Học chụp ảnh cùng...nhiếp ảnh gia Ted Engelmann

07:30, 13/03/2012

Chỉ trong 2 ngày, nhiếp ảnh gia người Mỹ đã có những chia sẻ và trao đổi nghiệp vụ thú vị từ lý thuyết, tới thực tế cùng một nhóm các bạn trẻ Việt Nam…


 

Ted Engelmann đã có hơn 30 năm đi khắp nơi trên thế giới và ghi lại những hình ảnh sống động về những quốc gia từng trải qua chiến tranh, đặc biệt là đất nước Việt Nam.

 

Nhiếp ảnh gia Ted Engelmann cũng chính là người đã cất công đi tìm để trao tận tay gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm chiếc đĩa CD ghi lại cuốn nhật ký đầy cảm động của người nữ bác sĩ đã anh dũng hy sinh, cuốn nhật ký có lửa mà cựu chiến binh Federic Withurs đã không đốt mà lưu giữ trong nhiều năm.


 

Ông cũng đã giảng dạy nhiều lĩnh vực liên quan đến Lịch sử, Khoa học, Nghệ thuật Ngôn ngữ và nghệ thuật hình ảnh… Trong những năm qua, ông tình nguyện làm việc cho tổ chức Camera Obscura Gallery, một trong những gallery nghệ thuật hình ảnh lâu đời nhất ở Mỹ.

 

Hai tiếng một ngày, vừa đủ để “thấm và hiểu”

 

Tạo điều kiện cho các PV-BTV ảnh của một số báo, tạp chí chuyên ngành BCVT-CNTT có cơ hội nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng chụp ảnh, và cũng là một trong những hoạt động mở đầu cho kế hoạch 6 tháng đầu năm của Liên chi hội Nhà báo TT-TT, Liên chi Hội đã tổ chức buổi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm dành cho các phóng viên, nhà báo với nghệ sĩ nhiếp ảnh, cựu binh người Mỹ - Ted Engelmann trong 2 ngày tuần đầu tháng 03/2012…

 

Trong một không gian quán khá yên tĩnh tại Café Cilemax, Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt Xô, hơn 10 phóng viên, nhà báo đã có dịp lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm chụp ảnh và những mẩu chuyện mà nhân vật chính là những “bức ảnh” trong suốt quãng đường hơn 30 năm cầm máy ảnh của Ted Engelmann. Với slide trình chiếu đơn giản, một series nhỏ những tác phẩm ảnh đen trắng của mình (một trong những bức ảnh tâm đắc sẽ được đưa vào cuốn sách ảnh của ông), Ted đã chia sẻ khá kỹ kinh nghiệm chụp ảnh, cơ bản kỹ thuật, sức sáng tạo, và nhất là kinh nghiệm “tác chiến” độc lập mà tiên quyết cần phải có sự say mê, yêu thích và tính kiên nhẫn dường như không giới hạn để có được bức ảnh như ý.

 


Nhiếp ảnh người Mỹ Ted Engelmann chia sẻ kinh nghiệm chụp qua những bức ảnh đen trắng


Lần đầu gặp, khi cuộc “hội thảo” nhỏ mới diễn ra, vẫn còn chút bỡ ngỡ, e dè từ phía “sân nhà”, mà có lẽ khoảng cách lớn nhất không bởi ngôn ngữ, mà là góc nhìn văn hóa và nghệ thuật. Nhưng càng về cuối, “tiếng nói chung” càng rõ nét, các phóng viên, nhà báo đã cởi mở hơn, rồi thảo luận, hỏi đáp khá sôi nổi, nhất là khi Ted trình chiếu những bức ảnh chụp về chiến tranh tại Iraq và Afghanistan. Nào là: Bức ảnh này ông chụp trong bối cảnh nào? Ông dùng chế độ chụp gì? Ông có quan tâm tới bố cục của bức ảnh? Những bức ảnh ông chụp có tính xâu chuỗi, gắn kết dạng một phóng sự ảnh hoàn thiện, hay chỉ là những “cá thể độc lập” mang tính ngẫu hứng…?

 



Các phóng viên ảnh của các báo ngành TT&TT trao đổi với nhà nhiếp ảnh Mỹ


Chỉ lắng nghe và quan sát, nhưng tôi nhận thấy nhiếp ảnh gia người Mỹ rất cởi mở, luôn gợi ý để các “hội thảo viên” hỏi và thảo luận. Nói về cơ bản tính nghiệp vụ, cũng như cái duyên đến với nghiệp nhiếp ảnh, Ted chia sẻ: “Bố tôi cũng là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, và cũng từng làm báo. Tôi được bố cho làm quen và dạy về ảnh từ khi còn là một cậu bé. Bản thân tôi, cũng rất thích, hay mày mò, khám phá những bức ảnh; và rồi tôi biết đến ảnh báo chí từ khá sớm, tuy nhiên, đây không phải là con đường tôi lựa chọn. Hơn 30 năm chụp ảnh, khởi đầu cũng khó khăn như nhiều người, cần có thời gian làm quen, tìm hiểu về nghề và thiết bị, với tôi, đi đâu cũng chụp, thấy gì chụp nấy. Vừa chia sẻ vừa cười vui vẻ, một câu nói dí dỏm, rất ngắn nhưng đủ ý của Ted “Everywhere I go, Everytimes I do” - hiểu đơn giản là “chụp ảnh mọi nơi, mọi lúc”. Khi chụp một bức ảnh, tôi có thói quen bấm máy 3 lần, sau đó chọn ra bức ảnh mà mình ưng ý nhất. Để có được bức ảnh thực sự tâm đắc, thì phải “đi săn”, mùa nào trong năm cũng đi săn được, mỗi mùa lại có một góc sáng tạo khác nhau. Mỗi lần đi săn, được một vài “chiến lợi phẩm” thực sự tâm đắc là tốt lắm rồi”.

 

Bức ảnh có tên "Sương mù" (Fog) - ảnh: Ted Engelmann



Tạo hóa ban tặng cho cây trong bức ảnh, dáng như một ca sĩ đứng hát giữa đất trời. Bức ảnh có tên: Diva
ảnh: Ted Engelmann



Bức ảnh Stand Alone (tạm dịch là "Đơn côi") - ảnh: Ted Engelmann


Một trong những tác phẩm ảnh mà Ted hào hứng “trình diễn”, đó là một chùm ảnh nhỏ về cây cối, thiên nhiên trên đỉnh núi Rocky quê hương ông. Mỗi chuyến đi săn ảnh như thế ít cũng một tuần, và trong một ngày, có khi chỉ có 1 đến 2 khoảnh khắc mà sự may mắn cũng như kinh nghiệm mang lại bức ảnh như ý. “Thời tiết ở trên đỉnh núi cao luôn khác biệt, thay đổi từng phút, nên bạn cần hết sức kiên nhẫn, đi nhiều thì phải rèn luyện được mắt quan sát tốt, chọn cảnh, chọn thời điểm và chờ đợi, kiên nhẫn “rình mồi”, ánh sáng tự nhiên luôn là đẹp nhất, huyền diệu, trên đỉnh núi cao sương tuyết phủ dày, có lúc ban mai le lói ánh mặt trời, khi đó là khoảnh khắc tuyệt vời cho đích ngắm sẽ có thể là tác phẩm nghệ thuật tâm đắc của bạn. Khi đó, kinh nghiệm cũng như những kỹ năng thực tế đã được tôi rèn sẽ giúp bạn có được bức ảnh như ý”, Ted nói thêm.

 

Bức ảnh đẹp, phải có thông điệp riêng

 

Sở trường của Ted Engelmann là ảnh đen trắng, nến khi nói đúng chủ đề, ông hào hứng và nhiệt huyết hơn hẳn. Ông dùng chính và thường chụp là máy ảnh phim hiệu Leica và Hasselbad. Với ông, chụp máy phim mới gọi là nghệ thuật thực sự, bởi chỉ có máy ảnh chụp phim mới bộc lộ hết tư duy nhiếp ảnh, sức sáng tạo cũng như niềm say mê chụp ảnh của người cầm máy. Tuy vậy, khi đoàn phóng viên, nhà báo đề xuất buổi đi thực tế vào ngày hôm sau (ngày 07/03/2012), và tất nhiên ai cũng dùng máy ảnh kỹ thuật số, nên ông cũng vui vẻ mang theo chiếc máy ảnh số của mình, chiếc Canon EOS 5D Mark II (một điều lạ, tôi để ý thấy, Ted dùng băng dính đen “cột chặt” đèn flash đi kèm máy ảnh. Có lẽ, như ông từng chia sẻ, không gì đẹp bằng ánh sáng tự nhiên được).

 

Đã có buổi tập huấn lý thuyết, nên buổi thực tế sáng ngày 07/03, khí thế của đoàn phóng viên, nhà báo khác hẳn, ai cũng “lăm lăm” tay máy, sẵn sàng “ngắm là chụp”. Điểm dừng chân đầu tiên trong ngày rằm, nắng đẹp là ở Phủ Tây Hồ, khá đông người đi lễ, nên “thầy và trò” chẳng mấy có cơ hội trao đổi nghiệp vụ. Tuy vậy, Ted và “đồng đội” cũng có được vài bức ảnh, chứ chẳng lẽ khi đi khí thế như vậy, khi về lại tay không.

 

Chặng thứ hai, trên đường về, qua chùa Trấn Quốc, khá may mắn, người ra vào thưa thớt, và bên ngoài, trên đường vào đang tu sửa lại, nắng đẹp, nên cả đoàn thi nhau tác nghiệp, từ ngoài vào trong, đến điểm cuối là sân chùa trong cùng nơi có cây Bồ đề lớn (do Tổng thống Ấn Độ tặng, có đến hơn 50 năm tuổi), loanh quanh cũng khá nhiều tác phẩm ảnh được ghi lại, mà một trong những bức ảnh được đánh giá cao nhất, lại là bức ảnh “thầy” Ted “chớp được” chú chim bồ câu khi đang cất cánh, rời khỏi mái chính điện trong chùa…

 



Một "chớp" ảnh của Ted Engelmann


Bức ảnh phong cảnh này theo Thầy là hơi xấp bóng (Ảnh: Ngọc Ninh, Tạp chí Xã hội Thông tin)


Góc chụp này thầy cho là đủ ánh sáng hơn


Suốt buổi sáng hôm đó, hỏi đáp, thảo luận sôi nổi , tất nhiên chỉ xoay quanh chủ đề nhiếp ảnh, chụp ảnh. Nói về kỹ năng, thao tác chụp ảnh thì có lẽ chỉ một chủ đề như chụp ảnh hoa, cây cối cũng mất cả ngày. Tuy nhiên, thầy Ted, nhấn mạnh: “Xem một bức ảnh, ngoài việc thấy được sức sáng tạo, tư duy nghệ thuật, kỹ năng chụp ảnh của người cầm máy; quan trọng nhất, bức ảnh được chụp phải có nội dung cụ thể, truyền tải được tới người xem thông điệp nhất định, ý nghĩa về sự vật hiện tượng. Nếu không, ảnh đẹp, nét đến mấy, cũng chỉ là bức ảnh “chết” mà thôi”.

 

Phóng viên hỏi về kỹ năng chụp ảnh chân dung người, thầy Ted chia sẻ: Thường các bạn có thể chụp đứng máy, hoặc ngang máy (rồi cúp lại), tuy nhiên, theo tôi, hiệu quả là bạn xoay ống kính chụp đứng máy. Dễ chụp và chụp đẹp nhất là khi chụp ngoài trời, có nắng vừa phải, bạn đừng để ống kính đối diện với người được chụp, nên chọn góc hơi chếch, sao cho “đón được” ánh sáng xiên (cả trước và sau khuôn mặt người cần chụp), kết hợp khoảng tối tự nhiên, khi đó bạn sẽ có được bức ảnh như ý, mà không phải lo về ánh sáng.

Thầy trao đổi về lấy ánh sáng, góc chụp ảnh chân dung


Bức ảnh chân dung của PV Đoàn Ngọc Ninh, Tạp chí Xã hội thông tin được thầy đánh giá cao


 

Máy ảnh số rất phức tạp, và dễ khiến người ta biến thành nô lệ của thiết bị, công nghệ nếu người chụp không thực sự “say nghề”, coi máy ảnh như một phần huyết mạch cơ thể. Bởi máy ảnh số rất nhiều chế độ chụp khác nhau, hỗ trợ giúp người chụp hạn chế những yếu tố từ tự nhiên, nghe thì có vẻ hiệu quả, nhưng bạn rất dễ mắc sai lầm; vì ngay với tôi cũng thế, có khi muốn phát điên lên được vì những lựa chọn các chế độ chụp. Trong khi đó, với máy ảnh phim thì bạn chẳng phải lo vấn đề này.


Dù là "tai nạn" nhỏ, ảnh bị mất nét, nhưng cũng minh chứng được sự phức tạp ở máy ảnh kỹ thuật số

(ảnh Ted chụp từ máy 5D Mark II)


 

Mỗi bức ảnh cần thể hiện giá trị thông tin nhất định. Và tất nhiên, hoàn thiện hơn cả, bạn cần chụp được những bức ảnh có tính gắn kết lịch sử với bức ảnh đã chụp, qua đó chắc chắn bạn sẽ chuyển tải được nội dung, ý nghĩa tới người xem. Ví như năm 1989, tôi sang Việt Nam và ở Hà Nội, tôi chọn góc chụp trên nóc một tòa nhà cao tầng, chụp lại ảnh Đại sứ quán Mỹ, có quang cảnh xung quanh. 6 năm sau, cũng với góc chụp đó, một bức ảnh khác mà quang cảnh xung quanh đã thay đổi nhiều, cây cối mọc lên xanh mướt, che lấp dần Đại sứ quán. Và đến năm 1999, cũng vẫn góc chụp đó, tôi chụp lại, bạn biết không, điều gì đã xảy ra, xung quanh không chỉ cây cối bao phủ, mà nhà cao tầng mọc lên san sát. Và so với bức ảnh chụp năm 1989, Đại sứ quán Mỹ đã “không còn” ở đó nữa.


Ảnh chụp Đại sứ quán Mỹ năm 1989


Ảnh chụp Đại sứ quán Mỹ năm 1995


Ảnh chụp Đại sứ quán Mỹ năm 1997

Ảnh chụp Đại sứ quán Mỹ năm 1999
Ảnh: Ted Engelmann

 

Quốc Dũng

* Bài sử dụng ảnh tư liệu của đồng nghiệp và nhiếp ảnh gia Ted Engelmann