TP. Đà Nẵng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo các Nghị quyết chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo

13:00, 15/11/2024

Ngày 15/11, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo các Nghị quyết chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố (lần thứ hai).

Hội nghị do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng (Sở TT&TT) chủ trì tổ chức, với sự tham dự phát biểu chỉ đạo định hướng của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh và sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban ngành trung ương; đại diện các Hội, Hiệp hội trung ương; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo trong Cộng đồng doanh nghiệp vi mạch Việt Nam.

Quang cảnh diễn ra Hội nghị. 

Hội nghị lần này nhằm lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ban ngành trung ương, các Hội, Hiệp hội trung ương và các doanh nghiệp, đối tượng thụ hưởng về 03 dự thảo Nghị quyết chính sách do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng để cụ thể hoá Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội ngày 26/6/2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, cụ thể như sau:

1. Chính sách phát triển nguồn nhân lực: Trong đó tập trung quy định tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng và chính sách hỗ trợ về chế độ đãi ngộ về thu nhập, chi phí lưu trú đối với các chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố; các chương trình, dự án được ngân sách Thành phố hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; hỗ trợ một phần chi phí thuê nhân lực có trình độ chuyên môn cao làm việc tại các doanh nghiệp là đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố.

2. Nghị quyết quy định các nội dung để xác nhận doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TP. Đà Nẵng để hưởng các chính sách miễn thuế, ưu đãi thuế trong 05 năm cho doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

3. Chính sách quản lý, khai thác, vận hành, hỗ trợ tài sản kết cấu hạ tầng thông tin: Trong đó tập trung quy định trình tự, thủ tục hỗ trợ nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tối đa 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ sản xuất, chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ, chi phí đối với các dự án đầu tư mới; quy định trình tự, thủ tục cho đối tác chiến lược thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá; hỗ trợ chi phí thuê tài sản kết cấu hạ tầng thông tin; sử dụng miễn phí mặt bằng tại Khu Công viên phần mềm số 2.

Ông Hồ Kỳ Minh, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hồ Kỳ Minh, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho biết, ngày 26/6/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 136/2024/QH15 (Nghị quyết 136) về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Trong Nghị quyết 136 của Quốc hội có 2 nội dung, trong đó một nội dung liên quan đến thực hiện chính quyền đô thị, một nội dung liên quan đến các cơ chế, chính sách đặc thù. Trong chính đó có 3 nhóm lớn là bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, hạ tầng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; khu thương mại tự do. Đối với lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, kể từ tháng 10/2023 sau khi Tổng thống Mỹ Biden đến thăm Việt Nam và ký thoả thuận hợp tác chiến lược toàn diện trong đó có tập trung về bán dẫn, trí tuệ nhân tạo thì Đà Nẵng đã ưu tiên nguồn lực để triển khai. Để triển khai nội dung này thì có 3 nhóm, về cơ sở vật chất, hiện Đà Nẵng đã dành khu đất 5ha để đầu tư Khu Công viên phần mềm số 2 với tổng giá trị 1.400 tỷ. Dự kiến toà nhà đầu tiên sẽ đưa vào hoạt động vào tháng 1/2025, và toà nhà còn lại sẽ đưa vào hoạt động tháng 12/2025.

Đây là Khu Công nghệ thông tin (CNTT) duy nhất tại Việt Nam được Thủ tướng công nhận là Khu CNTT tập trung được cho thuê, nhưng phải thông qua đấu giá. Đối với nhà đầu tư chiến lược thì được phép cho thuê trực tiến không phải thông qua đấu giá. Về đào tạo nguồn nhân lực, trên cơ sở các trường đại học và các trường khác trên toàn quốc đã thành lập Liên minh đào tạo giữa Đà Nẵng với các trường đại học ở Việt Nam và trên thế giới. Liên quan đến chính sách, Sở TT&TT Đà Nẵng đã tham mưu thành phố 3 Nghị quyết để trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành. Một là tiêu chí xác định thế nào là doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn. Hai là nghị quyết về khai thác sử dụng kết cấu hạ tầng CNTT phụ vụ cho linh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Ba là hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ cho lĩnh vực, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.​

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng phát biểu tại Hội nghị. 

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng trình bày Báo cáo tóm tắt dự thảo các Nghị quyết chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. 

Các đại biểu chia sẻ và đóng góp các ý kiến chi tiết về Dự thảo các Nghị quyết chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

TS. Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh Công ty Synopsys Nam Á cho biết, hiện nay công ty đang có hơn 300 kỹ sư ở Đà Nẵng, kế hoạch trong những năm tới có thể có thêm hàng nghìn kỹ sư. Ngày 30/8 trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư vi mạch bán dẫn Đà Nẵng, Synopsys đã ký biên bản thoả thuận hợp tác với Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico về thành lập công ty trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch. Synopsys kỳ vọng làm nhà máy đúc chip đầu tiên ở Đà Nẵng và mong muốn đẩy nhanh tiến triển công việc để nhanh chóng đưa vào hoạt động. Ông Lâm đánh giá cao tốc độ làm việc, sự hỗ trợ rất chi tiết của Sở TT&TT Đà Nẵng. 

TS. Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh Công ty Synopsys Nam Á.

Theo ông Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm VINASA, Đà Nẵng nhiều năm liền đứng đầu về đô thị thông minh nhưng khả năng về IoT và đầu ra của bán dẫn cần nỗ lực thêm nữa. Vì vậy, ông Quang khuyến nghị bổ sung thêm các chính sách để cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phát triển đầu ra. 

Ông Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm VINASA.

Nhận xét chi tiết dự thảo, ông Đặng Vũ Tuấn, Phó Phủ tịch Hội Truyền thông số đánh giá cao bản dự thảo ít phần định tính nhiều phần định lượng. Dự thảo đang cho thấy nguồn nhân lực là quan trọng nhất, do đó phải dùng các chính sách đặc thù cao nhất để thu hút và phát triển nguồn nhân lực. Ông Tuấn đề nghị thêm tổ chức nghiên cứu và đào tạo chuyên biệt về thành phố Đà Nẵng.

Đặng Vũ Tuấn, Phó Phủ tịch Hội Truyền thông số.

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, Đà Nẵng cần làm rõ định nghĩa kết cấu hạ tầng phát triển CNTT. Về chính sách thu hút nguồn nhân lực nên có chính sách mạnh hơn, có tính dài hơi để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học về đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố. Tại điều 14 của Nghị quyết 136 quy định 3 hỗ trợ về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp chip bán dẫn và doanh nghiệp trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ nhân lực và hỗ trợ con người. Ông Hoan cho rằng, cần phải xác định rất chính xác, tường minh về định nghĩa doanh nghiệp chip.​

Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Ths. Nguyễn Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam đề xuất hỗ trợ các trường hợp làm việc online, blockchain, AI. Mục tiêu cần phải cụ thể để khi thực thi mới đem lại hiệu quả cao. Ths. Nguyễn Long rất hoan nghênh việc kéo nguồn nhân lực về các trường đào tạo Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc thu hút nhân tài không phải dễ nên cần có mô hình, chính sách thu hút đặc biệt hơn.​

Ths. Nguyễn Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội nghị, TS. Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam cho rằng, trong dự thảo Nghị quyết về kết cấu hạ tầng, không nên đưa các quy trình chuyển giao cho đơn vị Nhà nước vào cùng các điều tại Nghị quyết này để tránh nhầm lẫn. Với các đối tác chiến lược, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp lớn thì chính sách quan trọng hơn là hỗ trợ về tài chính.

"Cần có các khảo sát, nghiên cứu về các đối tượng thụ hưởng chính sách xem họ có thích với các chính sách mình đưa ra không, có cần không. Tôi nghĩ các đối tác, doanh nghiệp họ quan tâm nhiều hơn đến cơ chế thuế, chính sách thuê đất…", TS. Lê Hồng Hà nhấn mạnh.

TS. Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục Phó tập sự Cục Công nghiệp công nghệ thông tin (Bộ TT&TT) cho rằng, những cơ chế, chính sách của Đà Nẵng đưa ra thì chưa có địa phương nào làm. Ông Tuấn đánh giá những nội dung trong dự thảo sẽ đáp ứng được mong mỏi của doanh nghiệp.

"Tuy nhiên, Đà Nẵng nên cấu trúc lại các nội dung để các đối tượng thụ hưởng dễ hiểu hơn", ông Tuấn nhấn góp ý.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục Phó tập sự Cục Công nghiệp công nghệ thông tin.

Bà Mai Thị Như, đại diện Intel đánh giá cao về sự điều hành, chính sách phát triển của Đà Nẵng. Intel đang cố gắng để đưa nguồn mở (Open Platform) vào chương trình đào tạo của Đà Nẵng. Bà đánh giá chính sách của Đà Nẵng chi tiết, cụ thể, tin chắc sẽ ngày càng hoàn thiện để thu hút đầu tư và phát triển ngành bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo. 

Bà Mai Thị Như, đại diện Intel.

Ông Phạm Kim Cương, đại diện VinAI cho rằng, Đà Nẵng cần có những chính sách cụ thể hơn để thu hút nhân tài trong lĩnh vực vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố.

Ông Phạm Kim Cương, đại diện VinAI.

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, ông Nguyễn Tùng Lâm, đại diện Sovico cho rằng, dưới góc nhìn của doanh nghiệp và các nhà đầu tư, điều quan tâm nhất là về chính sách ưu đãi, hỗ trợ và lộ trình thời gian. Về vấn đề làm sao để thu hút chuyên gia bán dẫn, CNTT, AI, …. Trong dự thảo có nêu ra các ưu đãi như về thuế thu nhập cá nhân, cần nói rõ hơn được giảm bao nhiêu %. Đối với chính sách Visa và giấy phép lao động cho các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam cần thân thiện. Về hạ tầng, trong Nghị quyết 136 nói rõ về ưu đãi cho nhà đầu tư chến lược về đất đai sẽ được chấp thuận chủ trương không thông qua đấu thầu, được thuê trực tiếp hạ tầng thông tin không qua đấu giá. Cần có bình đẳng cho cả các nhà đầu tư trong nước. Có thể bổ sung giá thuê theo giá ưu đãi cho cụ thể hơn. 

Đại diện Sovico chia sẻ tại Hội thảo

Lãnh đạo Đà Nẵng trân trọng cảm ơn, ghi nhận và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp đã chia sẻ tại nghị. Trên cơ sở các góp ý, kiến nghị của đại biểu tham dự nghị, Đà Nẵng sẽ tiếp thu, hiệu chỉnh, bổ sung vào dự thảo các Nghị quyết chính sách để cấp thẩm quyền kịp thời ban hành và áp dụng vào đầu năm 2025.

Các Nghị quyết do thành phố ban hành được kỳ vọng sẽ có tác động đột phá trong việc thu hút doanh nghiệp, tập đoàn lớn quan tâm đầu tư tại thành phố, thu hút các chuyên gia về làm việc cho thành phố, giúp Đà Nẵng thu hút và xây dựng cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhân lực vững mạnh và bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo của thành phố nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Trước đó vào ngày 07/11/2024, UBND thành phố đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các dự thảo Nghị quyết tại Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng với sự tham dự của hơn 50 đại biểu đến từ các Sở, ban ngành, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, hiệp hội trên địa bàn thành phố. Hội thảo lần thứ nhất nhận được tổng cộng 21 ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự trực tiếp và 36 ý kiến góp ý trực tuyến thông qua phiếu khảo sát do Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng.