Hiệu phó ĐH Bách khoa Hà Nội nói về 'chuẩn' đào tạo tiến sĩ mới của Việt Nam

11:25, 13/07/2021

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, nên khuyến khích người làm nghiên cứu, trong đó có tiến sĩ, công bố khoa học trên các tạp chí uy tín trong nước.

PV: Ông đánh giá thế nào về hoạt động đào tạo cũng như chất lượng của nghiên cứu sinh (NCS) ở ĐH Bách khoa Hà Nội nói riêng và một số trường đại học ở Việt Nam trong những năm qua?

PGS TS Nguyễn Phong Điền: Trong 5 năm trở lại đây, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) trong nước đã có những quan tâm rõ ràng đối với công tác đào tạo tiến sĩ.

Các cơ sở coi trọng chất lượng đầu vào, đầu ra của NCS, lựa chọn chuyên gia, giáo viên người hướng dẫn có chuyên môn tốt, có kinh nghiệm để tham gia đào tạo, hướng dẫn NCS. Đồng thời, có những chiến lược đầu tư cơ sở vật chất, cấp kinh phí thực hiện nghiên cứu, hình thành nhóm nghiên cứu, hợp tác trao đổi khoa học với nước ngoài…

Chất lượng nghiên cứu của NCS thể hiện qua chất lượng đề tài, sản phẩm khoa học của NCS như luận án có tính khoa học, thực tiễn cao; NCS có ít nhất 1 bài báo đăng trên các tạp chí ISI/Scopus; có sở hữu trí tuệ, có phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, và có cả sản phẩm thực tiễn mang lại hiệu quả cao cho xã hội. Cũng phải kể đến cả việc NCS tốt nghiệp đúng hạn, hoàn thành chương trình nghiên cứu đúng theo kế hoạch được giao.

Lấy ví dụ tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trung bình hàng năm có khoảng 75 NCS bảo vệ, mỗi nghiên cứu sinh có 5 đến 6 công trình công bố, tỷ lệ công bố trên các tạp chí ISI/Scopus đạt trên 35%, tỷ lệ bảo vệ thành công đạt trên 70 %.

Nhiều NCS khi bảo vệ có trên 2 bài báo ISI, đăng bài trên tạp chí Q1 có chỉ số IF>3. Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy chất lượng nghiên cứu đã dần tiệm cận chất lượng của các trường đại học danh tiếng trong khu vực và thế giới.

Hiệu phó ĐH Bách khoa Hà Nội nói về 'chuẩn' đào tạo tiến sĩ mới của Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Phong Điền. Ảnh: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

PV: Bộ GD-ĐT mới đây đã ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ mới, thay thế quy chế cũ. Liệu có cần thiết có những điều chỉnh, thay đổi không, thưa ông?

PGS TS Nguyễn Phong Điền: Cho đến hiện tại, các cơ sở GDĐH đang áp dụng Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ được ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04/4/2017 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Quy chế 08 này có nhiều điểm mới, đột phá. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện cần có sự bổ sung, chỉnh sửa sao cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của Việt Nam, bảo đảm nâng cao chất lượng của đào tạo tiến sĩ trong nước tiệm cận với các tiêu chuẩn đào tạo tiến sĩ của khu vực và trên thế giới. Đặc biệt là bảo đảm thực hiện những quy định của Luật GDĐH 2018 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết và thi hành một số điều của Luật GDĐH 2018.

Có thể thấy, 4 năm qua, số lượng tuyển sinh giảm rõ rệt. Trung bình cả nước chỉ đạt khoảng 35% chỉ tiêu tuyển sinh so với những năm 2015.

Bên cạnh đó, chuẩn đầu vào tương đương IELTS 5.0 là rào cản cho ứng viên các ngành kỹ thuật, công nghệ. Yêu cầu đầu ra cần có bài báo quốc tế chưa phù hợp với một số ngành xã hội, lý luận,…

Vì thế, tôi cho rằng, việc đưa ra quy chế mới là rất cần thiết, khắc phục điểm chưa phù hợp, nhưng vẫn đảm bảo kế thừa những quy định mang tính tích cực và khả thi, ổn định và gắn với thực tế triển khai hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ.

PV: Có ý kiến cho rằng quy chế mới đã “hạ chuẩn” trong đào tạo tiến sĩ khi công nhận bài báo trên tạp chí có uy tín trong nước. Ông nghĩ sao về điều này?

PGS TS Nguyễn Phong Điền: Chất lượng đào tạo nằm ở nhiều yếu tố. Bên cạnh thầy giỏi, cơ sở vật chất tốt, đầu tư cho nghiên cứu chính sách thu hút người học giỏi, chương trình đào tạo tiên tiến…, còn rất cần chú ý đến chất lượng công trình nghiên cứu, chất lượng luận án, sản phẩm khoa học công nghệ (bài báo, phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích, sản phẩm áp dụng thực tiễn…).

Trong đó, nhiều quốc gia coi trọng sản phẩm bài báo khoa học, lấy số lượng và chất lượng bài báo làm chuẩn đầu ra. Theo tôi, điều này rất nên khuyến khích ở Việt Nam, vì người làm nghiên cứu, công bố khoa học tức là góp phần thúc đẩy khoa học phát triển, đưa kết quả nghiên cứu ra áp dụng thực tiễn, đem lại hiệu quả và lợi ích cho xã hội.

Theo quy chế mới, NCS có nhiều sự lựa chọn, có thể đăng trên tạp chí ISI/Scopus, tạp chí quốc tế và cả tạp chí uy tín của Việt Nam.

Hiện có nhiều tạp chí trong nước chất lượng, uy tín. Các tạp chí trong nước được đánh giá đến 0,75 điểm đều là những tạp chí hàng đầu của Việt Nam.

Khuyến khích cả công bố quốc tế và công bố trong nước còn góp phần khẳng định giá trị của tạp chí trong nước, thúc đẩy tạp chí trong nước phát triển, có thể vươn lên lọt vào danh sách tạp chí uy tín trong khu vực và quốc tế.

Hiện nay, Hội đồng Giáo sư Nhà nước có tính điểm đối với tạp chí trong nước và nước ngoài. Theo tôi, việc đăng công bố khoa học ở đâu nên do Hội đồng khoa học của cơ sở GDĐH, giáo viên hướng dẫn và NCS quyết định.

Về phía các tạp chí nên giữ tôn chỉ chất lượng, nghiêm túc để tạo được niềm tin của giới khoa học, học giả. Về phía NCS, điều quan trọng luôn nằm ở chất lượng công trình khoa học, nghiêm túc, đạo đức của người làm nghiên cứu.

Theo vietnamnet.vn