Hội nghị tổng kết Chương trình KH&CN thúc đẩy xây dựng nông thôn mới
Chiều ngày 3-10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổng kết Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2021; triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025.
Quang cảnh hội nghị.
Để thúc đẩy thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới. Chương trình được triển khai liên tục, có tính kế thừa qua hai giai đoạn: Giai đoạn I (2011-2015, kéo dài đến 2017); Giai đoạn II (2016-2020, kéo dài đến 6/2022).Các đề tài, dự án của Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới là tài liệu tham khảo đóng góp trực tiếp cho các chuyên đề về cơ sở lý luận về phát triển nông nghiệp, nông thôn…
Theo đó, tất cả các đề tài, dự án đều có kết quả công bố trên các tạp chí khoa học công nghệ chuyên ngành, số bài báo công trình được công bố là 152 trong đó có 6 bài báo quốc tế.
Chương trình đã xây dựng được 208 mô hình, trong đó có 131 mô hình sản xuất và liên kết, 77 mô hình quản lý, môi trường, du lịch trên cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ. Số sản phẩm mới là 339 sản phẩm, số kiến nghị, giải pháp, chính sách đã đề xuất là 160.
Toàn bộ các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đều có sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp. Trong đó, 60% các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với các nhóm sản phẩm chủ lực. Các đề tài, mô hình trong quá trình tuyển chọn và thực tế đã chuyển giao được các công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với các vùng miền, tăng hiệu quả sản xuất từ 25% trở lên và góp phần tăng thu nhập cho nông dân từ hơn 20% trở lên.
Các đề tài, dự án thuộc Chương trình thực hiện đều đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ cho đối tượng chuyển giao công nghệ và nhận chuyển giao công nghệ ở nông thôn, thực tế đã lồng ghép vào các nhiệm vụ đã đào tạo được hơn 11.000 kỹ thuật viên, nông dân. Ngoài ra, Chương trình nâng cao năng lực tiếp nhận, duy trì và nhân rộng các quy trình, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật tiếp tục được củng cố.
Cụ thể, tái sử dụng phế phụ phẩm (rơm) hơn 80% diện tích được thu gom, tăng thu nhập thêm từ 500 đến 800 nghìn đồng/ha; Ứng dụng cơ giới hóa trên 100% diện tích làm đất, thu hoạch, tưới nước trồng lúa; 60% diện tích cấy lúa được cơ giới hóa; Áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm trên 19,9% diện tích cây ăn trái; 63,2% diện tích rau màu…Để thực hiện các nội dung trên, kinh phí của giai đoạn 2016-2020 là 585.762 triệu đồng…
Tuy nhiên, chương trình còn tồn tại một số khó khăn như: việc lồng ghép với các chương trình khoa học công nghệ còn hạn chế; còn ít mô hình mang tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng để tạo ra hiệu quả đồng bộ trong phát triển nông thôn...
Theo Phó Viện trưởng viện quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia Bộ Xây dựng Phạm Thị Nhâm, Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và 2030 là cơ hội để nhận diện, làm rõ đề xuất các giải pháp đối với các làng xã nông thôn chịu tác động đô thị hóa chuyển đổi từ vùng nông thôn sang đô thị. Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cần bảo vệ và duy trì các làng xã thuần nông gắn với văn hóa bản địa và thiên nhiên cần thiết, bảo đảm công bằng xã hội và cân bằng phát triển giữa vùng đô thị hóa cao và vùng nông nghiệp, nông thôn thuần túy.
hát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh vai trò đặc biệt của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và cho rằng từ nhu cầu thực tế, khoa học công nghệ có rất nhiều dư địa để phát triển. Về việc thực hiện chương trình trong giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: "Xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học có thể từ "trên" đưa xuống nhưng cũng có thể xuất phát từ thực tiễn trên đồng ruộng của nông dân, địa phương. Chúng ta cần đặt ra câu hỏi và dùng khoa học công nghệ để giải quyết những câu hỏi đó".
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đặt vấn đề: Nên tập trung thực hiện những đề tài lớn hay đề tài nhỏ? Hiện nay, các bước xây dựng, xét duyệt đề tài đang mất rất nhiều thời gian. Do đó, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cần tham mưu Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới xây dựng danh sách đề tài trước, sau đó trao đổi, bàn bạc, rút gọn và thực hiện các bước tiếp theo để rút ngắn thời gian thực hiện đề tài.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý, nếu một đề tài tuy nhỏ nhưng có thể thực hiện ở nhiều địa phương tương đồng thì sức lan tỏa sẽ rất lớn thay vì việc thực hiện một đề tài rất lớn nhưng lại khó ứng dụng rộng rãi.
Các đề tài khoa học cũng cần được tiếp thị, quảng bá, chuyển giao đến người dân. Chỉ khi thị trường chấp nhận thì đề tài mới thành công.
"Không chỉ chuyển giao khoa học công nghệ thông qua đề tài mà còn là chuyển giao tính chuyên nghiệp, sự hiểu biết, kỹ năng, chuẩn hóa cho nông dân, hợp tác xã. Mong rằng, mỗi nhà khoa học đến với nông dân chính là cơ hội giúp nông dân nâng cao tri thức, tăng năng suất lao động, tạo sức bật mới cho nông nghiệp, nông thôn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bảo Trân (T/h)