Hiến kế phát triển kinh tế nông nghiệp theo xu hướng chuyển đổi số
Kinh tế nông nghiệp phải dựa trên nền tảng quản lý khoa học thì mới có thể chuyển yếu thành mạnh, mới phát huy được lợi thế của mô hình kinh tế tập thể hợp tác xã, của từng đơn vị tổ chức tham gia. Với quan điểm này, ông Nguyễn Chí Công (Thái Nguyên) đã gửi đến Cổng TTĐT Chính phủ một số giải pháp để phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam.
- Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp
- Ngành nông nghiệp các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long đề xuất sử dụng một nền tảng công nghệ trong CĐS nông nghiệp
- Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam cần tập trung chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm
- Diễn đàn quốc tế chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021
- Canh tác lúa thông minh, tiền đề cho chuyển đổi số nông nghiệp
Định hướng nông nghiệp trở thành một ngành kinh tế, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp thì tài nguyên, con người, vốn… chỉ là điều kiện để sản xuất kinh doanh, còn phương pháp quản lý (quản trị) có đúng, có phù hợp hay không mới chính là linh hồn của hoạt động kinh tế nông nghiệp.
Do vậy, ông Công đưa ra giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh tế tập thể hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Mục đích của giải pháp là thông qua xây dựng mô hình quản lý, hệ thống HTX nông nghiệp để liên kết, tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm ra thị trường. Thực hiện liên kết giữa hệ thống HTX nông nghiệp với một công ty (gọi là công ty CP phát triển nông nghiệp Cách Tân) và hình thành chuỗi cung ứng nông sản của HTX nông nghiệp.
Mô hình quản lý hệ thống HTX nông nghiệp.
VNAGRI CO.OP liên kết, lập kế hoạch tổ chức sản xuất; tập trung vào yếu tố 4 tăng 1 giảm (tăng doanh thu cho thành viên, tăng năng suất lao động cho thành viên, tăng sự hài lòng của khách hàng, tăng sự hài lòng của thành viên, giảm chi phí cho thành viên). Cung cấp các dịch vụ tăng cường năng lực cho các HTX như: Cung ứng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất, liên kết cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, tư vấn tài chính, đào tạo, tập huấn,... giúp các HTX liên kết được với nhau và phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp HTX nhằm thực hiện triển khai các chính sách hỗ trợ HTX. VNAGRI CO.OP tập hợp và giữ lại lợi nhuận từ cung cấp dịch vụ vật tư đầu vào và dùng chính lợi nhuận đó để đầu tư lại cho thành viên.
HTX thành viên liên kết các thành viên hộ nông dân tạo ra một tập thể thống nhất và hợp tác cùng phát triển bền vững. Là đơn vị làm nhiệm vụ trực tiếp tổ chức sản xuất và thực hiện cải tiến liên tục theo xu hướng của thị trường.
Công ty Cách Tân đồng hành sát cánh cùng nông dân, nông dân là chủ và khách hàng là mục tiêu. Là đơn vị liên kết tổ chức tiêu thụ sản phẩm và làm nhiệm vụ tìm kiếm tiếp nhận thông tin thị trường, thông tin khách hàng, thông tin kênh phân phối, ký hợp đồng và phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ trong tiêu thụ nông sản.
Khi đó Cách Tân là điểm chạm giữa CUNG = CẦU và là sàn giao dịch nông sản điện tử của hệ thống HTX nông nghiệp (cửa hàng của nông dân) dưới sự hỗ trợ của công nghệ số hóa.
Mô hình chuỗi cung ứng nông sản.
Chuỗi cung ứng nông sản gồm các đơn vị VNAGRI CO.OP, HTX thành viên; Công ty Cách Tân là các doanh nghiệp trung tâm và lấy nông dân là thành viên của HTX làm trọng tâm và HTX là chủ. Hệ thống áp dụng "chính sách quản lý mới" với mô hình quản trị "tam giác ngược" khi đó hai đơn vị VNAGRI CO.OP và Cách Tân là hai cánh tay nối dài của HTX, sẽ tìm kiếm, tiếp cận và phân tích thông tin liên quan phục vụ cho HTX.
Để quản trị thành công chuỗi cung ứng nông sản, các đơn vị phải làm việc với nhau bằng cách chia sẻ thông tin về những điều quan trọng như; dự báo nhu cầu, kế hoạch sản xuất, những thay đổi về công nghệ mới, các chiến lược marketing mới, sự phát triển sản phẩm mới và dịch vụ, các kế hoạch thu mua, ngày giao hàng và bất kỳ điều gì tác động đến kế hoạch sản xuất, phân phối và tiêu thụ.
Hệ thống như nêu trên giúp cho HTX tối ưu về mặt chi phí, loại bỏ được lãng phí trong quy trình, tăng tính hiệu quả, giúp tăng năng suất chất lượng sản phẩm, tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu. Bên cung ứng và doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ sẽ có điểm gặp nhau về; số lượng, tiêu chuẩn chất lượng, mã vùng trồng, mã hàng hóa, cung cấp được quy trình đầu vào và đầu ra, giá cả, thời điểm, địa điểm giao hàng và phương thức thanh toán.
Từ hệ thống này, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có được dữ liệu cụ thể, tập trung, để phân tích và có hướng tác động, điều chỉnh chính sách hỗ trợ sản xuất và phát triển liên quan đến mô hình kinh tế tập thể HTX, đồng thời tác động đến thị trường một cách phù hợp, linh hoạt và kịp thời.
Giúp chuyển đổi số thành công trong ngành nông nghiệp thực hiện giải pháp từ gốc, thông tin xuyên suốt từ khâu tổ chức sản xuất đến đáp ứng kịp thời những thay đổi trong nhu cầu của khách hàng.
Thời đại đã thay đổi, tư duy mới cách làm mới tạo ra kết quả mới. Thành công trong tình hình mới không còn là vấn đề của sự chăm chỉ. Thành công trong nông nghiệp ngày nay đòi hỏi sự cần mẫn cùng một phương pháp quản lý có hệ thống, để có thể tạo ra những giải pháp đột phá mang lại những cải tiến tối đa và những thay đổi liên tục nhằm đáp ứng khả năng cung cầu trong tình hình mới.
Về hiến kế của ông Nguyễn Chí Công, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:
Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn trân trọng cảm ơn các công dân đã quan tâm đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn. Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn khuyến khích các cá nhân, tổ chức thực hiện các dự án, giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của hợp tác xã nông nghiệp, liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp phát triển chuỗi giá trị nông sản.
Nội dung giải pháp cho phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam do ông Nguyễn Chí Công đề xuất có đề cập một số giải pháp đã và đang triển khai trên thực tế của nhiều mô hình, dự án khác như: Việc hình thành mô hình chuỗi cung ứng nông sản, sàn thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu, quản trị chuỗi…
Vì vậy, ông Nguyễn Chí Công cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện, phát triển dự án chi tiết và triển khai trên thực tế để biến ý tưởng thành dự án cụ thể. Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn sẵn sàng hỗ trợ ông Nguyễn Chí Công các thông tin, giải pháp, mô hình, dự án liên quan.
Theo Báo điện tử Chính phủ