Hình thành Mạng lưới chuyển đổi Xanh Mekong, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh
Cùng với việc nghiên cứu, để xuất áp dụng cơ chế đặc thù, thí điểm phát triển kinh tế xanh, một Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong ra đời và các sáng kiến đột phá, mở đường cho một tương lai kinh tế xanh dựa trên nền tảng Khoa học công nghệ tại đồng bằng sông Cửu Long...
Tại Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 2 với chủ đề “Kinh tế xanh- Động lực mới cho phát triển” ngày 16/11/2024, mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong đã được ra mắt.
Ra mắt mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong.
Diễn đàn hướng đến tập hợp, thúc đẩy hành động của hai khu vực công- tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về phát triển đồng bằng sông Cửu Long "phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, đảm bảo hài hòa các lợi thế tự nhiên, đồng thời tạo nên những dấu ấn riêng”.
Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh nền kinh tế
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, Diễn đàn tập trung thảo luận hai “bài toán khó” đó là: Xu hướng, mô hình và giải pháp mới để phát triển kinh tế xanh, bền vững tại đồng bằng sông Cửu Long và thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo gắn với định hướng xanh hóa nền kinh tế.
Diễn đàn với sự cộng hưởng của sáng kiến hình thành Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong sẽ được duy trì, phát triển trở thành nền tảng hợp tác, đối thoại công- tư hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy định hướng kinh tế xanh trên địa bàn.
Thông qua Diễn đàn, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của vùng phát triển lên một tầm cao mới trên nền tảng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy sự ra đời các mô hình kinh tế mới hiệu quả, thiết thực.
Diễn đàn với sự cộng hưởng của sáng kiến hình thành Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong sẽ được duy trì, phát triển trở thành nền tảng hợp tác, đối thoại công- tư hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy định hướng kinh tế xanh trên địa bàn. |
Các hoạt động của Diễn đàn và Mạng lưới sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết nối nguồn lực và thị trường thời gian tới để hỗ trợ phát triển những mô hình, sản phẩm, dự án khởi nghiệp, công nghệ, dịch vụ hỗ trợ của khu vực; đảm bảo thiết thực, hiệu quả, thu hút được đa dạng nguồn lực trong và ngoài nước; đóng góp cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, phát huy tiềm năng, vị thế của các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Mạng lưới Chuyển đổi Xanh Mekong là một sáng kiến hợp tác từ hai khối công- tư nhằm thúc đẩy các giải pháp bền vững, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tại khu vực. Cơ chế hợp tác công- tư được coi là chìa khóa giúp hiện thực hóa các sáng kiến phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Mạng lưới gồm Ban Cố vấn chuyên môn, Ban thư ký và các Nhóm công tác chuyên biệt. Các nhóm này gồm: Nông nghiệp xanh- phát triển sáng kiến nông nghiệp bền vững và số hóa nông nghiệp; Du lịch xanh- thúc đẩy các mô hình du lịch bền vững và trách nhiệm; Thanh niên Mekong xanh- hướng đến nâng cao nhận thức và năng lực khởi nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực môi trường.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao cách làm sáng tạo và mục tiêu của Diễn đàn, góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đây không chỉ là minh chứng cho sự thành công mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.
Đặc biệt việc ra mắt Mạng lưới Chuyển đổi Xanh Mekong là một sáng kiến hợp tác công- tư nhằm thúc đẩy các giải pháp bền vững, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế khu vực.
Nghiên cứu đề xuất cơ chế đặc thù, thí nghiệm thử nghiệm
Để hiện thực hóa các ý tưởng, Bộ trưởng đề nghị các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù, thí nghiệm, thử nghiệm, đồng thời gắn kết các cơ chế này với các chương trình, dự án lớn đã và đang triển khai tại khu vực nhằm tích hợp năng lực đổi mới sáng tạo vào các nhiệm vụ kinh tế xã hội của địa phương, vùng và quốc gia.
Cùng với đó cần nhận diện và tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo theo định hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thị trường khoa học công nghệ, doanh nghiệp khoa học công nghệ; thực hiện các giải pháp cải tiến nhằm nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo (PII) của từng địa phương.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt: Bộ đang xây dựng dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và các quyết định liên quan, tập trung vào các cơ chế chính sách đột phá nhằm thúc đẩy hệ sinh thái doanh nghiệp sáng tạo.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc tăng cường liên kết vùng, đầu tư nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ thông qua phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực chất lượng cao và huy động các nguồn lực ngoài ngân sách. Đồng thời huy động các trường, viện nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia giải quyết các vấn đề khó khăn của khu vực; nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết đang xây dựng dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và các quyết định liên quan, tập trung vào các cơ chế chính sách đột phá nhằm thúc đẩy hệ sinh thái doanh nghiệp sáng tạo. Bộ cũng đã ban hành Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030. Do đó, các địa phương cần tích cực tham gia để tận dụng nguồn lực, đẩy nhanh mục tiêu phát triển kinh tế xanh của khu vực.
Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) nhấn mạnh xu hướng toàn cầu và các giải pháp thích ứng là nguồn cảm hứng quan trọng để đổi mới trong nông nghiệp xanh. Hiện nay, hệ thống sản xuất thực phẩm hiện chiếm khoảng 1/3 lượng phát thải toàn cầu, trong khi nông nghiệp, công nghiệp gây thoái hóa đất, phá rừng và mất đa dạng sinh học.
Từ những khoảng trống chính sách khiến việc chuyển đổi sang kinh tế xanh còn gặp khó khăn, chuyên gia này đề xuất các giải pháp: Nông nghiệp chính xác với sự hỗ trợ của hệ thống giám sát, phân tích dữ liệu và hạ tầng hiện đại; Chuyển đổi phụ phẩm thực phẩm thành năng lượng hoặc các sản phẩm khác để tăng giá trị; Ứng dụng công nghệ AI, IoT và phân tích dữ liệu nhằm giám sát đất, đánh giá sức khỏe cây trồng và quản lý nước.
Trong lĩnh vực du lịch, các chuyên gia đề cao vai trò tăng cường hợp tác công- tư, tạo môi trường để cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng và startup phối hợp triển khai các sáng kiến, sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để quản lý và nâng cao trải nghiệm du lịch xanh; chính sách ưu đãi và hỗ trợ tài chính cần đẩy mạnh các gói hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào du lịch xanh…
Còn đại diện Quỹ đầu tư tác động VinaCarbon đề xuất những yếu tố đẩy mạnh phát triển các quy định về thị trường carbon, xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến tín chỉ carbon, dự án rừng và sử dụng đất. Quỹ này nhận định, việc thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn sẽ góp phần gia tăng nguồn lực phát triển kinh tế xanh.