Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông: Muốn gia tăng nội lực, cần hiểu về chính mình
Trước mỗi thách thức, PGS Tạ Hải Tùng luôn đặt ra các câu hỏi mang tính tự phản chiếu. Việc lắng nghe và hiểu sâu sắc các vấn đề nội tại sẽ khai mở những hướng giải quyết đột phá.
- Hà Nam: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại
- Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam”
- Đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo vào thực tiễn
- Bùng nổ tội phạm công nghệ trong đại dịch Covid-19
- Bức tranh lớn đằng sau các công ty công nghệ Trung Quốc
– Trước tiên, cảm ơn ông đã đồng ý trả lời phỏng vấn của Đặc san Bách khoa Hà Nội. Chúng tôi biết rằng ông rất bận và càng bận rộn hơn ở thời điểm này khi Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông vừa chính thức được thành lập. Trên cương vị Hiệu trưởng, những ưu tiên hiện nay của ông là gì?
* Ưu tiên không phải của chỉ cá nhân tôi mà của cả tập thể Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) là đảm bảo sự phát triển bền vững cho đơn vị. Càng thuận lợi thì càng phải ý thức được thách thức luôn song hành, càng phát triển thì càng phải ý thức được các nguy cơ tiềm ẩn. Khi hiểu được điều này, chúng ta phải quay về sứ mệnh cốt lõi của một đơn vị đào tạo trong môi trường đại học, để nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, sẵn sàng hội nhập một cách chủ động.
– Có thể nói Trường CNTT&TT được thành lập trong bối cảnh vô cùng thuận lợi khi Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang lan rộng, xu hướng chuyển đổi số đang được đẩy nhanh và các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Bên cạnh những cơ hội, theo ông, Trường phải đối mặt với những thách thức gì?
* Tại Hội nghị cán bộ viên chức của Trường CNTT&TT cuối tháng vừa qua, chúng tôi nhận định có 5 thách thức tác động tới sự phát triển của đơn vị trong giai đoạn phát triển tới đây. Trong đó, có hai thách thức đến từ bên ngoài. Đó là: sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các cơ sở đào tạo đại học, và sự kỳ vọng của xã hội đối với một đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu trong lĩnh vực CNTT&TT như chúng tôi.
Đã đến lúc chúng tôi phải suy nghĩ sâu sắc về các vấn đề: Chúng tôi có lợi thế cạnh tranh gì? Điểm nào cần cải thiện? Thể hiện trách nhiệm giải trình cũng như trách nhiệm dẫn dắt trong lĩnh vực của mình ra sao? Làm thế nào để người học và các đối tác không thất vọng? Đặt ra câu hỏi đó, và cùng tìm câu trả lời sẽ giúp chúng tôi hiểu về “chính mình” sâu sắc hơn để từ đó đề ra các định hướng và kế hoạch phát triển nhằm cũng cố và gia tăng nội lực, và theo đó là, vị thế của đơn vị trong một môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Đối với nội tại đơn vị, chúng tôi cũng xác định rõ ba thách thức. Thứ nhất, đảm bảo hiệu quả triển khai mô hình quản trị mới; thứ hai, sự nhận thức về vai trò của mỗi đơn vị và cá nhân đối với Trường, với Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBK Hà Nội) trong tình hình mới; và quan trọng nhất là đòi hỏi duy trì sự phát triển bền vững.
Nói ngắn gọn, trong giai đoạn có thể coi là sống động nhất của cả hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, với xu hướng tự chủ đại học và quốc tế hóa, chắc chắn thách thức sẽ còn rất nhiều, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng với sự đoàn kết đã thành truyền thống của đơn vị, với sức trẻ, sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ, và đặc biệt sự ủng hộ của Trường Đại học, chúng tôi sẽ biến thách thức thành cơ hội, tự tin vươn lên, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự thành công của tiến trình tự chủ ĐHBK Hà Nội.
– Trước khi trở thành Trường, Viện Công nghệ Thông tin Truyền thông đã thành công trong việc liên tục mở rộng quy mô đào tạo, quy mô nghiên cứu và cơ sở vật chất, đâu là bí quyết thành công của câu chuyện thành công này, thưa ông?
* Thực ra, quy mô đào tạo trong ba năm tự chủ toàn diện vừa qua của Trường CNTT&TT tăng không nhiều, nhưng được sự ủng hộ của Bách khoa Hà Nội, chúng tôi đã quyết tâm tái cấu trúc các chương trình đào tạo theo hướng nâng cao hiệu quả đào tạo, với định hướng nâng cao chất lượng tiệm cận chuẩn mực quốc tế. Các chương trình chưa hiệu quả được tái cấu trúc lại, cũng như mở mới các chương trình đáp ứng nhu cầu của xã hội trong tiến trình Chuyển đổi số. Và đến giờ, sau ba năm, thực tế đã chứng minh đó là một định hướng đúng đắn khi các chương trình đào tạo được tinh gọn, chất lượng được nâng cao hơn, thời lượng thực hành nhiều hơn, nhưng tải giảng dạy trong toàn Trường không tăng so với trước đây, mà còn có xu hướng giảm.
Nghiên cứu khoa học cũng đạt được thành tựu rõ nét, kinh phí nghiên cứu khoa học bình quân ba năm qua đạt xấp xỉ 500 triệu đồng/cán bộ giảng dạy. Điều này kéo theo chất lượng nghiên cứu cũng gia tăng rõ rệt từ mức ~0,5 bài ISI-Scopus/cán bộ giảng dạy năm học 2018-2019 lên mức ~1,2 bài ISI-Scopus/cán bộ trong năm học 2020-2021. Các sản phẩm nghiên cứu của Trường cũng đã bước đầu được chuyển giao thành công, đem lại uy tín cho đơn vị, nổi bật là sản phẩm máy quét vân tay thông minh BKCA phục vụ dự án cấp căn cước công dân của Bộ Công an.
Cơ sở vật chất cũng có những bước biến chuyển mạnh mẽ thông qua khai thác kinh phí tài trợ của các tập đoàn trong và ngoài nước, cũng như từ nguồn kinh phí phân cấp. Cách tiếp cận của chúng tôi là: “Làm cho Trường như làm cho nhà mình”. Các công trình cải tạo mới đều có công năng hiện đại, tối ưu; chất lượng tốt; với tính thẩm mỹ cao. Điều này tạo ra một sự hào hứng lớn trong giảng viên, và đặc biệt là sinh viên.
Hợp tác đối ngoại cũng có nhiều khởi sắc từ kinh phí chỉ cỡ 1 tỷ/năm, thì mấy năm gần đây qua hợp tác với các tập đoàn trong và ngoài nước, chúng tôi đã huy động được mỗi năm gần 10 tỷ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và hỗ trợ sinh viên. Chúng tôi mượn slogan của bên du lịch để cũng là định hướng cho chính mình trong mảng hoạt động quan trọng này: Làm thế nào để đối tác đến và tiếp tục quay lại với những bài toán mới, những hoạt động mới, với quy mô ngày càng lớn hơn?
Các thành quả bước đầu nói trên, chúng tôi nghĩ phần lớn đến từ các chính sách tự chủ cởi mở đã được xây dựng xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo của ĐHBK Hà Nội, và đến giờ được cộng hưởng với các chính sách của Nhà nước đã đem lại sức sống mới cho các đơn vị trong Trường.
Còn với riêng Trường CNTT&TT, nếu gọi là “bí quyết” thì không hẳn, nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng chỉ cần trả lời hai câu hỏi: Chúng ta làm việc này vì điều gì? Và có cách làm nào khác hiệu quả hơn hay không? Trả lời được câu thứ nhất sẽ mang lại sự đoàn kết, nhất trí, tạo động lực phát triển trong đơn vị; trong khi câu thứ hai sẽ kích thích sự sáng tạo và quyết tâm trong triển khai.
– Theo ông, Trường CNTT&TT cần làm gì để giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động?
* Mỗi năm vào dịp sinh hoạt công dân đầu khóa, chúng tôi luôn tổ chức một buổi tọa đàm cho sinh viên “Vào Bách khoa để làm việc khó!”, với sự tham gia của các cựu sinh viên thành đạt ở mọi lĩnh vực.
Việc khó cần người có tư duy tốt, và người có tư duy tốt cần việc khó để thể hiện năng lực. Còn đối với cơ sở đào tạo may mắn tuyển được các sinh viên có tư chất tốt thì có một việc khó là làm thế nào để khơi gợi và phát triển tối đa năng lực tư duy của các em, rèn cho các em một thói quen dám làm việc khó, và cung cấp cho các em đủ kiến thức nền tảng, và phương pháp xử lý để hoàn thành việc khó trong cả giai đoạn phát triển sự nghiệp sau này.
Và tôi nghĩ đó chính là lợi thế của sinh viên ĐHBK Hà Nội nói chung, và sinh Trường CNTT&TT nói riêng.
– Trường CNTT&TT đã thay đổi chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giảng viên thế nào để đáp ứng với mô hình giáo dục đại học trong thời đại mới?
* Lĩnh vực công nghệ thông tin luôn có sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nhân lực ở mọi cấp độ, đặc biệt trong thời gian gần đây khi xuất hiện nhiều trường đại học mới, cũng như các tập đoàn trong và ngoài nước đã chú trọng nhiều hơn vào hoạt động nghiên cứu khoa học R&D.
Trong bối cảnh đó, chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, việc cạnh tranh bằng lương thưởng chỉ là một phần. Điều quan trọng là cần tạo ra một môi trường đào tạo nhân văn, nghiên cứu chuẩn mực tiệm cận trình độ quốc tế, đề cao tự do học thuật, tôn trọng sáng tạo. Ở đó, mỗi cán bộ biết rõ mục tiêu của đơn vị, và hòa mình vào mục tiêu chung; nhận thức được sự phát triển đơn vị cũng là phát triển cá nhân mình và ngược lại.
Với cách tiếp cận này việc tuyển dụng của chúng tôi đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt lần đầu tiên chúng tôi tuyển dụng được hai cán bộ cơ hữu là người nước ngoài, đến từ Pháp và Canada.
– Trường hàng năm đều đặn tuyển trợ giảng, trợ lý nghiên cứu với nỗ lực xây dựng nên một môi trường “sinh viên-giúp-sinh viên”. Tại sao một môi trường như vậy quan trọng?
* Từ trải nghiệm ở giai đoạn đi học ở nước ngoài, tôi thấy rằng việc đưa sinh viên vào các hoạt động đào tạo và nghiên cứu từ sớm có vai trò rất quan trọng với các đại học nghiên cứu. Chưa kể trong bối cảnh tải giảng dạy lớn, mà lại muốn nâng cao chất lượng giảng dạy thông qua gia tăng các bài thực hành, thí nghiệm thì lực lượng sinh viên, học viên xuất sắc, được tuyển chọn kỹ lưỡng chắc chắn sẽ cùng với các thầy cô giải bài toán tưởng như rất khó này. Tham gia vào giảng dạy và nghiên cứu ngoài việc được nhận thù lao hỗ trợ, các em còn có thêm trải nghiệm hàn lâm mới mẻ, qua đó kích thích niềm đam mê với đào tạo, với khoa học – công nghệ, và biết đâu trong số các em xuất sắc này, một số không nhỏ sẽ tiếp tục theo đuổi con đường học vấn để sau này bổ sung vào lực lượng giảng dạy, nghiên cứu cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
– Theo ông, cả xã hội nên đầu tư cho giáo dục đại học vì những lợi ích mà các trường đại học tạo ra cho sự phát triển của xã hội hay mỗi gia đình, mỗi cá nhân tự chịu trách nhiệm cho khoản đầu tư của mình?
* Từ kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trên thế giới, không sớm thì muộn Nhà nước cần đẩy mạnh việc phân tầng đại học. Việc này sẽ giúp tập trung nguồn lực, vốn đã không dồi dào, vào các đơn vị mũi nhọn, rường cột của đào tạo và nghiên cứu quốc gia. Đồng thời các đơn vị cần quyết liệt tự chủ, thay đổi để thu hút nguồn đầu tư từ xã hội. Qua đó, đưa hệ thống giáo dục đại học đi lên cả về chất và lượng.
Với cách tiếp cận đó, để các trường đại học trong nhóm dẫn đầu như ĐHBK Hà Nội phát triển đúng với tiềm năng và vị thế thì chắc chắn Nhà nước cần phải có sự đầu tư mạnh mẽ. Khi sức ép về tự chủ tài chính giảm xuống, sức ép về tuyển sinh bớt đi, chúng ta mới có thể đào sâu suy nghĩ đến những vấn đề về bản chất sứ mệnh của một trường đại học nghiên cứu hàng đầu của một đất nước công nghiệp vào năm 2030, và một nước phát triển vào năm 2045 như trong Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Với người học ở các cơ sở đào tạo hàng đầu, nếu họ nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt ở các cấp độ đào tạo sau đại học, chắc chắn áp lực về tài chính sẽ giảm. Họ sẽ tập trung hơn cho học tập và nghiên cứu và thành quả đạt được sẽ tốt hơn.
– Trong thời đại công nghiệp 4.0, chúng ta nói nhiều về tầm quan trọng của đổi mới và sáng tạo; đổi mới và sáng tạo thậm chí trở thành yếu tố sống còn đối với các tổ chức, vậy đổi mới và sáng tạo đóng vai trò thế nào trong sự phát triển của Trường CNTT&TT?
* Lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông phát triển như vũ bão trong khoảng một thế kỷ qua, mang lại sự phát triển nhảy vọt trong mọi lĩnh vực của xã hội, tự thân đã là một lĩnh vực coi đổi mới sáng tạo là sự sống còn. Mỗi tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực phải xác định nếu chúng ta đứng yên là đã tụt hậu. Chính vì vậy, trong quản lý và điều hành đơn vị, chúng tôi luôn nhìn vào mỗi vấn đề phát sinh theo hướng: “Có cách làm nào khác hiệu quả hơn không? Liệu phải thay đổi điều gì để cải thiện thực trạng?” Đặt ra những câu hỏi như vậy và đi tìm câu trả lời là một hành trình rất vất vả, đôi khi tạo ra nhiều áp lực cả hữu hình và vô hình, mà nếu không có sức trẻ, sự quyết tâm, và tinh thần tôn trọng sự sáng tạo, sự khác biệt thì tôi nghĩ sẽ dễ dàng bỏ cuộc.
Quán tính hình thành trong nhiều năm, qua nhiều giai đoạn lịch sử trong mỗi đơn vị và cá nhân là rất lớn. Thúc đẩy họ bước ra khỏi “vùng an toàn” là việc không dễ. Nhưng nếu chúng ta chứng minh được hiệu quả của cách làm mới thông qua các “dự án pilot” trong đơn vị, và quan trọng nhất, chứng minh được sự hiệu quả đó sẽ đem lại những điều tốt đẹp cho đơn vị và chính bản thân mỗi người thì tôi nghĩ thói quen sẽ thay đổi, và tinh thần đổi mới sáng tạo sẽ là dòng chảy chủ lưu.
Với tinh thần và cách làm như vậy, chúng tôi đã bước đầu gặt hái được một số thành công trong đào tạo, nghiên cứu, cơ sở vật chất và hợp tác đối ngoại như tôi vừa đề cập.
– Câu hỏi cuối cùng, ông có thể chia sẻ tầm nhìn của mình về tương lai của Trường CNTT&TT thông trong 5 năm tới?
* Là một đơn vị của ĐHBK Hà Nội, tầm nhìn của Trường nằm trong tổng thể chung của tầm nhìn ĐHBK Hà Nội. Chúng tôi luôn cố gắng nỗ lực là một thành viên có trách nhiệm, đóng góp sức trẻ, sức sáng tạo để cùng với các đơn vị khác phát triển ĐHBK Hà Nội xứng đáng với kỳ vọng của xã hội về một đại học nghiên cứu dẫn dắt, có vị trí vững chắc trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, cũng như vị thế xứng đáng trong khu vực và trên trường quốc tế.
– Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Đặc san Bách khoa. Chúc Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông ngày càng phát triển. Chúc ông sức khỏe và thành công đặc biệt trong giai đoạn nhiều thách thức hiện nay.
Theo/bulletin.hust.edu.vn