trung tâm Phục vụ hành chính công để kịp thời tháo gỡ, tránh làm chậm tiến độ chung. Sự phối hợp đồng bộ giữa cấp Thành phố và cấp cơ sở là yếu tố then chốt để đảm bảo triển khai hiệu quả Nghị định, đưa Hà Nội trở thành mô hình mẫu về cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong thời kỳ chuyển đổi số.