Hơn 650 nghìn địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng máy tính ma trong tháng 7/2022

17:04, 15/08/2022

Thông tin từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết trong tháng 7/2022 hệ thống kỹ thuật của Cục đã ghi nhận 652.221 địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng botnet (mạng máy tính ma)…

Nếu so với tháng 6 trước đó, số lượng địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng botnet (mạng lưới các thiết bị máy tính bị cài mã độc và chiếm quyền điều khiển, được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công mạng, còn được gọi là mạng máy tính ma) đã giảm 7,48%.

Trong số địa chỉ IP nằm trong mạng botnet trên, có 175 địa chỉ IP của cơ quan, tổ chức nhà nước (18 địa chỉ IP bộ/ngành, 157 địa chỉ IP tỉnh/thành).

Thống kê của Cục An toàn thông tin chỉ ra rằng 7 tháng đầu năm 2022, trong 7.624 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, số sự cố tấn công cài mã độc vẫn nhiều hơn cả, với 4.703 sự cố, chiếm hơn 61,6% và gấp tới 4,3 lần số cuộc tấn công thay đổi giao diện. Từ đầu năm đến nay, mỗi tháng có hơn 760.000 địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng botnet.

Trước đó, báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022 cho thấy trong 6 tháng đầu năm, số địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng botnet là 704.939 và mục tiêu đến cuối năm 2022 chỉ còn 500.000 địa chỉ.

Hơn 650 nghìn địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng máy tính ma trong tháng 7/2022 - Ảnh 1

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm đối với lĩnh vực an toàn mà cơ quan quản lý đặt ra là trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Việt Nam; Kiểm tra mức độ tuân thủ an toàn thông tin của các cơ quan, tổ chức.

Đồng thời triển khai Chiến dịch bóc gỡ mã độc toàn quốc năm 2022; và tổ chức hai cuộc diễn tập thực chiến và phối hợp tổ chức hai cuộc diễn tập quốc tế.

Năm 2021, Việt Nam có hơn 3.300 website trong nước bị xâm nhập và thay đổi giao diện, trung bình hàng tháng hơn 700.000 IP Việt Nam nằm trong mạng botnet (số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông).

Số liệu của Trung tâm Công nghệ thông tin và giám sát an ninh mạng, Ban Cơ yếu Chính phủ, cho biết trong năm 2021 thông qua công tác giám sát an toàn thông tin, Trung tâm đã phát hiện 811.902 nguy cơ tấn công mạng, tăng 5,5% so với năm 2020, trong đó 757.064 (hơn 93,2%) là các tấn công mạng khai thác lỗ hổng bảo mật, nhắm vào các hệ thống cổng thông tin điện tử, các hệ thống chỉ đạo điều hành tác nghiệp.

Ngoài ra, khoảng 31.013 là các tấn công mạng liên quan đến các hình thức truy cập trái phép. Đặc biệt, số lượng tấn công liên quan đến mã độc được phát hiện là 19.091, với nhiều hình thức tấn công phức tạp, tinh vi.

PV