Hội Tự động hóa TP. Hồ Chí Minh (HAuA) thăm và làm việc tại doanh nghiệp hội viên về chuyển đổi số
Từ ngày 06-13/9/2024, PGS.TS Lê Hoài Quốc, Chủ tịch HAuA đã có chuyến thăm và làm việc với 6 doanh nghiệp hội viên. Chuyến thăm của lãnh đạo HAuA nhằm nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như thực trạng chuyển đổi số của các doanh nghiệp hội viên.
Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu và là động lực thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình này vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các cá nhân, đơn vị quan tâm đến Lĩnh vực Tự động hóa, lãnh đạo HAuA và các doanh nghiệp hội viên cũng rất quan tâm đến chuyển đổi số trong chính doanh nghiệp của mình.
Chuyển đổi số là “câu chuyện không của riêng ai”, các doanh nghiệp hội viên HAuA đều nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số và bắt đầu ứng dụng các công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặc dù có nhiều doanh nghiệp đã đạt được những thành công nhất định, nhưng tốc độ chuyển đổi số giữa các doanh nghiệp trong hội cũng còn khá chênh lệch.
Ông Tạ Hoàng Hảo (thứ 2 bên phải), TGĐ Công ty CP Kỹ Thuật Hoàng Thịnh hướng dẫn PGS-Ts Lê Hoài Quốc và đoàn HAuA tham quan doanh nghiệp.
Theo ông Tạ Hoàng Hảo, Tổng giám đốc Công ty CP Kỹ Thuật Hoàng Thịnh (HTEN), việc các doanh nghiệp Việt Nam chậm chuyển đổi số phần nhiều là do hạn chế về nguồn lực tài chính, nhân lực và công nghệ để thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện. Công ty Hoàng Thịnh, với thế mạnh là đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ Điện - Tự động hóa trong sản xuất các ngành Thực phẩm & đồ uống, Hóa chất, Thức ăn chăn nuôi, Vật liệu xây dựng, Hoàng Thịnh có hẳn một phòng tự động hóa đảm nhiệm việc chuyển đổi số.
Chia sẻ với lãnh đạo HAuA, ông Hảo cho biết: Hoàng Thịnh không sử dụng các phần mềm có sẵn trên thị trường mà tự xây dựng một hệ thống phần mềm dựa trên mã nguồn mở để phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp rất thành công.
PGS-Ts Lê Hoài Quốc, Chủ tịch HAuA tặng quà lưu niệm cho ông Tạ Hoàng Hảo.
Còn theo ông Nguyễn Phước Tân, giám đốc Công Ty TNHH Kỹ Thuật Tự Động An Dương, các phần mềm ERP có sẵn trên thị trường hiện nay khi đem áp dụng vào thực tế doanh nghiệp gặp rất nhiều vấn đề. Có những tính năng doanh nghiệp cần thì phần mềm không có và nhiều tính năng phần mềm có doanh nghiệp lại không cần dẫn đến khó khăn và lãng phí khi vận hành. Vì vậy, sau khi thử nghiệm một vài phần mềm của các thương hiệu nổi tiếng của cả thế giới lẫn trong nước, An Dương cũng đã quyết định tự xây dựng phần mềm ERP cho riêng mình để tiến hành chuyển đổi số.
Đoàn HAuA nghe giới thiệu về Công Ty TNHH Kỹ Thuật Tự Động An Dương.
Sau khi nắm bắt tình hình chuyển đổi số của các doanh nghiệp, PGS-Ts Lê Hoài Quốc có khơi gợi một số vấn đề đối với doanh nghiệp hội viên, đó là chuyển đổi số phải gắn với chuyển đổi xanh. Doanh nghiệp Việt Nam cần bắt kịp xu hướng của thế giới để không bị tụt hậu và tránh lãng phí thời gian, công sức cũng như tiền bạc.
Đoàn HAuA chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo và nhân viên Công Ty TNHH Kỹ Thuật Tự Động An Dương.
Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống. Để thành công, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, xây dựng kế hoạch cụ thể và tận dụng các nguồn lực hỗ trợ, và đặc biệt, người đứng đầu doanh nghiệp cần có tầm nhìn đúng và sự quyết tâm mạnh mẽ, đầu tư xứng đáng thì chuyển đổi số trong doanh nghiệp mới thành công.