Hợp tác số: Ưu tiên hàng đầu trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Mỹ

10:15, 12/09/2023

Hợp tác số là một trong những trọng tâm ưu tiên, được nhắc đến đầu tiên trong bản Kế hoạch hành động nhằm triển khai Tuyên bố chung giữa hai nhà Lãnh đạo.

Chiều ngày 10/9, ngay sau lễ đón chính thức tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden và đoàn đại biểu cấp cao Mỹ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Tổng Bí thư đánh giá cao các nội dung được thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước trong Tuyên bố chung về việc nâng tầm quan hệ Việt Nam – Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững. Tổng Bí thư hoan nghênh việc thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế bao trùm theo hướng đổi mới sáng tạo tiếp tục là nền tảng trọng tâm, động lực cho quan hệ hai nước và việc hai bên nhất trí tạo đột phá trong hợp tác về khoa học, công nghệ.

2023911-m005.jpeg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden cùng đoàn đại biểu cấp cao hai nước tại hội đàm chiều ngày 10/9. Ảnh: Phạm Hải

Tổng thống Joe Biden bày tỏ sự trân trọng đối với đất nước Việt Nam, đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam về phát triển, đóng góp vào công việc quốc tế và những đóng góp, vai trò lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng thống bày tỏ sự ủng hộ đối với sự phát triển của Việt Nam, trong đó có hợp tác kinh tế và khoa học-công nghệ trong giai đoạn mới, phát triển công nghiệp điện tử, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng sạch. Tổng thống Joe Biden đánh giá cao việc hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện có lợi cho cả hai nước và lợi ích quốc tế chung.

Những nội dung chính hợp tác công nghệ Việt - Mỹ

Hợp tác số là một trong những trọng tâm ưu tiên trong quan hệ chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, được nhắc đến đầu tiên trong bản Kế hoạch hành động nhằm triển khai Tuyên bố chung của Lãnh đạo hai nước.

Hai Nhà lãnh đạo cam kết hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn của Việt Nam và cùng hợp tác tích cực để nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

2023911-m006.jpg

Tổng thống Joe Biden hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng ngày 11/9. Sau cuộc gặp tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng dự hội nghị về đổi mới sáng tạo và đầu tư giữa hai nước. Ảnh: Phạm Hải

Đồng thời, hai bên hoan nghênh việc thúc đẩy hạ tầng số an toàn và tin cậy ở Việt Nam, khẳng định là cơ hội mới để nâng cao năng lực số nhằm phát triển nền kinh tế số Việt Nam. Những nỗ lực này bao gồm việc hỗ trợ (i) Thiết lập một phòng Thí nghiệm đào tạo ORAN tại Việt Nam, (ii) bảo mật 5G và (iii) áp dụng các công nghệ mới nổi để cung cấp các cơ hội nâng cao kỹ năng số cho các nhà đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Về hợp tác bán dẫn, Việt Nam và Mỹ sẽ tìm cách củng cố vai trò quan trọng của Việt Nam trong chuỗi bán dẫn khu vực và toàn cầu bằng cách khai thác các thế mạnh hiện có về lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói cũng như giúp phát triển năng lực thượng nguồn. Hai nước dự định phối hợp với khu vực tư nhân, ghi nhận vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc củng cố ngành công nghiệp bán dẫn và chuỗi cung ứng thế giới.

2023911-m007.jpg

Bên trong nhà máy chip Intel tại Việt Nam (Ảnh: Quang Minh)

Chính phủ hai nước đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác tập trung vào phát triển lực lượng lao động, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, phát triển hệ sinh thái liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn và cùng nhau thực hiện các hành động như: Triển khai Sáng kiến Lực lượng lao động Chất bán dẫn Hoa Kỳ – Việt Nam vào năm 2024, tập trung vào lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói; Tận dụng Quỹ Đổi mới và An ninh Công nghệ Quốc tế (ITSI) theo Đạo luật CHIPS để hỗ trợ sự phát triển lâu dài hệ sinh thái bán dẫn của Việt Nam; Thiết lập Mạng lưới Đối tác Phát triển Điện tử & Công nghệ Hàng đầu (DELTA), tập trung vào đào tạo nhân tài và khuyến khích cạnh tranh sản xuất linh kiện; Hỗ trợ tham vấn trong quá trình dự thảo và thực hiện Chiến lược bán dẫn quốc gia của Việt Nam.

Hợp tác Việt - Mỹ thúc đẩy 5G, 6G và AI

Nội dung thứ hai của hợp tác Việt – Mỹ là hỗ trợ các mạng an toàn có thể tương tác mở. Tìm hiểu việc thành lập Học viện ORAN và Phòng thí nghiệm tương tác bên cạnh việc triển khai công nghệ quy mô ở Việt Nam để thúc đẩy triển khai 5G mở, có khả năng tương tác, an toàn và đáng tin cậy cũng như tăng cường nền kinh tế đổi mới và cung cấp cơ hội nâng cao kỹ năng kỹ thuật số cho người lao động Việt Nam.

2023911-m008.jpeg

Viettel và Qualcomm công bố nghiên cứu, sản xuất thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset ASIC.

Học viện và Phòng thí nghiệm sẽ hợp tác với doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam và một đối tác đại học địa phương của Việt Nam để cung cấp đào tạo thực hành cho các chuyên gia 5G hiện tại, đồng thời tạo cơ hội cho các nhà cung cấp và nhà mạng triển khai ORAN trên toàn cầu đến giảng dạy và đào tạo các kỹ sư địa phương về cách thiết kế, xây dựng và vận hành các hệ thống mở này. 

Ngoài ra, Mỹ cam kết cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các công ty viễn thông và cơ quan quản lý của Việt Nam để mở rộng kết nối cáp biển đáng tin cậy và an toàn. 

Một lĩnh vực khác được Việt Nam và Mỹ mong muốn thúc đẩy hợp tác là trí tuệ nhân tạo (AI). Hai bên nghiên cứu khả năng hợp tác về AI cùng sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ AI; chia sẻ nhận thức về tầm quan trọng của đạo đức AI nhằm bảo vệ quyền và an toàn cho các cá nhân, trao đổi về đạo đức và các quy định AI; cùng thúc đẩy hợp tác về các công nghệ số mới nổi.

Hai bên cũng sẽ tiến tới việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Cơ quan An ninh mạng và An ninh cơ sở hạ tầng (CISA) của Mỹ và Cục An toàn thông tin Việt Nam (AIS) hợp tác xây dựng năng lực an toàn thông tin và chia sẻ thông tin về các mối đe dọa mạng.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông 

(https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/159749/Hop-tac-so--Uu-tien-hang-dau-trong-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-Viet-My.html)