Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) chuyển đổi số (CĐS) đặt mục tiêu tối thiểu 50.000 người/năm được tiếp cận, cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về CĐS cho DN; tối thiểu 30.000 DN/năm được trải nghiệm các nền tảng số để CĐS DN; thiết lập được Mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn thúc đẩy CĐS.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ban hành Quyết định Phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) chuyển đổi số (CĐS).
Chương trình có mục tiêu đẩy nhanh việc CĐS trong SMEs thông qua việc sử dụng các nền tảng số xuất sắc do Chương trình lựa chọn; các hoạt động của Chương trình nhằm giúp các SMEs tối ưu hoá hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp (DN), góp phần phát triển kinh tế số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn.
Để thực hiện mục tiêu đó, Chương trình sẽ lựa chọn và huy động được các nền tảng số xuất sắc tham gia Chương trình với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các SMEs sử dụng nền tảng số để đẩy nhanh CĐS DN.
Đồng thời, Chương trình cũng đặt mục tiêu tối thiểu 50.000 người/năm được tiếp cận Chương trình, cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về CĐS cho DN; tối thiểu 30.000 DN/năm được trải nghiệm các nền tảng số để CĐS DN; thiết lập được Mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn thúc đẩy CĐS.
Đối với các DN, đặc biệt là SMEs, hợp tác xã, hộ kinh doanh có nhu cầu CĐS để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; các DN nền tảng số, cơ quan, tổ chức, hiệp hội, viện, trường có các công nghệ số, nền tảng số, và các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động CĐS trong DN là các đối tượng có thể tham gia chương trình.
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho doanh nghiệp.
Các hoạt động chính của Chương trình này như: Lựa chọn các nền tảng xuất sắc tham gia Chương trình, trong đó có tổ chức đánh giá, lựa chọn các nền tảng số xuất sắc phù hợp; trao đổi, ký kết thoả thuận với DN cung cấp nền tảng số xuất sắc tham gia Chương trình.
Bên cạnh đó, xây dựng, vận hành Cổng thông tin điện tử của Chương trình, cụ thể sẽ xây dựng và duy trì, vận hành Cổng thông tin điện tử của Chương trình tại địa chỉ http://smedx.vn và http://smedx.mic.gov.vn để cung cấp thông tin về Chương trình; cung cấp kiến thức, tài liệu về CĐS DN; là đầu mối cho các SMEs đăng ký tham gia Chương trình và sử dụng các nền tảng số của Chương trình; là sàn giao dịch hỗ trợ các SMEs CĐS và truyền thông, tuyên truyền.
Ngoài ra, Chương trình cũng sẽ triển khai các khoá tập huấn, đào tạo về CĐS cho DN; tư vấn, hỗ trợ DN CĐS; tổ chức hội thảo, hội nghị và phối hợp với các bộ, ban ngành, địa phương và các hiệp hội, các bên có liên quan để triển khai Chương trình. Hàng năm sẽ tổ chức 3 hội thảo khu vực Bắc, Trung, Nam về CĐS cho các SMEs.
Hiện nay, trong kỷ nguyên 4.0, chuyển đổi số là chìa khóa tất yếu cho sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Lợi ích vượt trội của chuyển đổi số mang lại như: Tối ưu chi phí hoạt động, cải thiện trải nghiệm khách hàng, tạo ra mô hình kinh doanh mới… Đây cũng chính là những yếu tố đảm bảo sự sống còn của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đứng vững giữa sự phát triển như vũ bão của kỷ nguyên số.
Với sự phát triển của công nghệ số, tự động hóa tại ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt nhất với chi phí tối ưu nhất, giá trị sản phẩm được tăng cao. Đó cũng là cơ sở vững chắc để doanh nghiệp nâng cao vị thế cạnh tranh, đứng vững trên thị trường.
Phương Mai (t/h)